Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Kiều Thơ - Đỗ Hoàng (Trích)


Đỗ Hoàng
Kiều Thơ
Nhà xuất bản Hội Nhà văn
Lời đầu sách :
Nhà thơ Đỗ Hoàng sáng tác và dịch Kim Vân Kiều truyện nguyên bản ra thơ lục bát gồm 6.122 câu
Trong nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử có gần 1 000 câu thơ do Kiều (572 câu), Thúc Sinh (110 câu), Sở Khanh (8 câu) , Giác Duyên (4 câu), Tống Ngọc (44 câu) sáng tác. Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhắc đến việc Kiều sáng tác nhưng không có tác phẩm nào được dịch. Mà Kiều cũng như Thúc Sinh, Sở Khanh...có rất nhiều thơ. Chẳng hạn: Thơ luận về bạc mệnh, thơ viết ở gốc cây, thơ vịnh, thơ thù tạc, thơ viết ở cửa công… “Khúc nhà lay tựa nên chương/ Một thiên Bạc mệnh lại càng nảo nhân” hay: “Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ Vạch da cây vịnh bốn câu, ba vần” và “Lòng thơ lai láng bồi hồi/ Gốc cây lại vạch một bài cổ thi”… Khi sáng tạo ra thơ lục bát, Đỗ Hoàng dịch tất cả các sáng tác của Kiều, Thúc Sinh, Sở Khanh, Giác Duyên và bài Chiêu hồn tử của Tống Ngọc do Kim Trọng đọc lúc cả nhà Vương Thuý Kiều đoàn viên.
Trong Truyện Kiều Nguyễn Du có viết:
“Khúc nhà, tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lạị càng nảo nhân”
Nguyên bản Hán - Việt:
Bạc mệnh oán khúc
Hoài cố quốc hề thán ná Sâm Thương,
Bi luân vương hề ngọc dung hà tường?
Tỉ muội cố sủng hề nhất triêu câu tử,
Đông quân bất lệnh hề Phụng Tiên diệt vương.
Hầu môn tự hải hề Tiêu Lang mạch lộ
Thất thân phi loại hế Mậu Lâm tranh quang.
Vị lang tiều tuỵ hề cập nhĩ đồng tử,
Ly hồn tình trọng hề thiển xướng ám thương.
Tử phụ phụ thi hề sinh đại phụ tử, 
Sủng suy hoàn phiến hề nhĩ sinh bất xương.
Hữu thuỷ vô chung hề bi hồ thất lữ,
Môn tiền linh lạc hề lão đại thuỳ tương.
Cổ kim hồng nhan hề mạc bất bạc mệnh.
Hồng nhan bạc mệnh hề mạc bất đoạn trường.
Ngã bản oán nhân hề nãi vi oán khúc,
Văn thử oán khúc hề thuỳ bất bi thương.
Đỗ Hoàng dịch nghĩa:
Khúc oán mệnh bạc
Lòng nhớ về quê cũ, những lần lữa cách trở như Sâm, Thương,
Hồng nhan có phải để nỗi buồn như điềm gở?
Chị em Triệu Phi Yến được vua sủng ái như thế một sớm cũng tiêu tan!
Phụng Tiên chết thảm, Chúa Xuân cũng vô tình.
Một bước vào chốn Công hầu khác nào bước xuống bể thẳm, chàng Tiêu Sử trở thánh khách qua đường!
Gái ở chốn Mậu Lâm tài sắc đủ điều xe duyên chẳng lựa đành bỏ mạng.
Lòng dạ thiếp đây tiều tuỵ, khô héo cũng vì chàng.
Hồn bỏ đi cửu tuyền, tình nặng vô vàn sao chẳng cùng khuất nẻo trần gian? Cất lên những tiếng than nảo nề, ai oán!
Nàng Tào Nga đội thây cha chết đuối, cha lớn lao sinh con lớn lao!
Tấm lòng sủng ái lúc yêu, lúc ghét, sương thu lạnh, mảnh quạt để rơi.
Trước cửa lạnh lùng, lúc già cỗi còn ai cầu nữa. 
Xưa nay hồng nhan đều là người bạc mệnh.
Hồng nhan bạc mệnh làm không khỏi nỗi đau đứt ruột.
Ta cùng là khách má hồng ai oán làm ra khúc oán này.
Hỏi ai khi nghe khúc oán này mà không buồn thương bi luỵ!
Đỗ Hoàng dịch thơ:
Khúc oán mệnh bạc
…Nhớ về cách trở Sâm, Thương. (1)
Hồng nhan là giống buồn vương luỵ phiền.(2)
Triệu nương vua chuộng ngày đêm (3)
Chúa Xuân chán bỏ Phụng Tiên chết sầu!(4)
Chàng Tiêu người ngọc thấy đâu? (5)
Mậu Lâm con gái gieo cầu trái duyên! (6)
Vì chàng khô héo thuyền quyên (7)
Hồn vương ly loạn cửu tuyền, trần gian. (8)
Cứu cha ghi dấu sử vàng! (9)
Tấm lòng ưu ái vì nàng đó thôi! (10)
Bởi đâu làm lỡ lứa đôi?
Vô duyên già cội chẳng ngồi lầu trang (11)
Cổ kim bạc mệnh hồng nhan! (12)
Má hường phận mỏng đa đoan, đoạn trường! (13)
Với ta khúc oán Kiều nương.
Ai nghe không khỏi xót thương phận mình!...
Chú thích:
(1) Tích cũ là hai ngôi sao trên trời chỉ sự xa cách.
(2) Thuyết hồng nhan
(3) Triệu Phi Yến người đẹp đời Hán được vua sủng ái, sau chết vì oán hờn.
(4) Phụng Tiên tên hiệu của Triệu Phi Yến.
(5) Tích xưa, chàng Tiêu bán thiếp tài sắc vào cửa Công hầu không bao giờ thấy mặt nữa.
(6) Tích ở Tư Mã Tương Như - Con gái miền Mậu Lâm đẹp nhưng cầu hôn không đúng chỗ nên xảy ra nhiều oan trái.
(7) Thuyền quyên là gái đẹp.
(8) Theo đạo Phật chết còn hồn vương lại dưới chín suối và trên cõi trần
(9) Tích Tào Nga một thiếu nữ đời Đông Hán liều mình xuống sông cứu cha được đời sau khen ngợi.
(10) Ai cũng yêu mến Tào Nga.
(11) Ca dao: “Còn duyên kẻ đón, người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng”, chỉ nhưng cô gái hết duyên không còn ngồi được ở lầu hồng. 
(12) (13) Thuyết hồng nhan bạc mệnh - Người đẹp đều bất hạnh trong tình yêu và cuộc sống.
Kiều làm thơ trước mộ Đạm Tiên (Bài một) :
“Rút trâm sẵn giắt mái đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu, ba vần” ( Nguyễn Du).
Đoạn này trong nguyên bản, Kiều không vạch da cây, Thanh Tâm Tài Tử chỉ tả: …Vừa khấn, vừa đốt hương rồi thụp ngồi trước mộ, bái xong bốn bái, nàng mới đề một bài thơ như sau:
Nguyên bản âm Hán - Việt:
Sắc hương hà xứ dã,
Bằng điếu thống tâm tai.
Minh nguyệt lãnh loan bị,
Ám trần phong kính đài.
Ngọc tuy hoàng thổ oánh,
Danh vị bạch tuyết mai,
Thượng hữu như miên tửu
Vô nhân điện nhất tửu bôi.
Đỗ Hoàng dịch nghĩa:
Sắc hương đã trôi dạt về miền nào rồi?
Đến đây viếng thăm lòng đau đớn lắm thay!
Trăng sáng lạnh lẽo soi chăn uyên.
Bụi ám mờ tấm gương trong.
Ngọc bị bùn đen vầy lấp.
Danh chưa thành trước cây tuyết mai trắng.
Trên còn chung rượu say.
Không ai rót một chén rượu cho người bạc mệnh, thì có em đây!
Đỗ Hoàng dịch thơ:
…Sắc tài chẳng có tri âm, (1)
Buốt lòng thăm viếng, lệ thầm xót xa!
Chăn đơn lạnh lẽo bóng ngà, (2)
Trải bao gió bụi nhạt nhoà gương trong. (3)
Bùn nhơ vầy bẩn ngọc hồng! (4)
Tuyết mai trắng xoá tên không tỏ bày. (5)
Chỉ em cùng chị hôm nay, (6)
Xin dâng một chén rượu cay đượm nồng!..
Chú thích:
(1) Tích xưa, bạn thân nhất.
(2) Ngà chỉ ánh trăng, nghĩa bóng là người đẹp.
(3) Gương trong chỉ người đẹp.
(4) Ngọc hồng chỉ người đẹp.
(5) Tuyết mai trắng xoá chỉ người đẹp.
(6) Chỉ em cùng chị : Thuý Kiều và Đạm Tiên.
Kiều làm thơ trước mộ Đạm Tiên (Bài hai):
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi ( Nguyễn Du)
Đoạn này trong nguyên bản củaThanh Tâm Tài Tử có tả: …Linh hồn người trước nay đã cảm thông, vậy trước khi ra về em cũng phải có mấy câu từ biệt. Nói xong nàng liền rút chiếc trâm ở trên mái tóc vạch vào gốc cây một bài từ tạ như sau:
Nguyên bản âm Hán – Việt:
Tây phong hà hối khí,
Trân trân sử nhân ai.
Thảm thiết như hàm oán,
Thê lương tự hữu hoài.
Thừa loan nghi sạ khứ,
Khoá hạc nhạ trùng lai.
Bất đoạn hương hồn xứ,
Thương thương xi ấn đài!
Đỗ Hoàng dịch nghĩa:
Gió tây thổi tới lúc nào đó?
Từng trận, từng trận làm cho lòng người sầu nảo.
Thảm thiết như ngậm một nỗi oán.
Buồn bã thê lương như nhớ nhau.
Hình chim oanh đã vụt biến đi đâu
Bóng chim hạc lại chợt về sau đó.
Hương hồn không mất chốn này.
Gót ngọc còn in trên lớp rêu xanh!
Đỗ Hoàng dịch thơ:
…Gió tây tơi táp bời bời,
Nát tan cây cỏ chẳng vơi mối sầu.
Ngậm hờn, oán tủi, oan sâu.(1)
Thê lương nguồn cội, rầu rầu nhớ nhung! (2)
Oanh vờn chấp chới mông lung,(3)
Bóng chiều cánh hạc ngại ngùng về mau. (4)
Hương hồn còn mãi muôn sau, (5)
Gót tiên, dáng ngọc in màu rêu phong!... (6)
Chú thích:
(1) Nguyên bản Hàm oán là ngậm nỗi oán hờn.
(2) Thê lương: Buồn thảm, não nùng.
(3) (4) Chim oanh và chim hạc.
(5) Theo thuyết nhà Phật thì người chết rồi nhưng linh hồn vẫn còn.
(6) Gót tiên, dáng ngọc chỉ Đạm Tiên

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét