Thứ Tư, 5 tháng 6, 2019

CÕI LẶNG (*) CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM - YẾU DƯỚI MỨCTRUNG BÌNH
Tập Cõi Lặng của Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2007.
Tập có 56 bài, 9 bài thơ viết theo hình thức truyền thống (có bài lỗi vận – Tắm bến Hà Khê, Đọc thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục, Người nằm bên Hồ Tây...), 44 bài viết theo “tân hình thức”, không vần không điệu, tức là Vô lối, 3 bài theo thể hiện đại – thơ tự do.
Nhiều người tìm đọc vì sự tò mò là chính.
Họ xem ông nhà thơ làm quan to tột đỉnh khi hồi hưu có như những ông quan xưa hồi hưu, có khác gì thường dân đang quằn quại khổ đau dưới một sự toàn trị không. Hoá ra ông “quan to” hồi hưu lại hậm hực, ấm ức, tiếc rẻ, khẩu khí có khi còn quá đáng hơn cả dân thường, bài Vô lối sau:
“Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, cạc vi- dít, nắm đấm mi – crô.
Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường...
...Anh là một với cánh đồng, cánh hẩu với quán cóc, ăn chịu với cỏ...”
(Bây giờ là lúc).
Ông quan to, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không dấu sự nuối tiếc, bực bội, cả căm tức khi mình bị buộc về hưu giữa chừng, đang lúc kiếm ra nhiều bỗng lộc. Tiếc không thay đổi được thời gian, thời gian đã đóng đinh lên thân thể; hối không làm được như gã quan Tàu trước đây đổi 83 tuổi ra 38 tuổi để tại vị nhiều thập kỷ nữa, để hốt vàng, hốt bạc. Bao nhiêu cái tiếc, bao nhiêu cái tức, cái căm.
(Nghĩ về mất chức mà đau
Từ nay thôi hết xe tàu vi vo
(Vè cụ Thượng mất chức – Dân gian)
Làm quan đời nay nó hái ra toàn ngọc tạ vàng tấn, chứ không phải chỉ ba đấu gạo như tri huyện, nhà thơ Đào Tiềm xưa, và 40 đô la/tháng như Phó tổng thống, nhà thơ Bungari , Đimi trô va... nên các quan khát chức, khát quyền điên dại, oán trách đồng liêu hảm hại, oán trách tạo hoá phôi pha tuổi tác. Sự hồi hưu ở quê là một sự đi đày, chứ không phải là từ quan về vui thú điền viên như quan xưa:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Mà:
“Tóc trắng như thời gian thích chữ lên trán
Đày anh về quê
Không thể chạy trốn số phận”
(Nhặt ghi)
Và như vậy hoá ra những bài thơ viết về quê hương, cố quận như: Làng Phao Võng, Cánh đồng buổi chiều, Thành phố sớm xuân, Viết cuối năm, Về quê đón tết... đều giả hết!
Nguyễn Khoa Điềm không dấu mình nỗi đam mê quyền lực, đam mê làm quan đến nỗi Huế và Hà Nội thời giao thông hiện đại, xe con đời mới to chỉ đỉ 7 tiếng đồng hồ là đến nhà mà để lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông. Lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông không phải lo dân chống bão lụt, chống hạn hán, lo cầm quân đánh giặc ngoài biên thuỳ, mà lỡ cả mùa thu, lỡ cả mùa đông là cấm mạng, chặn tường lửa, cấm tư tưởng dân chủ, cấm những người” nhìn ra bốn phương rực rỡ văn minh, tức tối nước nhà cam đường hủ bại” lỡ vì:
“Đã lâu anh chưa về Huế
Hẹn vào thu rồi lỡ cả mùa đông
Anh mải mê trên đường hoạn lộ
Ngảnh về quê hư ảo một vầng trăng”
(Viết cuối năm)
Vì đam mê làm quan, đam mê quyền lực nên ông quan Nguyễn Khoa Điềm không dấu một thủ đoạn chính trị nào để đạt quyền chức:
“Nhiều khi đá đá dạy ta mềm mỏng”
(Hy vọng)
Đến đây chúng ta nhớ tích cũ tay quan Lưu Sử Đức cũng bên Tàu. (Làm quan thì phải học Tàu).
Ông bố muốn con làm quan to nên ra tình huống như nền giáo dục tiên tiến các nước hay ra tình huống cho sinh viên thực hành.
Ông bố nói:
- Nếu quan trên mắng mỏ nhổ nước bọt vào mặt con thì con phải làm sao?
Lưu Sử Đức thành thực trả lời:
- Con im lặng và sẽ lấy khăn lau đi!
Ông bố giật nảy mình như đỉa phải vôi:
- Không được! Không được! Hỏng hết bánh kẹo! Hỏng hết bánh kẹo! Cứ để vậy, cứ để vậy, cho nó tự khô!
Nếu Lưu Sử Đức sồng lại thì phải đến học ông quan “mềm mỏng” Việt Nam Nguyễn Khoa Điềm thêm mấy chiêu nữa!
Vì đam mê quyền lực, vì súng đẻ ra chính quyền (Mao Trạch Đông) nên tình thương con người trong thơ Nguyễn Khoa Điềm nhạt nhẽo, sống sượng, sáo rỗng, vô tình, không thật một chút nào. Những câu đại ngôn sau vừa kém thi pháp, vừa kém nhân đạo:
“Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống với người, chết vì người”
(Cõi lặng)
Nhiều nhà thơ ở Huế bình và chê Cõi Lặng là tình cảm vờ vịt. Thật không sai chút nào!
Nhiều bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm viết theo kiểu Vô lối dưới vè như: Anh đợi, Ngồi với cây long não nhà bạn, Hoa quỳ vàng...
“Vứt hết sách vở
Hai tay bụi trần
Núi cao anh trèo
Sông sâu anh lội...
(Anh đợi)
Cõi lặng có nhiều bài thua cả những bài ở các tập thơ trước như bài Tháng tư:
“ Tháng tư lá xà cừ xào xạc mặt đường
Dãy tường cổ nảy những chùm lá mới
Hà Nội thì thầm nghìn tuổi
Mừng Đảng qua một mùa đại hội”
(Tháng tư)
“Tháng tư dông chuyển bồn chồn
Hạt mưa vây ấm, nỗi buồn cách xa
Phía em, phía của quê nhà
Trắng là tóc mẹ, xanh là áo em!”
(Đất ngoại ô)
Trong Cõi Lặng Nguyễn Khoa Điềm lạm dụng từ Hán Việt chưa Việt hoá như: Vô ngôn, Hoạn lộ, Hư tự...
“Bao giờ, nơi nào anh đọc được mình
Qua nỗi đau nhân loại
Vô ngôn
Hư tự”
(Những quyển sách)
Khách quan mà nói thì những bài thơ mà Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết theo thể thơ truyền thống khá hơn một chút, có thơ hơn một chút không phải như các bài ôp lối hủ nút, lởm khởm như: Mưa thu, Bạn thơ, Người nằm bên Hồ Tây, Lên núi thăm chùa...”
“Ta ngồi như cội trúc
Gội mưa thu bốn bề
Nghĩ mình không lỗi hẹn
Với người đang xa quê
Chỉ mong em trở lại
Kịp hái chùm tóc tiên
Cắm lên bình lam ngọc
Mừng một ngày lãng quên”
(Mưa thu)
Cõi lặng là một tập sách yếu kém dưới mức trung bình.
Hà Nội ngày 1-2 – 2012
Đỗ Hoàng
(*) Nhà xuất bản Văn học năm 2007

DỊCH VÔ LỐI CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM
Nguyên bản:
CÕI LẶNG (*)
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch
Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống vì người, chết vì người
Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác
Đến những miền trong xanh...
Ngày 17.1.2003
--
(*) In trong tập Cõi Lặng – NXB Văn học năm 2007
Viết liền văn xuôi:
CÕI LẶNG
Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình với nỗi buồn trong sạch. Cõi lặng, không một tiếng động nào khác - Tiếng đập trái tim anh. Người ơi, tôi yêu người tha thiết. Tôi sống với người, chết vì người. Cõi lặng, tôi vượt qua ghềnh thác đến những miền trong xanh.
Nhận xét:
Đây là điển hình cho loại Vô lối đang thịnh hành. Nó tù mù, tờ mờ, chuột không ra chuột dơi không ra dơi. Nếu gọi là thơ thì là một sự xúc phạm rất lớn với thi ca!
Khi chuyển những bài Vô lối qua cách viết kiểu văn xuôi mới biết các bài Vô lối ấy thì thấy nó kệch cỡm, bệnh hoạn biết nhường nào. Đúng là một quái thai của văn chương.
Đấy là mới nhìn hình thức biểu hiện, chứ soi vào ý tứ, câu chữ và tu từ ( hay là thi pháp) thì không biết gọi chúng là gì!
Riêng hai câu đại ngôn “Người ơi, tôi yêu người tha thiết/ Tôi sống vì người, chết vì người” thì giống như con sói hú lên: “Cừu ơi, ta yêu Cừu tha thiết/ Ta sống vì Cừu, ta chết vì Cừu!”
Dịch sang thơ Việt:
Đỗ Hoàng dịch:
CÕI LẶNG
Cõi lặng, anh soi thật mình
Nỗi buồn trong sạch, trắng trinh giữa trời.
Cõi lặng, không tiếng nào rơi,
Tiếng tim anh đập muôn đời nào yên!
Yêu người tha thiết, thiêng liêng,
Nguyện cùng sống chết, đảo điên vì người!
Cõi lặng, ghềnh thác vượt rồi,
Đến miền thanh sạch, tuyệt vời xanh trong!


Hà Nội ngày 29 - 1 – 2012
(*) Giải thưởng Cố đô Huế (5 năm/lần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét