Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

Điếm mới Kiều Thơ


Điểm mới của " Kiều Thơ"
                                         Kim Yến

       Cách đây gần 300 năm, cụ Nguyễn Du đại thi hào dân tộc đã viết lên tác phẩm Đoạn trưởng tân thanh (thường gọi là truyện Kiều) nổi tiếng. Truyện Kiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà quốc tế cũng ghi nhận tài năng của cụ. Nguyễn Du được UNETSSCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới. Tác phẩm của Cụ được lưu truyền đọng lại mãi trong dân gian cho đến tận ngày nay. Nó đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân Việt. Nói đến truyện Kiều, nếu là người dân Việt, ai cũng biết nội dung câu chuyện và giá trị nghệ thuật độc đáo, áng văn hay đến mức chưa có một tác phẩm nào sánh được. Mặc dù đất nước đã trãi qua nhiều gian đoạn lịch sử cũng có nhiều tác giả đã viết lên rất nhiều tác phẩm của mình, phản ảnh nhiều khía cạnh trong cuộc sống và các cuộc chiến tranh đi qua với thời gian dài của đất nước nhưng cũng chưa đạt tới chiều sâu và chiều cao như Truyện Kiều. Tác phẩm của Nguyễn Du đã thành ngọc trong văn học hiện nay, đây là nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc Việt.
      Trong thời kì hậu hiện đại này, không những trong nước mà cả trên thế giới, họ đang rà soát lại những dòng văn học đã xuất hiện qua nhiều giai đoạn của lịch sử, xem loại văn học nào hay nhất đạt đỉnh cao về nội dung cũng như giá trị nghệ thuật, nó phục vụ đắc lực về tinh thần và tôn vinh vẻ đẹp sang trọng cho cuộc sống được đông đảo nhân loại tiếp nhận. Dòng văn học đó bây giờ còn lẩn lộn xoáy tròn như con ốc. Người ta nhận định có thể theo văn học phương Tây cũng có thể là phương Đông hoặc loại cái cũ theo kiểu viết mới hoàn toàn không kế thừa.Theo các nhà nghiên cứu văn học cho biết:  - Các nước châu Âu đang chuyển sang châu Á để nghiên cứu văn học cổ phương Đông và nước Mĩ đã, đang thể hiện dòng văn học "cổ tự nhiên"
      Đất nước ta trãi qua hàng chục năm chiến tranh, nhân dân phải đương đầu chống giặc ngoại xâm không kể mất mát của cải và hy sinh cả tính mạng. Cuộc sống của họ kham khổ nhưng vẫn cố chịu đựng, tinh thần luôn lạc quan yêu đời chỉ nghĩ đến tương lai, hy vọng tươi sáng, bằng mọi giá, họ phải giải phóng được đất nước. Nay đất nước được giải phóng hoàn toàn, nhân dân làm chủ, cuộc sống ngày một đi lên chính vì thế, tầng lớp yêu văn chương và sáng tác văn ngày càng nhiều. Họ muốn tôn vinh cuộc sống, hướng đến cái đẹp, điều này đáng mừng. Dòng văn họ viết muôn hình, muôn sắc không theo một trào lưu nào hết. Có nhiều người viết theo kiểu cũ, có người viết theo kiểu mới rồi đòi bãi bỏ kiểu cũ đi. Sự đấu tranh tìm kiếm trào lưu văn học mới ngày càng gay gắt: Lớp tác giả trẻ cho tác phẩm của mình là nhất còn sáng tác như trước đây cổ lỗ sỉ. Họ cho dòng văn học cổ là lỗi thời bây giờ không ai chuộng mà phải đi tìm cái mới điều này cũng đáng hoan nghênh "Con hơn cha là nhà có phúc". Nếu như thành công ...  Lớp trẻ sáng tác đa phần bắt chước kiểu phương Tây, lời văn dài dòng, lê thê thậm chí khô khan, có khi thể hiện tục tỉu khó đọc, khó nghe, khó hiểu, chẳng rung động lòng người. Nói đến cách viết mới, ai cũng quay lưng lại, nhiều tác giả cứ biện luận "Còn phải đợi thời gian". Trước đây ông cha ta đã dựng lên nhiều dòng văn học, nhiều tác phẩm có giá trị tạo được thế đứng vững vàng truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay. Họ sáng tác trong điều kiện khắc nghiệt nhất mà vẫn lưu truyền sáng giá.
    Trong hoàn cảnh trào lưu văn học hiện nay đang còn tìm kiếm và tranh cải, tác giả Đỗ Hoàng cho ra mắt "Kiều Thơ" một tác phẩm phóng tác dựa trên câu chuyện "Kim Vân Kiều Truyện " của Thanh Tâm Tài Tử. Đây là một sáng tạo với sự phong tác nguyên bản và công trình khảo cứu, chú thích rất công phu. Với một quyễn sách dày 400 trang dịch từ chữ Hán sang Việt thành văn xuôi, từ văn xuôi Đỗ Hoàng sáng tác thành thơ hoàn chỉnh, phong phú  6122 câu. Trước đây, Nguyễn Du đã từng dựa vào câu chuyện này viết lên tác phẩm của mình một cách xuất sắc, nỗi tiếng về nội dung cũng như nghệ thuật. Phải nói rằng tài nghệ của Cụ đến bấy giờ chưa ai qua mặt được Cụ, nó trở thành ngọc quý giá trong nền văn học nước nhà.
       Sau gần 300 năm, con cháu muốn tái hiện tác phẩm này hoàn chỉnh, rõ hơn, cụ thể hơn. Rất nhiều người đã nghiên cứu tác phẩm dịch sang tiếng Việt bằng văn xuôi, nhưng chưa có ai dịch tác phẩm này sang thơ. Người thực hiện dịch sang thơ kế tiếp theo Nguyễn Du là tác giả Đỗ Hoàng viết lên tác phẩm " Kiều Thơ" nhằm tôn vinh, khẳng định lại một lần nữa nét văn hóa đặc sắc riêng biệt về thể loại thơ "lục bát" của dân tộc Việt. 
      Là một tác phẩm nỗi tiếng bao giờ người ta cũng tìm hiểu rất kĩ về xuất xứ, cội nguồn, nội dung tác phẩm, nghệ thuật đến đâu, câu chuyện nhiều hay ít chi tiết.
     Điểm mới trong tác phẩm" Kiều Thơ", là Đỗ Hoàng đã dịch phần thơ tâm sự, xướng hoạ của các nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện mà trước đây cụ Nguyễn Du chỉ nhắc đến chứ không dịch. Ngoài ra ông còn sáng tạo thêm nhiều đoạn trong Báo ân, Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị bắt sống, sáng tác nhiều đoạn thơ làm phong phú nội dung là để bạn đọc thỏa mãn sự tìm hiểu về tác phẩm. Với tài năng của cụ Nguyễn Du, tôi nghĩ rằng: - Cụ thừa sức dịch hết nội dung tác phẩm gốc, chắc một lí do hoàn cảnh thời thế nào đó mà Cụ không dịch hết. Nay Đỗ Hoàng sáng tạo và dịch để làm sáng tỏ Kim Vân Kiều Truyện và Đoạn trường tân thanh.
     Những đoạn thơ chưa được dịch như: Gần một nghìn câu thơ rất hay: Do Kiều viết 572 câu, 110 câu  của Thúc Sinh, 8 câu của Sở Khanh, 4 câu  của Giác Duyên, 44 câu của Tống Ngọc. Có rất nhiều thơ: Thơ luận về bạc mệnh, thơ viết ở gốc cây, thơ vịnh, thơ thù tạc, thơ viết ở của công...          
 Trích Khúc oán bạc mệnh ;
   Cụ Nguyễn Du có viết hai câu vắn tắt  " Khúc nhà, tay lựa nên chương / Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.''
 Đỗ Hoàng dịch thơ: 16 câu
...Nhớ về cách trở Sâm, Thương /Hồng nhan là giống buồn vương lụy phiền......
      Tác giả làm rõ thêm nội dung khúc bạc mệnh nói về thân phận hai chị em Triệu Phi Yến sắc tài được vua sùng ái một sớm, một chiều cũng tiêu tan. Phụng Tiên chết thảm, chúa Xuân vô tình. Gái chốn Mậu Lân tài sắc, lấy chồng không toại nguyện theo ý muốn đành bỏ mạng. Nàng Tao Nga đội thây cha chết đuối.
        Khúc bạc mệnh thốt lên những tiếng, não nề, ai oán vận mệnh của những người con gái xinh đẹp, tài sắc. Họ sẳn sàng hy sinh bản thân để giữ trọn tấm lòng đạo hiếu với cha mẹ, chung thủy chồng con, xây dựng hạnh phúc gia đầm ấm. Nhưng cuộc đời của họ đầy bi thảm cực khổ hoặc neo đơn ở một giai đoạn lịch sử phong kiến khắc nghiệt.
      Kiều là nhân vật điển hình cho các tầng lớp chị em phụ nữ thời ấy. Quan niệm xã hội phong kiến bấy giờ: Con gái chỉ là một thứ đồ chơi hoặc hàng hóa hay lấy chồng phải theo chồng chỉ lo bếp núc, cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, không có quyền tham gia bất cứ việc gì trong gia đình và ngoài xã hội. Họ có chết cũng không ai quan tâm. Trai năm thiếp bảy thê chẳng việc gì nhưng gái chính chuyên phải một chồng.
      Đỗ Hoàng đã dịch và viết lại đoạn này rõ ràng nhằm nhấn mạnh, thông cảm, thương xót tận cùng cho chị em giới phụ nữ như cánh hoa rực rỡ mùa xuân mà thân phận lại như bọt bèo trôi chẳng đáng giá trong gia đình và xã hội. Tác giả muốn nhắn gửi muôn đời sau hãy quan tâm nâng đỡ họ, họ cũng là một kiếp người ở trần gian cùng tham gia nối dõi tông đường kế tiếp  ....."Với ta khúc oán Kiều Nương / Ai nghe không khỏi xót thương phận mình."
    Hoặc Kiều làm thơ trước mộ Đạm Tiên
"Lòng thơ lai láng bồi hồi /Gốc cây lại vạch một bài cổ thi". Đoạn này Nguyễn Du chỉ nêu Kiều có làm bài thơ từ tạ trước mộ Đạm Tiên chứ không nói nội dung của bài thơ như thế nào.
      Tác giả Đỗ Hoàng dịch bản gốc:  Kiều nói: "Linh hồn người trước nay đã cảm thông, vậy trước khi ra về em cũng phải có mấy câu từ biệt. Nói xong, nàng liền rút chiếc trâm ở trên mái tóc vạch vào gốc cây một bài từ tạ như sau:
      " ... Gió tây tơi táp bời bời,  / Nát tan cây cỏ chẳng vơi mối sầu Ngậm hờn, oán tủi oan sâu / Thê lương, nguồn cội rầu rầu nhớ nhung!/ Oanh vờn chấp chới mông lung, / Bóng chiều cánh hạc ngại ngùng về mau. /  Hương hồn còn mãi muôn sau, / Gót tiên, dáng ngọc in màu rêu phong!...
     Tác giả đã gửi gắm vào tài năng của Kiều qua những từ ngữ, vần điệu, hình ảnh, sâu sắc ở đoạn thơ trên. Nhờ thế mà độc giả lại hiểu thêm nhân vật chính là Kiều trong tác phẩm. Một tiểu thơ xinh đẹp, mộng mơ, sống trong gia đình giàu sang thuộc loại bậc trung, mà có tấm lòng nhân ái, đa cảm trước ngôi mộ vắng chủ lạnh hương khói ngày xuân. Nàng xót xa, luyến tiếc thân phận một nữ ca. ..." Thương cho một kiếp má hồng trêu ngươi! / Sống làm vợ khắp vạn người, / Chết rồi nấm đất mồ côi không chồng.".....
      Nhân vật Sở Khanh trong truyện là người nỗi tiếng lừa đảo, buôn bán con gái nhà lành đưa vào nhà thổ. Một đức tính chẳng tốt đẹp gì. Hạng người chỉ biết dùng sức mạnh hoặc tiền bạc làm công việc bất lương. Nhưng khi gặp Kiều cũng thể hiện những câu thơ tán tĩnh với Kiều khi nghe tiếng thơ họa, Đỗ Hoàng đã dịch sang thơ công phu trau chuốt, bay bỗng
   " Hởi ôi người ngọc mộng mơ/Bích đào đồng vọng giọng tơ ngân dài./ Nghẹn ngào buồn tối, sầu mai. /Lá xanh hờn gió rơi vài chiếc non./  Nẽo xa cánh bướm chập chờn, / Tình ta chan chúa  tiếng đờn Mỹ nhân./Người đâu tài sắc tuyệt trần./Ta đây thương phận trầm luân lỡ làng!"
  Điểm mới nữa của Kiều Thơ là không có cảnh báo oán mà chỉ có cảnh báo ân. Kiều đã từng quy y đạo Phật, nên hơn ai hết nàng hiểu được lòng từ bi hỷ xả của Phật và thấm nhuần giáo lý nhà Phật: “Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan; lấy oán báo oán, oán oán chất chồng”. Nên Kiều tha thứ hết thảy kẻ đã từng đày đoạ gây oan khuấtcho mình và cho gia đình mình.    
    Lòng nhân ái, dân chủ của tác giả còn thể hiện trong thơ qua các đoạn xử tội những kẽ bất lương. Tác giả đã cho họ trình bày hết ý nguyện của mình từng nhân vật một. Cuối cùng tha về hết để cho họ có cơ hội trở lại hoàn lương làm người công dân tốt tạo nên cuộc sống thanh bình của xã hội. Đây là đức tính ưu việt phù hợp hiện nay. Trước đây chế độ phong kiến, nô lệ tàn bạo hơn, bất nhân hơn, trong Kim Vân Kiều Truyện và trong Đoạn trường tân thanh các tên tội đồ đều bị phanh thây chém.đầu nhưng trong Kiều Thơ thì tác giả cho Kiều tha hết. Nội dung không có trong bản gốc mà tác giả sáng tác thêm.
Tác giả thể hiện trong thơ như sau:
 ..”Kiều rằng: Bây chết ai màng,
Nhưng vì ân nghĩa trần gian nặng nề.
Lần này hết thảy tha về.
Từ nay không được hành nghề bất lương"…
       Ngoài ra, tác giả còn sáng tác thêm phần "Từ Hải bị bắt sống" cho Từ Hải và Hồ Tôn Hiến đối đáp với nhau luận bàn ai cái thế, ai bêu đầu với hàng trăm câu thơ sắc bén đã kích kẻ hèn lợi dụng cơ hội để cướp công. Khi bị bắt, Từ Hải Vẫn hiên ngang đối đáp với Hồ Tôn Hiến.
Hồ Tôn Hiến nói:
“Rằng nghe trí dũng hơn người/ Lại rànhchữ nghĩa một thời bút nghiên/ Đã từng học chữ Thánh hiền/ Mà làm tháo kháu cuồng điên thế này?
Từ Hải trả lời:
" Lạ gì cá ilũ quan dâm/ Miệng hô Thiên tử, dao đâm tim người/ Thuyền rồng dỡn sóng. Xe chơi/  Một phường ăn máu muôn đời dân đen/ Lập công nấp váy kẻ hèn / Cổ kim sử sách ai khen bao giờ! / Ta đây thác bụi chôn bờ / Muôn năm dân nghĩa vẫn thờ khói hương."...   
       Về mặt nghệ thuật, tác giã đã sử dụng điêu luyện vần điệu nâng cao tầm thể thơ lục bát. Là người từng lang bạt, từng sống khắp Bắc, Trung, Nam  nên tác giả đã sử dụng một lượng từ ngữ phong phú được chọn lọc kĩ càng, trau chuốt, sắc sảo, bóng bẩy, dễ hiểu. Tác giả đã viết 6122 câu bắt đầu cho đến kết thúc, vần điệu rất chuẩn với nhau. Ngoài ra, tác giả còn dùng nhiều từ láy chuyển tiếp liên tục như:" Chập chờn chếnh choáng chiều chơ / Lòng riêng riêng những thẩn thờ vì nhau." Nhằm tăng thêm tình cảm gắn bó, luyến tiếc, bịn rịn giữa Kim Trọng và Thúy Kiều không muốn rời xa nhau ngay phút gặp gỡ ban đầu. Hay sự say đắm, choáng ngợp  trước vẻ đẹp kiều diễm của nàng như tiên xuống trần và ước ao, mong mỏi được gặp kiều lần nữa của Kim Trọng tăng lên khi sử dụng một loạt từ láy " Mơ màng, mê muội, một mình miên man .Gặp nhau rồi đợi ngày hạnh phúc cũng còn nằm trong mộng giác khi gần, khi xa và chưa chắc chắn thể hiện qua câu: " Mơ màng mong mỏi man miên / Chín chiều, chằn chặn, chung chiêng, chập chờn."...
 Nhấn mạnh nỗi buồn của Kiều thăm thẳm, luyến tiếc thân phận mình phải chịu trần gió bụi mờ mịt không có ngày trở lại khi nhận lời bán mình chuộc cha: "Mây mồng mờ mịt mưa may/ Dở dang dùng dắng dạn dày dáng duyên" ...
      Nghệ thuật sử dụng từ láy của tác giả càng làm tăng vẻ đẹp hình ảnh nhân vật, lung linh, huyền ảo về phong cảnh hoặc nổi buồn nhân vật sâu thẳm hay ác độc, mạnh mẽ thêm với những kẻ làm ăn bất chính. Vì thế hồn thơ lai láng, thanh thoát, sâu lắng làm rung động lòng người.
      Với sự hiểu biết sâu sắc Hán - Việt, phát huy tính kế thừa, và nghệ thuật trình diễn  khéo léo, tác giả trình bày tác phẩm của mình thành công xuất sắc. Đỗ Hoàng vận dụng được một lượng từ lớn để viết  6122 câu riêng biệt, đưa thơ lục bát lên một mức độ điêu luyện, nhuần nhuyễn, hàm súc, thấm thía. Theo tác giả không có câu nào trùng lặp với thơ cụ Nguyễn Du,
     Phải nói rằng so với tác phẩm trước đây của cụ Nguyễn Du, Đỗ Hoàng viết số lượng câu gần gấp đôi. Với nội dung phong phú, tác giả cho giải bày hết khúc mắc đặc trưng của các nhân vật trong truyện, vùa làm cho từ vựng quốc ngữ phong phú, vừa sáng tạo cái hay, cái mới trong thơ lục bát của mình thông qua tác phẩm "Kiều Thơ." Đây là một đóng góp đáng ghi nhận, và đã khẳng định thêm thế đứng của văn học nước nhà mà ông cha ta dựng lên trong nghìn năm văn hiến.
                                                                    Huế tháng 9 – 2010
                                                                               K.Y




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét