Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

13/06/1966: Quyền Miranda ra đời


13/06/1966: Quyền Miranda ra đời
Nguồn: “The Miranda rights are established,” History.com (truy cập ngày 12/6/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1966, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ra phán quyết về vụ Miranda kiện Arizona, thiết lập nên nguyên tắc là mọi nghi phạm hình sự phải được thông báo về các quyền của họ trước khi tiến hành thẩm vấn. “Anh có quyền giữ im lặng. Bất cứ điều gì anh nói có thể và sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư. Nếu anh không thể tìm được luật sư, một luật sư sẽ được chỉ định cho anh,” thủ tục thông báo nội dung này của cảnh sát xuất hiện nhiều trên phim ảnh và truyền hình đến nỗi nó gần như trở nên sáo rỗng.
Nguồn gốc của phán quyết Miranda bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 3 năm 1963, khi một cô gái 18 tuổi ở Phoenix, Arizona đến báo cảnh sát rằng cô đã bị bắt cóc và cưỡng hiếp. Các thám tử điều tra vụ án đã tiến hành một bài kiểm tra nói dối đối với cô, nhưng không thể đưa ra được kết luận gì từ kết quả. Tuy nhiên, qua theo dõi biển số xe của một chiếc xe giống như cô mô tả, cảnh sát đã lần tới Ernesto Miranda, người từng có tiền sử nhìn trộm phụ nữ. Tuy nạn nhân không trực tiếp nhận diện ra Miranda, ông vẫn bị cảnh sát giam giữ và thẩm vấn. Những gì diễn ra sau đó gây tranh cãi, nhưng cảnh sát đã kết thúc thẩm vấn bằng một lời thú nhận mà sau này Miranda rút lại, không nhận thức được rằng lẽ ra ông không cần phải nói gì cả.
Lời thú nhận của Miranda rất ngắn và mâu thuẫn ở một số điểm so với lời khai của nạn nhân. Tuy nhiên, luật sư chỉ định của Miranda (được trả tổng cộng 100 đô la) lại không hề triệu tập bất cứ nhân chứng nào trong phiên tòa sau đó, và Miranda bị kết án. Trong khi Miranda bị giam trong nhà tù tiểu bang Arizona, Liên minh tự do dân sự Hoa Kỳ (ALCU) đã kêu gọi kháng án, cho rằng lời thú nhận của Miranda là sai lệch và bị cưỡng ép.
Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ bản án của Miranda, nhưng dù sao thì ông cũng vẫn bị xét xử lại và bị kết tội vào tháng 10 năm 1966, bất chấp việc không có đủ bằng chứng chống lại ông. Miranda được thả tự do vào năm 1972, sau đó bị đâm chết trong nhà vệ sinh của một quán ba vào tháng 1 năm 1976. (Chính nghi can sát hại Miranda đã viện dẫn quyền Miranda để giữ im lặng khi bị cảnh sát bắt giữ.)
Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện trong vụ Miranda kiện Arizona, mọi người đều phải được thông báo về những quyền hợp pháp của họ khi họ bị bắt giữ.
Nghiên cứu Quốc tế gải bản báo
P/v
10/06/1692: Phù thủy Salem đầu tiên bị treo cổ
Nguồn: First Salem witch hangingHistory.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1692, tại làng Salem, ở bang thuộc địa Vịnh Massachusetts, Bridget Bishop, người dân thuộc địa đầu tiên bị đưa ra xét xử trong các phiên tòa phù thủy Salem, đã bị treo cổ sau khi bị buộc tội là phù thủy.
Rắc rối trong cộng đồng Thanh giáo nhỏ này đã bắt đầu vào tháng 02/1692, khi Elizabeth Parris 9 tuổi và Abigail Williams 11 tuổi, lần lượt là con gái và cháu gái của Mục sư Samuel Parris, bắt đầu thường xuyên bị động kinh và còn mắc các căn bệnh bí hiểm khác. Một bác sĩ kết luận rằng hai đứa bé đang chịu ảnh hưởng của phép thuật, và bọn trẻ đã chứng thực lời chẩn đoán của bác sĩ. Do bị bác sĩ và cha mẹ ép buộc, hai cô bé đã kể ra tên những người bị buộc tội gây bệnh cho chúng.
Ngày 01/03, Sarah Goode, Sarah Osborne, và Tituba, một nô lệ người da đỏ đến từ Barbados, đã trở thành những cư dân đầu tiên của Salem bị cáo buộc là phù thủy. Cuối ngày hôm đó, Tituba đã nhận tội và sau đó đã giúp đỡ chính quyền xác định danh tính nhiều phù thủy Salem khác. Với sự khuyến khích của những người lớn trong cộng đồng, các cô bé, sau đó nhanh chóng được những người Salem “bị phù thủy ám” khác nhập hội, đã lên tiếng cáo buộc rất nhiều cư dân địa phương là phù thủy, chủ yếu là các phụ nữ trung niên, ngoài ra cũng có một số nam giới và thậm chí có cả một đứa bé chỉ mới bốn tuổi. Trong vài tháng sau đó, những cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã buộc tội hơn 150 phụ nữ và nam giới từ làng Salem và các khu vực lân cận về việc thực hiện các hành vi quỷ dữ.
Tháng 06/1692, Toà án đặc biệt Oyer and Terminer (nghĩa là “nghe và phán quyết”) đã được triệu tập tại Salem, với Chánh án William Stoughton làm thẩm phán. Người đầu tiên được xét xử là Bridget Bishop người Salem, kẻ bị nhiều người cáo buộc là phù thủy hơn bất cứ một nghi can nào khác. Bishop nổi tiếng quanh thị trấn vì tính cách đáng ngờ, thường xuyên ghé các quán rượu, ăn mặc sặc sỡ (nếu so với tiêu chuẩn của Thanh giáo), và đã lập gia đình ba lần. Cô tuyên bố mình vô tội, nhưng vẫn bị kết án có tội, và sau đó bị hành quyết bằng cách treo cổ vào ngày 10/06. Có thêm mười ba phụ nữ và năm người đàn ông với xuất thân khác nhau cũng đã bị treo cổ, và một người đàn ông, Giles Corey, thì bị hành quyết bằng cách nghiền xác bằng đá tảng (crushing). Hầu hết những phiên tòa này đều kết án dựa trên cơ sở hành vi của các nhân chứng trong suốt quá trình tố tụng thực tế, thông thường sẽ là ngất xỉu và bị ảo giác, vốn được cho là do các bị cáo gây ra.
Tháng 10/1692, Thống đốc bang Massachusetts William Phipps đã ra lệnh giải tán Toà Oyer and Terminer và thay thế bằng Tòa án Tối cao (Superior Court of Judicature), theo đó đã cấm kiểu làm chứng giật gân vốn được cho phép trong các phiên xử trước đó. Các đợt hành quyết giảm dần, và Tòa án Tối cao đã cho thả tất cả những người đang chờ xét xử, cũng như tha tội cho những người bị kết án tử hình. Các Phiên tòa Phù thủy Salem, vốn đã kết án 19 phụ nữ và đàn ông vô tội, đã chấm dứt.
Nghiên cứu Quốc tế gửi bản báo
P/v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét