Thứ Ba, 25 tháng 6, 2019

Giới thiệu nhà thơ Phạm Ngọc Lư


Lts: Các nhà thơ miền Nam Việt Nam thời tạm bị chiếm đa số dùng từ cũ, từ Hán Việt chưa Việt Hóa, đọc rất nặng nề. Nhưng họ viết cho cái tôi, cái quy luật muôn đời, nên thơ họ có sức nặng đi xa. Điều này khác thơ miền Bắc. Miền Bắc Việt Nam, văn nghệ  sĩ đều bị biến thanh con hát ( văn mậu dịch, văn nô) nên không có nhiều tác phẩm có tầm cỡ!
  Nhà thơ Phạm Ngọc Lư tuy nặng nề chữ cũ nhưng ông nói tới cái tôi vĩnh hằng nên tác phẩm ông ngày nay còn đọc được!
 Xin giới thiệu một số bài thơ của ông!
  vannghecuocsong.com


Phạm Ngọc Lư

Quá giang tự vịnh


Sông Hàn, mệt lắm, sông Hàn !
Mai qua chiều lại trưa sang tối về
Đời mòn lăn chậm bánh xe
Áo cơm bải hoải nặng nề lăn theo
Dài chi nhịp nhịp giang kiều
Tha hồ gió ngạo mưa kiêu rách lòng
Đành như hàn sĩ qua sông
Đành như khuê nữ chậm chồng quá giang
Trông ra trời nước mơ màng
Giật mình trẩy khúc gian nan qua cầu
Đoạn trường lăn bánh xe đau
Sông Hàn lạnh sông Hàn sâu… im lìm
Sông nào nước xoáy trong tim ?

2 – 1997

Trang Thơ
Phm Ngc Lư

Description: https://www.luanhoan.net/GioiThieuTacGia/html/04-01%20tg%20pnl%2002_files/image002.jpg 








Quá giang tự vịnh


Sông Hàn, mệt lắm, sông Hàn !
Mai qua chiều lại trưa sang tối về
Đời mòn lăn chậm bánh xe
Áo cơm bải hoải nặng nề lăn theo
Dài chi nhịp nhịp giang kiều
Tha hồ gió ngạo mưa kiêu rách lòng
Đành như hàn sĩ qua sông
Đành như khuê nữ chậm chồng quá giang
Trông ra trời nước mơ màng
Giật mình trẩy khúc gian nan qua cầu
Đoạn trường lăn bánh xe đau
Sông Hàn lạnh sông Hàn sâu… im lìm
Sông nào nước xoáy trong tim ?

2 – 1997

*

Ngập ngừng trông núi

Ở lâu bên núi Sơn Trà
Trầm ngâm núi, lững lờ ta, u trầm
Bấm tay Tuất Hợi Tý… Dần
Năm năm ngồi ngắm phong vân khứ hồi
Nhiều khi thấm gió ngàn khơi
Tung hồn lên núi rong chơi tha hồ
Đôi khi nhìn sóng lô nhô
Lòng đang quang tạnh bất ngờ nổi mây
Đôi khi rót chén rượu đầy
Ngập ngừng trông núi… ô hay núi nhìn

Năm năm ba nổi bảy chìm
Ta mơ làm núi đứng im yên hàn
Trầm ngâm, vòi või, hiên ngang
Núi ơi! hồn núi miên man nghĩ gì ?

*

Phù dung

Phải em là khách chiêm bao ?
Từ đêm thiên cổ lạc vào đêm nay
Xiêm vàng áo giấy lay bay
Mơn man nét khói đường mây đa tình

Em từ quê quán Vô Minh
Thoát thai cát bụi tái sinh đào hồng
Khuya nay mở quán Phù Dung
Mời ta khai vị sắc lòng phấn hương

Đêm xưa tao ngộ Tầm Dương
Nhận ra dòng dõi đoạn trường với nhau
Khóc cười chung một bể dâu
Tài hoa đồng hội khổ đau đồng thuyền
Phong trần xé áo rách xiêm
Ba đào đắm mộng truân chuyên hớp hồn
Ta chơi vơi giữa sinh tồn
Em chưa thoát nợ phấn son kiếp nào
Đêm nay rượu gởi tình trao
Đề thơ lên cửa chiêm bao, chạnh lòng…

Lạnh dần một quán hư không
Khép dần một đóa phù dung vô hình
Em chìm xuống đáy Vô Minh
Bỏ ta trên bến nhân sinh bàng hoàng
Sương rơi, đêm cạn, quán tàn
Cô đơn vòi või trần gian ta ngồi
Chung quanh vẫn vậy: cuộc đời !

1998 – 2003

*

Trở về phá Tam Giang



Phá Tam Giang phá Tam Giang !
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Trời vẫn xanh màu xanh cố cựu
Mây trầm ngâm khói nước miên man

Mười năm dong ruổi mòn đất khách
Về cố hương chiều xế nắng tàn
Bỏ nón, tháo giày, xăn tay áo
Rửa phong trần thẹn với Tam Giang

Kè đá rêu xưa ngâm bến cũ
Còn người đi người đợi đò ngang
Còn xóm chài lưa thưa mành lưới
Còn nhấp nhô thuyền thúng thuyền nan
Không còn người chèo đò năm xưa tóc bạc
Cô lái đò chiều nay trán nhăn
Trừng mắt nhìn ta trách móc :
“Mười mấy năm chú mới về làng !”

Mười mấy năm ? Phải rồi, ta quên mất !
Cái thuở áo cơm trở mặt phũ phàng
Điêu đứng năm Mùi ra đi năm Tuất
Ra đi mưu cầu y thực
Trở về nặng trĩu gian nan

Nhớ buổi ra đi thân tình đưa tiễn
Vợ xếp câu thơ chị gói khúc đàn
Đệ tử mươi người tung hô dâng rượu
Thôn nữ vài em gởi gắm gió trăng
Mẹ tóc trắng nhìn theo lặng lẽ
Con tóc xanh hai đứa dùng dằng
Ta mím môi, chỉ Tam Giang thề hẹn
Không là Tương Như mà khí khái dâng tràn
Bước xuồng thuyền nhìn trời cao dõng dạc
Gõ mạn thuyền ngâm khúc Hành phương Nam

Hành phương Nam, hành phương Nam !
Mười mấy năm tấm cám thau vàng
Thấp cao danh lợi
Chí khí dở dang
Tơi tả bao phen buồn thân thế
Đắng cay mấy bận khiếp hồng nhan
Mưa miền Nam, nắng miền Nam
Trông mây thấp thỏm, nghe gió bàng hoàng
Mười mấy mùa trôi qua không nhớ
Quá đỗi mưa đau
Quá nhiều nắng khổ
Lẽ nào Trời bỏ ta chăng ?
Đọc thơ Nguyễn Bính chua tâm sự
Đọc lại thơ mình thẹn gió trăng
Chén rượu quê người sao mà bạc
Ân tình đất khách lắm đa đoan

Chiều nay về… bên phá Tam Giang
Phía bờ Đông vẫn xóm vẫn làng
Mười mấy năm còn ai trông ngóng
Mười mấy năm mỏi mòn ước vọng
Mẹ có thương con gió bụi lầm than ?
Chị có xót em một đời thất chí ?
Em không buồn ta ?
Sao lòng ta phai nhạt đá vàng !

Phá Tam Giang, ôi phá Tam Giang !
Gió hiu hiu sóng gợn mơ màng
Nước vẫn mặn mòi mây quen thuộc
Sao lòng ta sóng gió ly tan
Xin xấu hổ với lời thề ngày trước
“Không công danh bất phục hoàn !”
Xin biết ơn cô lái đò nhân hậu
Còn thương ta mời ta quá giang
Thôi rửa hết phong trần nơi bến nước
Để trở về đứng khóc dưới hương quan !
1996

*

Cố Lý Hành

Chiều chết đuối trên sông ngờm ngợp
Nước đua chen đớp bọt nắng tàn
Đò qua sông đìu hiu bến đợi
Buồn rút lên bờ cây khai quang
Mây đổ xù lông như chó ốm
Trời bôi nhòe mặt ngóng đêm sang
Thôn ổ tiêu sơ gầy khói bếp
Đồng không mốc thếch lạnh tro tàn

Có biết ta về không cố lý ?

Mười năm chưa lạ mặt xóm làng
Sao phên giậu nghiêng đầu câm nín
Rơm rạ làm thinh chẳng hỏi han
Cổng khép rào vây vườn cỏ dại
Tường xiêu mái rách bóng nhà hoang
Ngõ vắng bàn chân như hụt đất
Tre già đang kể chuyện chôn măng
Nương rẫy đang phơi lòng dâu bể
Nói làm sao hết nỗi bàng hoàng ?
Khóc làm sao vừa lòng cố lý ?
Phải đây là cố lý ta chăng ?

Đâu bóng mẹ già sau khung cửa
Và những người em mặt trái soan
Đâu bóng chị hiền như hoa cỏ
Bên luống cà xanh liếp cải vàng !

Đất đá thở ra mùi u uất
Bốn bề hun hút rợn màu tang
Ai chết quanh đây mà cú rúc
Mà cơn gió lạnh réo hồn oan
Ai trong muôn dặm không về nữa
Cố lý mười năm mộng bẽ bàng
Cố lý mười năm ngày trở lại
Như ngày Lưu Nguyễn xuống trần gian !
1972

*

Biên Cương Hành

Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn
Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Đoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oan hờn
Đá mang dáng dấp hình chinh phụ
Trơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường
Trông núi có khi lầm bóng vợ
Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương
Thôi em, sá chi ta mà đợi
Sá chi hạt cát giữa sa trường
Sa trường anh hùng còn vùi dập
Há rằng ta biết hẹn gì hơn?

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông
Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm
Mùa mưa về báo hiệu tai ương
Quân len lỏi dưới tàn lá dữ
Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn
Sát khi đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hoá thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng
Chém cây cho đỡ thèm giết chóc
Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

Đây biên cương, ghê thay biên cương !
Tử khí bốc lên dày như sương
Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu
Rừng núi ơi ta đến chia buồn
Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?
Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
Nhất khứ bất phục phản” là thường !

Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương.
 (tháng 5.1972)

*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét