Thứ Ba, 18 tháng 6, 2019




NGUYEN NGỌC - HOÀ BÌNH KHÓ NHỌC - PHẦN 3
Lần đầu tiên công bố 1 chương trong Hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc
Công việc Hội nhà văn, ai từng ở đấy đều biết, muốn làm thì làm bao nhiêu cũng không hết ; không làm cũng chẳng sao. Người viết vẫn viết. Người viết hay cứ viết hay. Người viết tồi cứ viết tồi.
Dạo ấy tôi cố gắng làm hai việc : hết sức góp phần lập trường Nguyễn Du. Và ra tờ Văn học nước ngoài.
Trường Nguyễn Du là để cố gắng dần dần tạo một thế hệ cầm bút mới, đỡ thất học như chúng tôi.
Tờ Văn học nước ngoài là cố gắng để cho kinh nghiệm văn học thế giới thẩm thấu dần vào ta. Xin mãi, không ra chính thức được, chúng tôi làm nội san vậy, in ronéo, in xê-len, rồi in typo. Có lần Bộ văn hóa muốn bêu diếu những anh bất hợp pháp, tổ chức triển lãm những tờ báo in lậu, Văn học nước ngoài cũng vinh dự có mặt trong cuộc đó. Anh Đào Xuân Quí giúp tôi trong công việc nội san này, bài vở, dịch thuật, mi báo, in ấn, gần như một mình anh ấy chống chọi. Văn phòng Hội kiềng riềng vì kinh phí không có, tiền báo không thu được. Tôi đánh bài lờ.
Công việc linh tinh khác cũng nhiều : đối nội, đối ngoại, chế độ, chính sách, họp hành, trợ cấp, già, trẻ… Anh Tô Hoài cùng làm việc với tôi rất ăn ý. Đã làm, anh làm đến nơi đến chốn, và gọn, nhanh. Nguyễn Khải đêm nào cũng cùng tôi chụm đầu bàn bạc, trên căn phòng của anh ở 4 Lý Nam Đế. Anh em tâm đầu ý hợp.
Công việc trước mắt là chuẩn bị Đại hội nhà văn lần thứ III. Đại hội II họp năm 1962, lúc ấy tôi đã vào Nam. Gần 15 năm rồi còn gì. Và riêng tôi, tôi nghĩ đã đến lúc có chuyện để mà họp.
Để chuẩn bị cho một Đại hội có chất lượng, thật sự có chuyện mà nói, chúng tôi chủ trương triệu tập hội nghị đảng viên, thử cùng nhau bàn bạc trước một số vấn đề dự kiến sẽ đưa ra Đại hội. Tôi được phân công viết một tài liệu gọi là “ Đề dẫn ”, có tính cách gợi ý cho cuộc thảo luận sắp tới ở hội nghị. Anh Tô Hoài lo công việc hằng ngày ở Hội. Nguyễn Khải lo việc tổ chức hội nghị (danh sách đảng viên, triệu tập v.v…). Anh Nguyễn Đình Thi nói rõ : anh sẽ góp ý kiến mọi việc, nhưng xin để cho anh được dành nhiều thì giờ sáng tác. Giang Nam làm tổng biên tập báo Văn Nghệ. Các anh còn lại trong Đảng đoàn thì hoặc ở cơ quan khác, hoặc ở xa, ít trực tiếp tham gia công việc Hội.
Tư tưởng của chúng tôi, ít ra của chính tôi, là khá rõ ràng, nhưng cách thức làm việc thì thật luộm thuộm và vội vã. Chúng tôi hối hả, lụp chụp chuẩn bị hội nghị đảng viên.
Sau này nhớ lại, tôi có lần nghĩ : tại sao ngày ấy tôi lại hối hả như vậy. Chậm lại, chắc hơn, suy nghĩ, tính toán, viết Đề dẫn kỹ, chậm hơn ít nữa đã sao. Vậy mà tôi đã ngồi viết Đề dẫn hối hả, ngày đêm, bỏ ăn, bỏ ngủ, viết đến đâu in ronéo đến đấy, bộ máy văn phòng Hội cứ chạy tíu tít lên.
Tại sao ?
Ra tôi vẫn là người sáng tác chứ không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo sẽ từ tốn hơn, cẩn thận hơn, biết kìm mình lại hơn, nhất là khi đang toan tính một việc lớn như thế này. Quả thật tôi có toan tính một việc lớn : bắt đầu cú đột phá cho sự thay đổi văn học mà tôi mường tượng từ lâu, nay đang rõ dần trong đầu, trong mong ước. Tôi bị sự thúc đẩy mãnh liệt hệt như người nghệ sĩ khi cảm hứng tích lũy từ rất lâu, rất lâu, chợt ào đến, không cầm bút, không chộp ngay lấy bảng màu, không ngồi ngay vào bàn… thì không kịp nữa, chậm mất, hỏng mất!
Tôi viết bản Đề dẫn hệt như sáng tác một thiên tùy bút, say mê, bị cuốn hút ngay bởi những ý tưởng vừa hiện hình trên trang giấy, ý tưởng này gợi ý tưởng kia, nối nhau, cuốn nhau, dồn lên nhau ào ào chảy ra.
Tôi nói văn học ta từ sau 75 bỗng đột ngột lâm vào một tình trạng rất kỳ lạ : nó bỗng trở nên nhạt nhẽo. Người đọc, trước đây từng say mê nó thế, từng coi nó là đời sống tinh thần thắm thiết, thống thiết không thể thiếu của mình, nay bỗng đột ngột quay lưng lại với nó, thờ ơ. Họ không thèm đọc ta nữa. Họ đi đọc sách nước ngoài. Họ bỏ ta.
Chính Chế Lan Viên ngày ấy, trong một cuộc họp Đảng đoàn, cũng nói : Sách bây giờ nhiều, nhưng tác phẩm thì không có.
Vì sao ?
Câu hỏi đầu tiên, bức bách, để đặt vấn đề mở đầu bản Đề dẫn là như vậy.
Vì sao ?
Tôi cố gắng cắt nghĩa :
Bây giờ ta có thì giờ hơn, bình tĩnh, yên ổn hơn, hết chiến tranh rồi, kinh nghiệm cũng nhiều hơn, từng người viết, từng quyển sách viết ra rõ ràng khá hơn, văn chương chỉn chu hơn, chương hồi rành mạch khôn khéo hơn, sách “ hay ” hơn. Nhưng tất cả những cái hơn đó là để nói về một chuyện đã cũ, đã qua, đã xong. Chúng ta vẫn tiếp tục, theo quán tính, trả lời một câu hỏi cũ: sự mất còn của cộng đồng dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm.
Câu hỏi ấy, nóng cháy trong suốt thời kỳ trước, nay lịch sử đã trả lời xong rồi. Mà văn học thì cứ tiếp tục, theo quán tính, lải nhải trả lời một câu hỏi đã có lời giải rõ ràng của lịch sử.
Trong khi lịch sử đã sang trang. Cuộc sống đã đặt ra những câu hỏi mới, một loạt câu hỏi mới.
Người ta chán mình, bỏ mình là phải. Người ta đã đứng trước hàng vạn câu hỏi cháy lòng, ngồn ngang, phức tạp mới, mà sách của anh, viết hay hơn, dày hơn, in đẹp hơn, cứ lẩm cẩm vô duyên bắt họ nghe câu trả lời của anh về cái chuyện họ đã vượt qua rồi. Anh lạc hậu, đáng đời nhà anh!
Vậy vấn đề số một của văn học hiện nay, theo tôi, là tìm ra những câu hỏi mới của đời sống. Là nói về nó.
Chính ông Tố Hữu ngày ấy cũng nói : 30 năm nay chúng ta mới giải quyết một vấn đề : sống hay là chết; bây giờ mới bắt đầu giải quyết vấn đề : sống như thế nào?
Chính sự thay đổi câu hỏi cơ bản đó quyết định bước biến đổi cơ bản hôm nay của văn học.
Vậy câu hỏi mới là gì ?
Tôi quả quyết: vấn đề số phận chung của cộng đồng đã xong. Bây giờ là vấn đề số phận riêng của từng con người, trong cộng đồng. Trước kia chưa có câu hỏi đó, chưa thể đặt ra, nó chìm lấp trong câu hỏi lớn chung. Bây giờ nó trồi lên hàng đầu.
Tư tưởng cơ bản của Đề dẫn là như vậy. Nó nêu vấn đề mà nó cho là lớn nhất của văn học bấy giờ ấy ra, và đề nghị hội nghị, rồi Đại hội cùng suy nghĩ, cùng thảo luận.
Tất nhiên, tôi viết hối hả, dông dài, nhiều khi khá rối rắm, không chặt chẽ, nhưng cái ý tưởng ấy là rất rõ ràng. Tôi nói : công việc của văn học bây giờ là tham gia, là đi hàng đầu trong công cuộc giải phóng năng lượng tiềm tàng và vô tận của từng cá thể con người.
Tôi nói : tập thể phải là sự tập hợp tự do và sinh động của từng cá thể tự do, và long lanh sáng tạo. Không thể là tập thể vô danh, vô chủ, tập thể bầy đàn…
Những đêm tôi ngồi viết, Nguyễn Chí Trung thường đi tới. Anh hỏi :
– Đến đâu rồi ?
Tôi buông bút. Hai anh em ngồi trao đổi, bàn luận, tranh cãi. Nguyễn Chí Trung còn thấm Campuchia hơn cả tôi. Nguyễn Chí Trung là người rất lạ : anh là nhà quân sự thực thụ, hết sức thực tế, chi li, tỉ mỉ đến lạnh lùng trong tổ chức một chiến dịch, một trận đánh. Nhưng cũng lại là người nặng suy nghĩ trừu tượng, thích đi đến những kết luận khái quát lớn. Những con người như thế thì thường rất quyết liệt trong tư tưởng và hành động.
Sau này nhiều người phê bình tôi, thường bảo: Nguyễn Chí Trung là đồng tác giả của bản Đề dẫn. Và như thế thì tôi rất vô nguyên tắc: Trung không có chân trong Đảng đoàn, ngay trong Ban chấp hành Hội cũng không. Thật tình bảo Trung là đồng tác giả cũng không hoàn toàn sai đâu. Từ Campuchia trở về, anh còn quyết liệt hơn cả tôi đối với cái chúng tôi gọi là xu hướng chủ nghĩa tập thể bầy đàn. Anh không trực tiếp tham gia bản Đề dẫn, nhưng anh làm rõ rệt, mạnh mẽ hơn những ý tưởng của tôi.
Hai anh em ngồi bàn bạc đến khuya. Rồi Trung đi nằm. Tôi lại ngồi cắm cúi viết, đến sáng. Trung cũng không ngủ. Anh đang thao thức một khái quát lớn nào đó nữa để ngày mai anh sẽ nói với tôi, tôi biết.
Nguyễn Khải cũng hay đến. Trong thâm tâm, ở chỗ lắng đọng sâu kín nhất của anh, Khải là một nghệ sĩ thực thụ. Chỉ có điều, trong một số hoàn cảnh căng thẳng, nguy hiểm trực tiếp nào đó, nhiều khi anh không đủ sức đừng để cho những lo toan khác lấn át, che lấp cái chất sâu kín ấy đi. Hồi bấy giờ chưa có nguy hiểm trực tiếp. Anh tâm đắc với mọi ý tưởng của tôi, có khi còn giúp tôi mài dũa cho những ý tưởng ấy sắc nhọn hơn…
Bản Đề dẫn được viết rõ rệt nhưng vội vàng ấy, được thông qua trong tập thể Đảng đoàn cũng qua quýt vội vàng.
Nguyễn Đinh Thi nói đôi ý kiến phân vân dè dặt.
Tô Hoài ừ ào, không nói gì, và khi làm cái động tác gọi là thông qua, anh đi ra ngoài có việc gì đó, không có mặt.
Giang Nam bảo: mới, mới lắm.
Chế Lan Viên bắt tay tôi:
– Rất được.
Ngay khi thông qua, có đoạn tôi còn chưa viết xong, chỉ trình bày những ý chính, các anh trao đổi, góp ý kiến, tôi về mới ngồi viết tiếp.
Hội nghị được triệu tập cũng rất vội vàng, luộm thuộm, sai sót lung tung. Nhiều đảng viên không nhận được giấy mời. Vài người không phải là đảng viên cũng đến.
Không khí rất vui. Cái kiểu họp nhà văn bao giờ chả thế: anh em đến, gặp nhau là vui rồi. Uống bia, bù khú, tán đủ thứ chuyện.
Tôi đọc bản Đề dẫn. Mọi người đều ủng hộ. Cãi lại, chỉ có Vũ Đức Phúc. Anh ấy là một người “ bảo thủ chân chính ”, nhất quán, đến nay tôi vẫn tin thế.
Anh Nguyễn Văn Bổng nói riêng với tôi:
– Không phải ngẫu nhiên mà người ta cử cậu làm bí thư Đảng đoàn. Chưa hoàn chỉnh, nhưng được. Mở ra một cái gì mới.
Anh Xuân Diệu nói:
– Tớ thích nhất chỗ nói “ triết học ” về lịch sử phát triển con người. Có thế chứ.
Nguyên Hồng cười ha hả.
Hoàng Trung Thông vừa đi uống rượu ở đâu đó về, nói rất dài, lý luận nghiêm trang. Chúng tôi biết anh rồi: càng say càng lý luận nghiêm trang. Anh nói về nhu cầu phải giải phóng cho sáng tạo.
Nguyễn Đình Thi cũng phát biểu dài, nói uyên bác đông tây kim cổ. Và tôi không nhớ rõ dẫn dắt như thế nào, anh lại nói đến những kinh nghiệm đau đớn của văn học Xô Viết: Essénine tự sát, Maiakovski cũng tự sát…
Trong số những người hăng hái hơn cả, có Chế Lan Viên. Anh phản kích thông minh và cay độc những người bảo thủ, đòi cách chức Vũ Đức Phúc.
Anh em trẻ càng vui hơn. Họ tố khổ sự kìm chế sáng tạo.
Trước hội nghị vài ngày, tôi đã gửi bản Đề dẫn và giấy mời tới ông Tố Hữu. Ông đến vào ngày thứ hai của hội nghị. Chế Lan Viên ra đón tận cổng.
Ông bước vào, đi ngang đến chỗ Nguyên Hồng, nắm lấy chòm râu Nguyên Hồng:
– Râu thật hay râu giả?
Nguyên Hồng chỉ cười. Nhưng không khí đột ngột không vui. Đám nhà văn vốn nhạy : có một cái gì khác thường rồi…
Cho tôi ngừng lại một chút để nói về Nguyên Hồng.
Vài năm sau, anh mất, rất đột ngột. Hôm trước, chúng tôi đang họp gì đó trên gác 65 Nguyễn Du, bỗng thấy Nguyên Hồng đẩy cửa bước vào. Vẫn như mọi lần, quần áo bà ba nâu lôi thôi bạc thếch, tóc bờm xờm, trông rất bẩn, chòm râu muối tiêu, mặt đỏ gay. Ý Nhi tả anh trong bài thơ rất đúng : tay ôm cặp bản thảo (có thể của người khác) to đùng. Nói oang oang :
– Họp hả ?… Mình mới ở Quảng Ninh đến, chấm giúp cuộc thi cho chúng nó dưới ấy, vui lắm. Thôi chào. Họp thì cứ họp tiếp đi. Chào !
Nói xong quay ra ngay. Tôi tưởng anh sang phòng khác, thế nào cũng còn ở lại Hội chơi một hai bữa như thường lệ, đi uống rượu với ông Nguyễn Tuân, ông Tô Hoài, tối lại về Hội, cởi trần nằm ngay trên chiếc bàn dài chỗ văn phòng Hội, mở quạt vù vù, ngủ chẳng màn chiếu gì cả.
Không ngờ, trưa họp xong, tôi xuống văn phòng hỏi, anh em bảo anh đã đi mất rồi. Anh đi khắp các phòng, sang cả nhà xuất bản Tác phẩm mới, cả báo Văn Nghệ, tạt qua mỗi chỗ một chút, chào tất, rồi đi. Sau này nghĩ lại, mới thấy hơi bất thường : sao anh lại đi chào tất cả thế ? Những lần trước có thế đâu. Nhưng lúc ấy chẳng ai để ý. Cũng thường thôi, chẳng có gì lạ.
Sáng hôm sau, chúng tôi đang họp Thường vụ Ban chấp hành, bỗng nhiên được điện. Vắn tắt có mấy chữ
“ Ông Nguyên Hồng mất. Lên ngay.
Ký tên : Bà Nguyên Hồng ”.
Tôi vội lấy xe đi ngay lên Nhã Nam. Cùng với Huy Hiền, con gái anh Nguyễn Huy Tưởng, bấy giờ là cán bộ văn phòng Hội. Tôi vẫn hi vọng anh ốm nặng đột ngột, chị Nguyên Hồng đánh điện thế để chúng tôi lên gấp. Nếu vậy sẽ dùng xe này chở anh về bệnh viện Hà Nội, mong còn kịp.
Lên đến nơi, hóa ra anh đã mất thật.
Anh nằm đó, trên chiếc giường mộc, giữa căn nhà xơ xác, thanh thản, yên tĩnh như một người ngủ say, chòm râu lốm đốm bạc, nước da vẫn còn hồng hào.
Chị Nguyên Hồng kể: sáng nay anh ra ngổi đắp lại cái vách đất nhà bếp bị chuột rúc, đang làm thì kêu mệt, chắc là bị trúng gió. Anh bảo chị trải chiếc chiếu, nằm ngay gốc khế trước sân, định nghỉ một lát rồi lại dậy làm tiếp. Nhưng càng lúc càng thấy khó thở. Chị dìu anh vào nhà, vừa kịp nằm xuống giường thì anh đi luôn. Lúc ấy chỉ có mỗi chị Nguyên Hồng. Người đi đánh điện cho chúng tôi chính là bà cụ hàng xóm sau nhà anh.
Tôi ra bưu điện Nhã Nam đánh điện gấp về Hà Nội, rồi quay lại bàn với gia đình việc tổ chức tang lễ.
Đến chiều tối, anh em các nơi đã kéo lên rất đông. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn học, Tác phẩm mới, báo Văn Nghệ, Uỷ ban tỉnh, huyện, Hội văn nghệ Hà Bắc… Cả Hải Phòng cũng lên.
Hội Nhà văn là cơ quan chủ quản chủ trì lễ tang. Tôi phải viết ngay bản điếu văn. Nhưng ở Nhã Nam lúc nào cũng đông đúc, ồn ào, bận rộn quá, e ngồi viết không yên. Tôi lấy xe, đi thẳng về Bắc Giang, mượn một phòng vắng ở cơ quan Hội văn nghệ tỉnh, ngồi viết suốt đêm. Chẳng có tư liệu gì trong tay, tôi viết theo trí nhớ và lòng yêu mến của tôi đối với anh.
Bấy giờ Hà Bắc đã in tập I tiểu thuyết Núi rừng Yên Thế của Nguyên Hồng. Bản thảo tập II đang dở dang. Tôi viết rằng anh không phải người quê gốc Nhã Nam – Yên Thế. Anh vốn người Hải Phòng. Vậy mà hàng chục năm nay, anh bỏ Hà Nội, cũng không về Hải Phòng, mang cả gia đình vợ con lên định cư ở Nhã Nam – Yên Thế là để quyết cắm sâu vào mảnh đất lịch sử Hoàng Hoa Thám này mà viết quyển tiểu thuyết lớn của đời anh. Một nhà văn quyết sống và làm việc như thế, đẹp biết bao !…
Mờ sáng, viết xong, lại hộc tốc chạy lên Nhã Nam. Vừa kịp đọc điếu văn trong lễ tang.
Lễ tang anh Nguyên Hồng là lễ tang nhà quê, có cờ phướn đi trước, có phường bát âm ò í e, áo quan đặt trên chiêc xe tang thô sơ bốn bánh xe đạp, người kéo người đẩy, cả làng xóm và bạn bè rồng rắn kéo qua cánh đồng Tân Yên, ra an táng tại nghĩa trang chung của xã…
Một tuần sau, tại Hà Nội cũng tổ chức lễ tưởng niệm. Tôi đọc lại bài điếu văn hôm nọ. Không khí thương tiếc bùi ngùi.
Lúc ra về, Tô Hoài kéo tôi cùng đi, bảo:
– Điếu văn cậu viết được, nhưng có một điểm sai toét. Cậu bảo thằng cha Nguyên Hồng bỏ về cắm sâu đất Yên Thế là để viết Hoàng Hoa Thám. Nghe cảm động đấy, nhưng đếch phải. Nguyên do thế này kia…
Thì ra – chuyện này, chắc chắn Tô Hoài biết rõ hơn tôi nhiều – sau vụ đấu tranh Nhân Văn Giai Phẩm, cả Hội Nhà văn, nhất là báo Văn (tức là Văn Nghệ bây giờ) lại bị kiểm điểm một trận ra trò, từ trên xuống dưới, chẳng thiếu mặt anh nào, gọi là vụ “ Hậu Nhân Văn ”. Anh nào cũng ít nhiều bị dính.
– Cậu có biết thằng nào nhận khuyết điểm nhanh nhất, thành khẩn, sâu sắc nhất không ? Đố đấy !
Tôi chịu.
Tô Hoài cười :
-Nguyễn Xuân Sanh!
Tôi phục Tô Hoài. Đúng quá! Tất cả các vị khác cọ quậy đôi chút, rồi cũng nhận hết, tất nhiên nhiều vị nhận qua quýt cho xong. Nhận rồi, phải đi thực tế, cải tạo tư tưởng. Đến như Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao… cũng phải kéo lên làm lại tư tưởng mãi tận nông trường Mộc Châu. Chính nhờ cái đận ấy mà về sau Nguyễn Tuân viết được Sông Đà, Nguyễn Huy Tưởng thì có Mười năm…
Riêng mỗi mình Nguyên Hồng, anh dứt khoát tuyên bố :
– Tớ đếch có sai lầm khuyết điểm gì hết ! Không nhận gì hết !
Và anh vứt tất cả, quyết từ nay không dính dấp bất cứ nhiệm vụ chức tước gì với cái “ Hội nhà văn của các ông ” nữa. Anh vứt sạch mọi thứ ở Hà Nội, cả tem phiếu bao cấp là thứ sinh tử ngày ấy, về Hải Phòng cũng chả thèm, kéo toàn bộ vợ con gia đình đang nheo nhóc lên rừng Nhã Nam – Yên Thế mà ở,… cho đến chết.
Ở Nhã Nam, xã Tân Yên, có một ngọn đồi, nguyên xưa là đồi hoang, toàn sim dại, lau sậy, gọi là Đồi Cháy hay Cầu Đen. Hồi chống Pháp, một bộ phận Văn nghệ Trung ương được đưa về đóng ở đấy. Phát hoang, làm nhà, sinh sống và viết. Có cụ Ngô Tất Tố, họa sĩ Tạ Thúc Bình, Kim Lân, Nguyên Hồng… Chính họ là những vị tiên hiền đầu tiên lập ra cái ấp này, sau dân mới dần dần kéo lên ở ngày càng đông, thành làng, gọi là ấp Cầu Đen hay ấp Đồi Cháy. Cụ Tố mất ở đấy, thời bắt đầu cải cách ruộng đất.
Hòa bình, các gia đình văn nghệ sĩ lần lượt trở về Hà Nội.
Nguyên Hồng, sau Nhân văn Giai phẩm tuyên bố “ Tớ đếch sai lầm khuyết điểm gì hết ! ” và anh quyết trở lại cái ấp kháng chiến ngày xưa của anh. Xa xôi, hoang vắng, sống với dân quê, hoàn toàn trở thành một dân quê thực thụ, xa lánh hết mọi cuộc đấu tranh linh tinh, vô nghĩa trong cái gọi là làng văn. Nối anh với thế giới bên ngoài chỉ còn cái xe đạp cọc cạch, cọc cạch đạp từ Nhã Nam về Hà Nội, cọc cạch đạp từ Hải Phòng ra Quảng Ninh. Anh đi giúp anh em trẻ viết, bày vẽ, đọc của anh em mới tập tò vào nghề, chấm bài… và uống rượu với anh em.
Đêm tôi ngồi viết điếu văn trong văn phòng mượn tạm của Hội văn nghệ Hà Bắc, thấy có một cái xe đạp rất tàng dựng bên tường : chiếc xe nổi tiếng của Nguyên Hồng. Chuyến ấy anh gửi xe đạp tại Hội Hà Bắc, đi xe đò về Nhã Nam. Chắc anh đã cảm thấy trong người có gì hơi khác thường…
Nguyên Hồng là vậy.
Ảnh: bản chép tay hồi ký N.N (nhà giáo Nguyễn Ngọc Giao của mạng diendan.org đã bỏ công đánh máy cho chúng ta - xin cảm ơn anh!)
(Còn nữa)
Nguồn: diendan.org


Top of Form

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét