Thứ Ba, 16 tháng 7, 2019

Hoàng Vạn Lý: Nhà khoa học Trung Quốc dám nói thật

Thuê xe16 chỗ

Hoàng Vạn Lý: Nhà khoa học Trung Quốc dám nói thật

Nếu các nhà khoa học thuỷ lợi Trung Quốc hồi những năm 1950 đều dám nói thật thì chắc chắn nhân dân hai bờ sông Hoàng Hà sẽ không phải gánh chịu một tai hoạ – hồ nước Tam Môn Hiệp,[1] một công trình xây dựng sai lầm làm cho đời sống nhân dân các vùng liên quan điêu đứng khổ sở mấy chục năm qua và không biết còn bao lâu nữa mới hết.

Hoàng Vạn Lý: Nhà khoa học Trung Quốc dám nói thật

Hoàng Vạn Lý: Nhà khoa học Trung Quốc dám nói thật

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Nếu các nhà khoa học thuỷ lợi Trung Quốc hồi những năm 1950 đều dám nói thật thì chắc chắn nhân dân hai bờ sông Hoàng Hà sẽ không phải gánh chịu một tai hoạ – hồ nước Tam Môn Hiệp,[1] một công trình xây dựng sai lầm làm cho đời sống nhân dân các vùng liên quan điêu đứng khổ sở mấy chục năm qua và không biết còn bao lâu nữa mới hết.
Những năm gần đây, việc Trung Quốc thừa nhận thất bại của công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng đã làm cho người Trung Quốc biết đến cái tên Hoàng Vạn Lý (Huang Wanli, 黄万里, 1911-2001), được đánh giá là một trong số không nhiều nhà khoa học chân chính của Trung Quốc. Sự vĩ đại của Hoàng Vạn Lý không phải ở chỗ ông dự kiến được công trình Tam Môn Hiệp sẽ thất bại, mà là ở chỗ trong khi tập thể chuyên gia thuỷ lợi Trung Quốc đều đánh mất lập trường đúng đắn, thì một mình ông dám bảo vệ chân lý và lương tâm của mình, dám chống lại “ý dân” và ý kiến của lãnh đạo cao nhất.
Thất bại lớn nhất trong lịch sử xây dựng của Trung Quốc
Hoàng Vạn Lý là chuyên gia thuỷ lợi, thuỷ văn có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc, giáo sư trường đại học Thanh Hoa. Ông là con trai cụ Hoàng Viêm Bồi, nhà giáo dục và nhân sĩ dân chủ yêu nước nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Dĩ nhiên, khi nhà nước đặt vấn đề xây dựng công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp, ông là người đầu tiên được tham gia.
Năm 1952, Chính phủ Trung Quốc mời Liên Xô giúp lập dự án trị thuỷ Hoàng Hà, con sông thường xuyên gây nạn lụt lớn trong lịch sử Trung Quốc. Tháng 10/1954, dưới sự chỉ đạo của đoàn chuyên gia Liên Xô, Uỷ ban Quy hoạch Hoàng Hà (do Bộ Thuỷ lợi và Bộ Công nghiệp nhiên liệu Trung Quốc là lực lượng chính) hoàn thành bản “Quy hoạch lợi dụng tổng hợp Hoàng Hà”.
Đây là một công trình quy mô vĩ đại: trên dòng chính của sông Hoàng sẽ xây dựng 46 đập nước lớn, tổng công suất máy phát điện của các đập này là 23 triệu KW, bình quân hàng năm sản xuất 110 tỷ KWH, gấp 10 lần sản lượng điện toàn Trung Quốc năm 1954, diện tích đất được tưới nước sẽ từ 16,59 triệu mẫu Trung Quốc tăng lên 116 triệu mẫu, xà lan 500 tấn có thể chạy từ biển vào đến tận Lan Châu. Trong đó, đập Tam Môn Hiệp lớn nhất và quan trọng nhất; chính việc xây đập này đã gây hậu quả là trong 40 năm tiếp theo hàng trăm nghìn nông dân Trung Quốc phải rời bỏ ruộng đất mầu mỡ ở quê hương cũ của mình để dời đến các vùng đất cằn cỗi ở xa và sâu, một số dân phải di dời nhiều lần mất sạch cơ nghiệp. Nhân dân Nhật báo ngày 16/02/2006 đưa tin: năm 2005 dân quanh hồ phải dời nhà 2 lần do nước dâng lên vào mùa mưa ; 9 trong 10 năm qua bị hạn hán; thu nhập bình quân năm của nhân dân vùng hai bờ sông phía thượng lưu năm 2004 có 1172 Yuan (kém 1164 Yuan so với mức trung bình cả nước); 297 nghìn dân thuộc diện nghèo, trong đó 114 nghìn nghèo tuyệt đối; nhiều hộ tài sản cộng lại chưa quá 200 Yuan (24USD). Tóm lại nông dân bị thiệt hại quá nhiều từ công trình thuỷ điện, thuỷ lợi này. Khi đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ đến nơi quan sát, các vị này ai cũng khóc và nói Nhà nước thật có lỗi với nông dân.
Vậy vấn đề là do đâu? Ngay từ đầu, Hoàng Vạn Lý đã phát biểu: Liên Xô có nhiều kinh nghiệm xây dựng thuỷ điện, nhưng họ chưa hiểu vấn đề của Hoàng Hà. Khác hẳn các con sông ở Liên Xô, sông Hoàng ở Trung Quốc có rất nhiều phù sa và chính điều đó sau này sẽ là nguồn gốc gây tai hoạ. Đáng tiếc là đoàn chuyên gia Liên Xô này gồm toàn chuyên gia công trình thuỷ chứ không phải chuyên gia thuỷ lợi.
Thế nhưng hồi ấy mọi người Trung Quốc, từ chuyên gia cho đến các nhà lãnh đạo Đảng, Chính phủ, ai nấy đều chỉ nghe theo ý kiến của chuyên gia Liên Xô, không một ai dám công khai phản đối công trình này, trừ Hoàng Vạn Lý. Lãnh đạo nhà nước lại càng đồng tâm nhất trí với giấc mơ “Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh” tức Thánh nhân xuất hiện thì nước sông Hoàng Hà sẽ trong vắt.
Trong không khí cực đoan một chiều như thế, các chuyên gia hữu trách đều không dám kiên trì quan điểm của mình, cá biệt còn có người xuyên tạc sự thật, a dua vào hùa để thừa dịp thăng tiến. Trong cuộc họp lần đầu tiên về quy hoạch Hoàng Hà, nhiều chuyên gia Trung Quốc hết lời ca ngợi bản quy hoạch của đoàn chuyên gia Liên Xô.
Duy nhất Hoàng Vạn Lý nói: “Các vị đều nói Thánh nhân xuất, Hoàng Hà thanh. Tôi bảo: Hoàng Hà không thể thanh [trong] được. Hoàng Hà thanh không phải là công mà là tội.”
Ngày 10/6/1957, hội nghị bàn về Khu đầu mối thuỷ lợi Tam Môn Hiệp họp tại Bắc Kinh; lúc ấy công trình này đã bắt đầu chuẩn bị xây dựng. Trong hội nghị diễn ra cuộc tranh luận gay gắt giữa phái đồng ý với phái phản đối chỉ có một người là Hoàng Vạn Lý. Phái đồng ý vẽ nên bức tranh hoành tráng: xây đập cao, ngăn nước lũ, tích cát lại, làm cho nước chảy từ hồ ra sẽ là nước trong không có phù sa. Riêng Hoàng Vạn Lý nói: Không thể đắp đập trên đoạn sông có trầm tích; nếu không, nạn lụt ở hạ lưu Hoàng Hà sẽ chuyển dịch đến đoạn trung lưu ở đồng bằng Quan Trung. Ông cho rằng phù sa trong nước sông có tác dụng tự nhiên chia cắt thượng lưu, tạo lục địa hạ lưu, xây đập ngăn sông làm trong nước Hoàng Hà là đi ngược quy luật thiên nhiên, là không hiện thực, huống hồ nước trong ra khỏi hồ chứa là không có lợi cho lòng sông phía hạ lưu. Ông nói: sau khi đắp đập thì sẽ ngập ruộng, gây ra thiệt hại cho các thành phố gần hồ.
Đa số các chuyên gia dự họp đều đồng ý với thiết kế của chuyên gia Liên Xô, cuộc tranh cãi kéo dài 7 ngày dẫn đến thất bại của Hoàng Vạn Lý. Cuối cùng ông đành phải rút lui và chỉ đề xuất: Nếu nhất định phải đắp đập thì kiến nghị chớ nên bịt kín 6 hầm thoát nước để sau này có thể đặt cống xả cát. Quan điểm này được toàn thể hội nghị thông qua. Nhưng khi thi công, các chuyên gia Liên Xô giữ nguyên thiết kế cũ bịt kín cả 6 cống ngầm. Đến những năm 1970, Trung Quốc phải bỏ ra 10 triệu Yuan (1,2 triệu USD) để mở lại các cống này.
Các dự kiến và phân tích của Hoàng Vạn Lý về công trình thuỷ lợi Tam Môn Hiệp được chứng tỏ là đúng ngay từ khi công trình xây dựng xong. Tháng 9/1960 hồ chứa nước Tam Môn Hiệp hoàn thành. Từ năm thứ hai, đoạn sông Hoàng và sông Vị từ Đồng Quan trở lên đều bị nạn ngập đọng. 800 nghìn mẫu ruộng lúa hai bờ sông đều bị ngập, phải di dời cả một huyện; thành phố Tây An bị đe doạ nghiêm trọng. Ngày nay thuỷ thổ lưu vực Hoàng Hà ngày càng tồi tệ, nước sông phía hạ lưu hầu như chẳng còn lại bao nhiêu. Từ năm 1972, Hoàng Hà bắt đầu đứt dòng chảy, những năm 1990 hàng năm bình quân dòng chảy bị ngắt hơn 100 ngày không có nước.
Kỹ sư thuỷ lợi Vương Duy Lạc định cư ở Đức trong bài viết “Kỷ niệm 40 năm hoàn thành xây dựng công trình Tam Môn Hiệp” cho biết chí phí công trình này tương đương giá thành làm 40 cây cầu Trường giang Vũ Hán; các phí tổn cải tạo sau đó và thiệt hại kinh tế do công trình này gây ra cho các vùng chịu tai hoạ lớn tới mức không thể nào tính nổi. Theo Nhân dân Nhật báo ngày 16/02/2006, điều tra của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho biết vốn đầu tư cho 13 nhà máy thuỷ điện (công suất phát điện 11,72 triệu KW) trên Hoàng Hà hết 50 tỷ Yuan (6 tỷ USD).
Chỉ vì nói thật mà 22 năm bị chụp mũ “phái hữu”
Lẽ ra sự bất đồng với ý kiến của chuyên gia Liên Xô chỉ là một vấn đề kỹ thuật, thế nhưng trong tình hình ngày ấy lại bị coi là một vấn đề chính trị lớn. Ngoài ra, trong phong trào “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, Hoàng Vạn Lý có viết một bài báo hơn 3000 chữ đăng trên tạp chí của trường ĐH Thanh Hoa, nhân việc xác định phương án thiết kế Tam Môn Hiệp đề xuất sự cần thiết mở rộng dân chủ để nhân dân giám sát và góp ý cho các quyết sách của nhà nước.
Sau khi đọc bài này, Mao Trạch Đông tức giận bảo cụ Hoàng Viêm Bồi: Nhà cụ thế là cũng chia ra làm 3 phái tả, trung, hữu rồi đấy; bài báo của Hoàng Vạn Lý viết gì (mà bậy bạ) thế !
Tiếp đó Nhân dân Nhật báo đăng bài phê phán Hoàng Vạn Lý, bắt đầu 22 năm đầy ải cực khổ của nhà khoa học. Năm 1958, Hoàng Vạn Lý chính thức bị quy định là phần tử “phái hữu”, tiền lương bị giảm từ giáo sư bậc 2 xuống giáo sư bậc 4. Dù bị trù dập như thế, ông vẫn không nói câu nào tỏ ra hối cải. Sau này, khi các tai hoạ của công trình Tam Môn Hiệp đã lộ rõ, lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc nói qua cụ Hoàng Viêm Bồi gợi ý cho Hoàng Vạn Lý biết nếu ông chịu làm kiểm thảo thì sẽ tháo mũ “phái hữu” cho ông. Hoàng Vạn Lý chẳng những không viết kiểm điểm mà còn căn vặn lãnh đạo: “Nhà nước nuôi trí thức bao lâu nay là để làm gì?”
Có người nói: nếu Hoàng Vạn Lý chịu nghe lời lãnh đạo thì có lẽ cuộc đời ông đã khác hẳn. Năm 1935, ông tốt nghiệp thạc sĩ khoa thuỷ văn ở Mỹ, năm 1937 nhận bằng tiến sĩ xây dựng trường đại học Illinois, là người Trung Quốc đầu tiên nhận vinh dự này, sau đó thực tập tại công trình Tennessee. 26 tuổi, ông về nước, làm kỹ sư chính thuỷ lợi tại Uỷ ban kinh tế của Chính phủ Quốc dân, Vụ trưởng Vụ công trình, kỹ sư giám sát Bộ Thuỷ lợi, Cục trưởng Cục Thuỷ lợi tỉnh Cam Túc kiêm Tổng công trình sư. Có thể nói, dù về học vị hay về kinh nghiệm, tại Trung Quốc rất ít người đạt được trình độ như Hoàng Vạn Lý. Khi làm công tác giảng dạy ở đại học Thanh Hoa, ông cũng thể hiện năng lực nghiên cứu khoa học rất xuất sắc. Thời gian 1953-1957, ông viết 2 chuyên khảo “Tính toán dòng lũ” và “Thuỷ văn học công trình”, được đánh giá là 2 bộ sách tiêu biểu rất quan trọng về khoa học thuỷ văn thập niên 1950.
Giáo sư Hoàng Vạn Lý qua đời năm 2001. Trong những ngày cuối đời, ông cũng kịch liệt phản đối việc xây dựng công trình thủy lợi-thủy điện Tam Hiệp trên sông Trường Giang.
Con ông nói về ông như sau: “Cha tôi chỉ biết nói thật, không bao giờ nói dối. Đối với vấn đề học thuật hay quan điểm chính trị cũng vậy; đối với việc có lợi hay không có lợi cho mình cũng vậy, bao giờ  ông cũng chỉ nói thật.”
Thiết tưởng việc ôn lại bài học nói trên là điều cần thiết cho tất cả những nhà lãnh đạo chưa biết thực sự tôn trọng khoa học và dân chủ. Mặt khác, các nhà khoa học cũng cần hiểu rằng sự thiếu trung thực của họ có thể gây tai hoạ lớn chừng nào.
—————
[1] Đây là nói công trình xây dựng các đập nước tại vùng Tam Môn Hiệp trên sông Hoàng Hà (门峡黄河大坝, Yellow River Sanmenxia Dam), xây dng 1957  1961. Xin ch nhm vi công trình đập Tam Hip trên sông Trường Giang (三峡大, Three Gorges Dam), xây dng 1994  2006, quy mô lớn nhất thế giới.
Nguồn: Hitler organizes LuftwaffeHistory.com

Sự tự sát của bá quyền Mỹ
Nguồn: Fareed Zakaria, “The Self-Destruction of American Power”, Foreign Affairs, July/August 2019 Issue.  
Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vào một thời điểm nào đó trong hai năm qua, bá quyền Mỹ đã chết. Giai đoạn thống trị khoảng 30 năm hào hứng nhưng ngắn ngủi của Mỹ được đánh dấu bởi hai sự kiện. Nó khai sinh từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989. Còn sự suy tàn của nó, hay chính xác hơn là khởi đầu của sự suy tàn, cũng là một sự sụp đổ khác, lần này là của Iraq năm 2003, theo sau đó là sự suy sụp từ từ của bá quyền Mỹ. Nhưng liệu cái chết của bá quyền Mỹ là kết quả của các tác nhân bên ngoài hay chính Washington đã đẩy nhanh sự suy tàn của mình bởi các thói quen và hành vi xấu? Nhiều năm nữa các sử gia sẽ tiếp tục tranh luận về câu hỏi này. Nhưng lúc này đây, chúng ta đã có đủ thời gian và tầm nhìn để đưa ra một số quan sát sơ bộ.
Cũng như bao cái chết khác, có nhiều tác nhân gây nên cái chết này. Luôn có những tác động cấu trúc sâu sắc trong hệ thống quốc tế chống lại bất kì quốc gia nào hội tụ quá nhiều quyền lực. Song, trong trường hợp của Mỹ, người ta phải kinh ngạc trước cách Washington dù có một vị thế vô tiền khoáng hậu đã quản lý sai bá quyền và lạm dụng quyền lực của mình, đánh mất đồng minh và làm kẻ thù trở nên tự tin hơn. Lúc này đây, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, nước Mỹ dường như không còn quan tâm, hay có lẽ đã mất niềm tin, vào chính những giá trị và mục tiêu vốn thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của Hoa Kỳ trong suốt ba phần tư thế kỷ qua.
Một ngôi sao ra đời
Bá quyền của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh là điều chưa từng có kể từ sau Đế quốc La Mã. Nhiều cây viết thường gọi năm 1945 là bình minh của “thế kỷ Mỹ”, không lâu sau khi ông chủ bút Henry Luce đặt ra khái niệm này. Song giai đoạn hậu Thế Chiến II là tương đối khác so với giai đoạn sau 1989. Ngay cả sau 1945, trên nhiều khu vực của địa cầu, Anh và Pháp vẫn còn nguyên đế chế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ. Không lâu sau đó, Liên Xô lộ diện là một siêu cường địch thủ, cạnh tranh ảnh hưởng với Washington trên khắp hành tinh. Cũng nên nhớ rằng cụm từ “Thế giới thứ ba” xuất phát từ sự phân chia thế giới làm 3 phần, “Thế giới thứ nhất” bao gồm Mỹ và Tây Âu, “Thế giới thứ hai” gồm các nước cộng sản. “Thế giới thứ ba” là mọi nơi còn lại, mà trong đó mỗi quốc gia không nghiêng hẳn về Mỹ hay Liên Xô. Đối với phần lớn dân số thế giới, từ Ba Lan cho đến Trung Quốc, thế kỷ 20 không được “Mỹ” cho lắm.
Sự vượt trội của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh thoạt đầu rất khó nhận dạng. Như tôi đã chỉ ra trên tờ The New Yorker vào năm 2002, nhiều người đã không hề nhận ra điều ấy. Năm 1990, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi ấy cho rằng thế giới đang phân tách thành ba khối chính trị, chịu chi phối bởi đồng Dollar, đồng Yen, và đồng Mark Đức. Trong quyển Diplomacy xuất bản năm 1994 của mình, Henry Kissinger dự đoán về sự trỗi dậy của một thời đại đa cực mới. Đương nhiên ở Mỹ cũng có rất ít sự hân hoan đắc thắng. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 được nhớ đến với chủ đề chính xoay quanh sự yếu ớt và trì trệ. “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc; Nhật và Đức chiến thắng”, ứng viên Đảng Dân Chủ Paul Tsongas liên tục nói như vậy. Còn các chuyên gia châu Á thì bắt đầu nói về “thế kỷ Thái Bình Dương”.
Song có một ngoại lệ, đó là bài luận mang tính tiên tri “Khoảnh khắc Đơn cực” (The Unipolar Moment) của nhà bình luận bảo thủ Charles Krauthammer, xuất bản năm 1990 cũng trên tờ Foreign Affairs. Nhưng ngay cả cách nhìn hân hoan này cũng mang tính hạn chế, như tiêu đề bài cho thấy. “Khoảnh khắc đơn cực sẽ là ngắn ngủi”, Krauthammer thừa nhận, dự đoán trên tờ Washington Post rằng Nhật và Đức, hai “siêu cường khu vực” đang lên, sẽ sớm hướng tới chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ.
Các nhà hoạch định chính sách chào đón sự suy mòn của trật tự đơn cực, điều mà họ cho là không thể tránh khỏi. Khi chiến tranh Balkan bùng nổ vào năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu khi ấy là Jacques Poos tuyên bố “Đây là thời khắc của châu Âu”. Ông giải thích: “Nếu có một vấn đề người châu Âu có thể tự giải quyết, đó chính là vấn đề Nam Tư. Đây là một quốc gia Âu Châu, và số phận nó không phụ thuộc vào người Mỹ”. Song cuối cùng chỉ có Mỹ là có đủ quyền lực và ảnh hưởng để can thiệp hiệu quả và giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tương tự như vậy, đến cuối những năm 1990, khi một loạt bất ổn kinh tế đưa các nền kinh tế Đông Á vào khủng hoảng, cũng chỉ có Mỹ có thể ổn định hệ thống tài chính quốc tế. Nước này đã tổ chức gói cứu trợ quốc tế trị giá 120 tỷ đô la dành cho các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng. Tạp chí Timethậm chí gọi tên ba người Mỹ: Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan, và Thứ trưởng Tài chính Lawrence Summers là “Hội đồng giải cứu thế giới”.
Khởi đầu của sự kết thúc
Cũng như bá quyền Mỹ vươn lên thầm lặng vào đầu thập niên 1990, đến cuối thập niên này các mối đe dọa đối với bá quyền ấy cũng đến thầm lặng như vậy, kể cả khi người ta bắt đầu gọi Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” và “siêu cường duy nhất của thế giới”. Trước hết chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi nhìn lại, sẽ rất dễ khi nói rằng Bắc Kinh rồi sẽ trở thành đối trọng duy nhất của Washington, song 25 năm trước điều này không hề rõ ràng. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển nhanh kể từ thập niên 1980, họ xuất phát từ một nền tảng rất thấp. Gần như không có quốc gia nào có thể tiếp tục tăng trưởng như vậy trong hàng thập kỷ. Sự kết hợp lạ kỳ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Lenin ở Trung Quốc dường như là rất mong manh, như cuộc biểu tình Thiên An Môn đã cho thấy.
Song Trung Quốc vẫn kéo dài sự trỗi dậy, trở thành một đại cường mới, với nội lực và tham vọng sánh ngang với Mỹ. Trong khi đó, Nga từ chỗ yếu ớt và trì trệ những năm đầu thập niên 1990 đã trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa phục thù (revanchist power), một kẻ phá đám có đủ tiềm lực và thủ đoạn. Với hai người chơi nằm ngoài trật tự quốc tế do Mỹ kiến tạo, thế giới đã bước vào giai đoạn “hậu Hoa Kỳ”. Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia quyền lực nhất, song tồn tại bên cạnh họ là những cường quốc toàn cầu và khu vực vốn có thể, và thường xuyên, ngáng chân Mỹ.
Cuộc tấn công ngày 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đóng hai vai trò đối nghịch trong sự suy thoái của bá quyền Mỹ. Đầu tiên, cuộc tấn công dường như đã thức tỉnh Washington huy động sức mạnh của họ. Trong năm 2001, nước Mỹ, với nền kinh tế lớn hơn cả 5 quốc gia kế tiếp cộng lại, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên thêm gần 50 tỷ đô –lớn hơn cả chi tiêu quốc phòng trong một năm của Anh. Khi Washington can thiệp vào Afghanistan, họ có được sự ủng hộ rộng rãi, bao gồm của cả Nga. Hai năm sau, bất chấp những phản đối, người Mỹ vẫn có thể huy động được một liên minh quốc tế lớn cho cuộc tấn công Iraq. Những năm đầu của thế kỉ này đánh dấu đỉnh cao của quyền lực Mỹ, với việc Washington nỗ lực tái định hình các quốc gia lạ lẫm cách xa hàng nghìn dặm – Afghanistan và Iraq – mặc cho thế giới có miễn cưỡng chấp nhận hay quyết liệt chống đối.
Song Iraq là một bước ngoặt. Nước Mỹ bước vào một cuộc chiến mà họ tự chọn bất chấp những hoài nghi từ phần còn lại của thế giới. Họ tìm kiếm sự chấp thuận từ Liên Hợp Quốc, và khi nỗ lực này tỏ ra bất khả, họ làm ngơ cả tổ chức này. Mỹ cũng phớt lờ Học thuyết Powell, được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thời Chiến tranh vùng Vịnh Colin Powell, cho rằng một cuộc chiến chỉ đáng tham gia khi lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa và một chiến thắng áp đảo được đảm bảo. Chính quyền Bush (con) khẳng định rằng thách thức to lớn trong việc chiếm đóng Iraq có thể được giải quyết bởi một lực lượng quân đội nhỏ và không cần phải tốn quá nhiều nỗ lực. Iraq, như họ nói, sẽ tự bồi hoàn các chi phí. Và một khi đã ở Baghdad, Washington quyết định phá hủy nhà nước Iraq, giải tán quân đội và thanh lọc bộ máy công chức, tạo ra hỗn loạn và châm ngòi cho một cuộc nổi dậy. Mỗi sai lầm riêng lẻ này đều có thể vượt qua được. Song tổng hợp lại chúng đảm bảo biến Iraq trở thành một thảm họa.
Sau vụ 11/9, Washington đã đưa ra các quyết định lớn và gây nhiều hậu quả tiếp tục ám ảnh nước Mỹ, nhưng các quyết định ấy lại được đưa ra trong vội vã và sợ hãi. Người Mỹ thấy bị đe dọa, cần thiết phải làm bất kì điều gì đó để tự bảo vệ mình – từ xâm lược Iraq cho đến chi những khoản không được tiết lộ cho an ninh nội địa hay áp dụng cả tra tấn tù nhân. Cả thế giới chứng kiến một nước Mỹ đối mặt với một thứ chủ nghĩa khủng bố mà nhiều nước đã sống cùng bấy lâu nay, nhưng nước Mỹ ấy đang chòi đạp khắp nơi như một con sư tử bị thương, phá hủy các liên minh và chuẩn tắc quốc tế. Chỉ trong vòng 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Bush (con) đã rời bỏ nhiều hiệp ước quốc tế hơn mọi chính quyền tiền nhiệm. (Đương nhiên kỉ lục ấy đã bị xô đổ bởi Trump). Hành động của chính quyền Bush ở nước ngoài đã làm suy yếu thẩm quyền chính trị và đạo đức của Mỹ, với việc các đồng minh lâu năm như Pháp và Canada mâu thuẫn với Mỹ về nội dung, khía cạnh đạo đức, và phong cách đối ngoại của Mỹ.
Bàn phản lưới nhà
Vậy điều gì đã làm xói mòn bá quyền Mỹ – sự trỗi dậy của những kẻ thách thức mới hay sự dàn trải quá độ quyền lực? Cũng như với mọi hiện tượng lịch sử lớn và phức tạp khác, đáp án là tất cả những điều trên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những biến đổi khổng lồ của đời sống chính trị quốc tế, hứa hẹn làm xói mòn quyền lực của bất cứ quốc gia bá quyền nào, cho dù chính sách đối ngoại của bá quyền ấy có sắc sảo đến đâu. Mặt khác, sự trở lại của Nga là một câu chuyện phức tạp hơn. Ngày nay nhiều người đã dễ dàng quên rằng vào đầu những năm 1990, các lãnh đạo Nga rất quyết tâm biến đất nước của họ thành một nền dân chủ tự do, một quốc gia Âu châu, và một đồng minh của phương Tây. Eduard Shevardnadze, Ngoại trưởng cuối cùng của Liên Xô, đã ủng hộ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990-91 của Mỹ. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ngoại trưởng đầu tiên của Liên bang Nga Andrei Kozyrev thậm chí còn là một nhà ủng hộ nhiệt thành cho tự do, chủ nghĩa quốc tế và quyền con người.
Ai đã đánh mất nước Nga là đề tài cho một bài viết khác. Song cần thấy rằng mặc dù Washington đã trao cho Moskva một số địa vị và sự tôn trọng – mở rộng G7 thành G8 để kết nạp Nga chẳng hạn – họ chưa bao giờ thật sự nghiêm túc trước các mối bận tâm về an ninh của người Nga. Người Mỹ nhanh chóng mở rộng NATO, một tiến trình có lẽ là cần thiết cho các quốc gia luôn bị Nga đe dọa như Ba Lan, song lại thiếu cân nhắc và hời hợt trước sự nhạy cảm về an ninh của người Nga. Thậm chí giờ đây NATO còn mở rộng tới Macedonia. Ngày nay, dường như mọi hành động chống lại Nga đều được biện minh, nhờ vào các hành động hung hăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, nên đặt câu hỏi là điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy của Putin và chính sách đối ngoại của ông ta? Rõ ràng, câu trả lời đến phần lớn từ nội tình nước Nga, song các chính sách đối ngoại của Mỹ cũng đã gây hại, ở một mức độ nào đó tạo ra sự kích động chủ nghĩa phục thù của Nga.
Sai lầm lớn nhất trong “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ, đối với Nga cũng như các nước khác nói chung, đơn giản là “không còn quan tâm nữa”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ muốn trở về nhà, và họ đã làm vậy. Xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, người Mỹ can thiệp sâu vào Trung Mỹ, Đông Nam Á, Eo biển Đài Loan, cả Angola cùng Namibia. Đến giữa thập niên 1990, họ không còn bận tâm nhiều như vậy nữa. Thời lượng phát sóng bởi các phóng viên đóng ở văn phòng nước ngoài trên kênh NBC giảm từ 1,013 phút năm 1988 xuống chỉ còn 327 phút năm 1996. (Ngày nay, thời lượng dành cho phóng viên đóng ở nước ngoài của ba mạng truyền hình chính cộng lại cũng chỉ mới bằng thời lượng của một đài vào năm 1988). Cả Nhà Trắng và Quốc Hội dưới thời Bush (cha) đều không có ý định biến đổi nước Nga, thực hiện một kế hoạch Marshall mới hay can thiệp vào nước này. Kể cả khi các cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước ngoài bùng nổ dưới thời Clinton, các nhà hành pháp đã phải xoay sở tùy cơ ứng biến, biết rằng Quốc Hội sẽ chẳng chìa ra một xu để cứu Mexico, Thái Lan hay Indonesia. Họ cung cấp những tư vấn mà phần lớn được thiết kế để không đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ, thái độ của họ là của một người chúc phúc từ xa, không phải của một siêu cường can dự
Xuyên suốt từ sau Thế Chiến I, Hoa Kỳ đã luôn muốn biến đổi thế giới. Trong những năm 1990, mục tiêu ấy trở nên khả quan hơn bao giờ hết. Các quốc gia dường như đều hướng về Mỹ. Chiến tranh vùng Vịnh ghi dấu một cột mốc mới cho trật tự thế giới, theo nghĩa rằng nó được tiến hành để bảo vệ một nguyên tắc, có phạm vi hạn chế, được hậu thuẫn bởi các cường quốc lớn và được hợp pháp hóa bởi luật pháp quốc tế. Nhưng chính vào lúc có những tiến triển khả quan này, người Mỹ đã đánh mất sự quan tâm của mình. Các nhà làm chính sách Mỹ vẫn muốn biến đổi thế giới vào những năm 1990, song họ muốn làm vậy một cách rẻ tiền. Họ không có đủ nguồn lực chính trị và tài chính để dành cho mục tiêu ấy. Đó là lý do vì sao lời khuyên của họ dành cho các nước đều giống nhau: liệu pháp sốc kinh tế và dân chủ tức thời. Mọi biện pháp khác lâu dài và phức tạp hơn (mặc dù đã được chính các nước phương Tây áp dụng trước đó nhằm tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa nền chính trị của họ) đều không được chấp nhận. Trước vụ 11/9, mỗi khi đối mặt với thách thức, chiến thuật của Mỹ thường là tấn công từ xa, kết hợp cấm vận kinh tế với không kích chính xác. Cả hai chiến thuật này, như nhà khoa học chính trị Eliot Cohen viết, có những đặc điểm của kiểu hẹn hò nam nữ thời hiện đại: “thỏa mãn dục vọng mà không cam kết lâu dài”.
Tất nhiên, những giới hạn về mức độ sẵn sàng trả giá và gánh chịu hậu quả của Mỹ như vậy chưa bao giờ thay đổi luận điệu. Đó là lý do vì sao tôi từng viết trên tờ The New York Times vào năm 1998 rằng chính sách đối ngoại của Mỹ được định hình bởi “luận điệu nhấn mạnh sự biến đổi nhưng thực tế lại là sự điều đình”. Kết quả nhận được, tôi từng nói, là “một nền bá quyền trống rỗng”. Sự trống rỗng ấy đến nay vẫn còn tiếp diễn.
Đòn cuối cùng
Chính quyền Trump chỉ làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ thêm “trống rỗng”. Bản chất của Trump là một người theo chủ nghĩa Jackson, cực kì không hứng thú với thế giới, trừ việc ông ta cho rằng các nước đang lợi dụng Mỹ. Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa bảo hộ, và là một nhà dân túy, kiên quyết coi “nước Mỹ trên hết”. Song sự thật là, hơn cả mọi thứ, ông ấy đã rời bỏ cuộc chơi. Dưới thời Trump, nước Mỹ đã rút khỏi TPP, hay ở góc nhìn bao quát hơn, đã giảm can dự với châu Á. Nước Mỹ tự làm phai nhạt mối quan hệ đồng minh 70 năm của họ với Châu Âu. Họ xử lý quan hệ với các nước Mỹ Latinh chủ yếu chỉ thông qua lăng kính hoặc từ chối người nhập cư hoặc kiếm phiếu từ bang Florida (nơi có đông người Mỹ Latinh sinh sống – NBT). Họ xa lánh Canada. Họ thậm chí giao phó chính sách Trung Đông cho Israel và Saudi Arabia. Ngoại trừ một số ngoại lệ – như mong muốn giành giải Nobel hòa bình bằng cách làm hòa với Bắc Triều Tiên– thì nét nổi bật duy nhất của chính sách ngoại giao thời Trump chính là sự “vắng mặt” của chính nó.
Vào thời nước Anh vẫn còn là siêu cường, bá quyền của họ bị xói mòn bởi những biến đổi cấu trúc to lớn – sự trỗi dậy của Đức, Mỹ và Liên Xô. Song họ cũng đánh mất sự kiểm soát đế chế của mình do dàn trải quyền lực quá độ và tự phụ. Năm 1900, với một phần tư dân số thế giới nằm dưới quyền lãnh đạo của người Anh, phần lớn các thuộc địa chủ yếu của Anh chỉ đòi hỏi các quyền tự trị có giới hạn – “quy chế liên kết” hay “tự quản” – theo cách nói thời bấy giờ. Nếu nước Anh nhanh chóng trao các quyền ấy cho các thuộc địa, ai mà biết được liệu đế chế của họ sẽ còn tồn tại thêm bao nhiêu thập niên nữa? Song họ đã không làm vậy, họ nhấn mạnh các lợi ích hạn hẹp, ích kỷ của mình hơn là điều chỉnh bản thân phù hợp với lợi ích bao trùm của đế chế.
Nước Mỹ giờ đây cũng ở trong một tình thế tương tự. Nếu người Mỹ mạch lạc hơn trong cách mà họ theo đuổi các lợi ích và giá trị bao quát, họ đã có thể kéo dài ảnh hưởng của mình thêm vài chục năm nữa (cho dù ở một thể dạng khác). Quy luật của việc mở rộng bá quyền tự do dường như đơn giản: bớt bá quyền và tự do hơn. Song Mỹ lại thường xuyên và lộ liễu theo đuổi các lợi ích tự thân hẹp hòi, xa lánh đồng minh và kích động kẻ thù. Không như Đế quốc Anh vào những ngày cuối cùng, nước Mỹ không hề túng thiếu hay phải dàn trải quyền lực. Họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng rộng lớn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng Mỹ sẽ không còn định hình và thống trị hệ thống quốc tế như họ đã làm trong gần 30 năm qua nữa.
Những gì còn sót lại là các giá trị Mỹ. Hoa Kỳ là một bá quyền độc nhất, đã mở rộng ảnh hưởng của mình nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, thứ mà Tổng thống Woodrow Wilson đã từng mong ước và được thực hiện gần như toàn vẹn bởi Franklin Roosevelt. Đó là một thế giới được dựng nên một phần sau 1945, đôi khi được gọi là “trật tự thế giới tự do”, cái mà Liên Xô sớm chối bỏ và tự đi thiết lập một trật tự của riêng mình. Nhưng rồi thế giới tự do sống sót qua Chiến tranh Lạnh, để đến sau 1991 mở rộng bao trùm lên phần lớn địa cầu. Những giá trị của nó tạo nên ổn định và thịnh vượng trong suốt 75 năm qua. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu khi quyền lực Mỹ phai nhòa, hệ thống quốc tế mà nó từng hậu thuẫn – những quy tắc, thông lệ, và giá trị – sẽ còn tồn tại hay không. Hay Mỹ cũng sẽ chứng kiến sự suy tàn đế chế các giá trị của chính mình.
Fareed Zakaria là một tác giả, nhà khoa học chính trị, nhà báo, và nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Ấn. Ông là cây viết lâu năm cho tờ The Washington Post, Newsweek và Time. Ông đồng thời cũng là người dẫn chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN.
Tên gọi New Zealand có từ đâu?
Nguồn: “What’s new about New Zealand?”, History.com (truy cập ngày 17/12/2015).
Biên dịch: Lê Hoàng Giang
Ngày nay, nhiều người đã biết rằng những nơi như New York và New London được đặt tên theo các địa danh ở Anh, nhưng còn New Zealand thì sao? Vùng Zealand gốc là ở đâu vậy? Để có được câu trả lời, chúng ta phải tìm về giai đoạn đầu của phong trào thám hiểm của người châu Âu, và tên gọi gốc của New York – New Amsterdam – mang lại cho chúng ta một manh mối.
Các nhà thám hiểm Hà Lan là những người châu Âu đầu tiên khởi hành ra biển đi tìm những vùng đất lạ, và thế giới ngày nay vẫn còn mang nhiều vết tích của di sản đó. Năm 1642, nhà thám hiểm và hàng hải Hà Lan Abel Tasman (tên ông đã được đặt cho đảo Tasmania của Australia) đã khởi hành với nhiệm vụ thám hiểm vùng nam Thái Bình Dương với tư cách đại diện cho Công ty Đông Ấn Hà Lan, và đến được những vùng lãnh thổ ngày nay là New Zealand, Tonga, và Fiji. Khi ông trở về báo lại những phát hiện của mình, các vùng đó đã được thêm vào bản đồ thời bấy giờ.
Những người vẽ bản đồ của Công ty Đông Ấn Hà Lan trước đó đã gọi một vùng đất bên cạnh là New Holland – tức Australia ngày nay – và quyết định gọi phát hiện mới của Tasman là “Nieuw Zeeland” theo một tỉnh ở Hà Lan. Zeeland là một vùng đất ven biển trũng ở phía tây nam Hà Lan, tên gọi của nó nghĩa là “vùng đất biển”.
Dù Tasman được ghi công là người châu Âu đầu tiên phát hiện ra New Zealand, song đoàn thám hiểm của ông đã không dừng lại tại đó, và người Hà Lan cũng không thiết lập thuộc địa cố định ở đó. Năm 1768, một nhà hàng hải người Anh là Thuyền trưởng Cook đã du hành đến Thái Bình Dương để tìm hiểu thêm về phát hiện trước đó của Tasman. Cook đã đi tàu vòng quanh các hòn đảo phía bắc và nam, và ghi chép lại rất chi tiết về những đường bờ biển. Trong thập niên sau đó, Cook đã ba lần du hành đến New Zealand, tạo quan hệ giữa người Anh và người Maori bản địa, và dọn đường để thiết lập thuộc địa. Cook và những người Anh đến đó sau này không đổi tên quần đảo mà chỉ Anh hóa tên gọi tiếng Hà Lan gốc, và vậy là “Nieuw Zeeland” trở thành New Zealand.
Xem thêm: 
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp và đại thắng Kỷ Dậu (1789)
Tác giả: Duy Tường
Xã hội Việt Nam trong thời gian nửa sau thế kỷ 18 xuất hiện một nhân vật nổi tiếng uyên thâm, học cao hiểu rộng, cốt cách phi phàm, xem thường danh lợi. Ông đã góp phần rất quan trọng giúp vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu (1789). Vua Quang Trung đã giao cho ông trọng trách cải tổ nền văn hóa, giáo dục với mục đích đưa đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh.
Xa lánh quan trường
Nguyễn Thiếp (tên hiệu là La Sơn phu tử, La Giang phu tử, Lam Hồng Dị Nhân, Hạnh Am, Lục Niên hầu, Lạp Phong cư sĩ…), sinh ngày 25 tháng 8 năm Quý Mão (1723), tại làng Mật Thôn, xã Nguyệt Áo, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay thuộc địa giới huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ban đầu ông được đặt tên là Nguyễn Minh, sau vì trùng tên húy Minh Đô vương (tức chúa Trịnh Doanh) nên đổi thành Nguyễn Thiếp.
Gia đình Nguyễn Thiếp có tiếng là hiếu học trong vùng. Thân mẫu của Nguyễn Thiếp thuộc dòng dõi họ Nguyễn “Trường Lưu”, huyện Can Lộc, cũng là một dòng họ danh gia vọng tộc ở xứ Nghệ. Họ Nguyễn “Trường Lưu” có những nhân vật xuất chúng một thời như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…
Năm 1780, Trịnh Sâm có tờ truyền mời Nguyễn Thiếp ra Thăng Long nhận chức quan. Lệnh chúa khó cãi, Nguyễn Thiếp phải miễn cưỡng ra đi. Tuy nhiên, ông thấy rõ Thăng Long lúc này thế đạo suy vi, nhân tâm phân hóa sau cuộc đua tranh quyền lực kéo dài. Ông khuyên chúa Trịnh không nên tiếm quyền vua Lê mà phải biết giữ nghĩa tôi trung, chăm lo cho muôn dân trăm họ. Nhưng chúa Trịnh không nghe. Nguyễn Thiếp chán nản xin cáo từ mà không nhận bất cứ chức tước hay bổng lộc nào. Ông trở về núi Thiên Nhẫn dạy học và ngao du đó đây, vui riêng với nếp sống thanh cao tự tại.
Cuộc hội kiến lịch sử
Năm 1786, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc chinh phạt chúa Trịnh. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ viết thư cùng lễ vật ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp mình. Trong thư có đoạn: “Lâu nay được nghe tiếng Phu tử, đức tuổi đều cao, kinh luân sẵn có. Chính quả đức muốn tới nơi gặp mặt, để thỏa lòng tìm khó nhọc. Nhưng vì kẻ sinh phương Tây, người lánh cõi Bắc, chẳng phải như Sằn Dã, Nam Dương gần gũi, có thể nghe tiếng sấm mùa xuân mà đánh thức Ngọa Long.
Vậy đặc sai hai đình thần mang vật mọn đến, gọi là để tỏ lòng thành sơ sài. May chi Phu tử không thấy thế làm lạ, bỏ cái nhã thú lâng lâng, nghĩ tới lòng quả đức mong đợi mà bỏ cày, quẳng câu, cáng đáng cho sự nghiệp Y, Khương. Được thế, không những riêng quả đức may mắn mà dân mười hai Thừa tuyên ở Bắc cũng được may. Xin chớ làm quả đức thất vọng, mong Phu tử lượng cho”.
Lời thư chân thành, tha thiết như thế, nhưng vốn là người không màng danh lợi, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối. Ông đưa ra 3 lý do để trả lời Nguyễn Huệ, tự nhận mình một thần tử nhà Lê, tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp gì được.
Tháng 8 năm 1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Lời thư lần này cũng tha thiết không kém: “Phu tử là danh sĩ hơn đời: vì định bụng không chịu cùng quả đức chứng khởi thiên hạ, nên mới nêu ba lẽ không ra. Nhưng nay thiên hạ loạn như thế này, sinh dân khổ như thế này, mà Phu tử nhất định ẩn không ra, thì sinh dân thiên hạ làm sao… Mong Phu tử nghĩ đến thiên hạ với sinh dân, vụt dậy đi ra, để cho quả đức có thầy mà thờ, cho đời này có thầy mà cậy. Như thế mới ngõ hầu khỏi phụ ý trời sinh ra kẻ giỏi”… Lần này Nguyễn Thiếp cũng khiêm nhường từ chối.
Lần thứ 3, ngày 13 tháng 9 năm 1787, Nguyễn Huệ sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp. Phần kết của lá thư có đoạn: “Mong Phu tử soi xét đến tấm lòng thành, vụt dậy mà đổi bụng; lấy lòng vì Nghiêu Thuấn quân dân mà ra dạy bảo, giúp đỡ. Quả đức xin im nghe lời dạy bảo, khiến cho quả đức thỏa được lòng ao ước tìm thầy, và đời này được nhờ khuôn phép của kẻ tiên giáo. Thế thì may lắm lắm”. Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.
Description: http://static.cand.com.vn/Files/Image/hientk/2017/01/09/d1cf6a5a-715c-4071-a73b-21a06946ee47.jpg
Tấm bia ghi lại nội dung chiếu truyền của Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử chọn đất đóng đô.
Tháng 6 năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai để trị tội Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã cử Cẩn Tín hầu Nguyễn Quang Đại mang thư đến mời Nguyễn Thiếp đến hội kiến. Và lần này Nguyễn Thiếp đồng ý. Có thể nói đây là cuộc gặp có một không hai, rất đặc biệt trong lịch sử. Theo nhiều tài liệu ghi chép, hai người rất tâm đầu ý hợp, bàn luận sôi nổi. Cuộc hội kiến tưởng chừng như không dứt.
Tuy chưa chính thức nhận lời ra giúp nhà Tây Sơn nhưng cuộc hội kiến là sự khởi đầu cho những hợp tác sau này. Việc đầu tiên, Bắc Bình vương nhờ La Sơn phu tử chọn đất để xây dựng kinh đô mới thay cho Phú Xuân. Nguyễn Thiếp đã chọn khu vực núi Dũng Quyết – ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân, nay thuộc địa phận Vinh, Nghệ An làm đất đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Tuy nhiên do vua Quang Trung đột ngột băng hà nên công việc bỏ dở, và Phượng Hoàng Trung Đô cũng rơi vào quên lãng. Ngày nay, dưới chân núi Dũng Quyết vẫn còn dấu tích của Phượng Hoàng Trung Đô.
Đại phá quân Thanh xuân Kỷ Dậu
Cuối năm 1788, vua Càn Long cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân Thanh sang chiếm Đại Việt. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế vào ngày 22 tháng 12 năm 1788, lấy niên hiệu là Quang Trung và ngay hôm sau ông cất đại quân ra Bắc. Ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An. Vua Quang Trung cho người mang thư đến mời La Sơn phu tử đến bàn kế sách đánh quân Thanh.
Trong buổi hội kiến lần này, vua Quang Trung hỏi Nguyễn Thiếp: “Hay tin vua Lê Chiêu Thống sang nhà Thanh cầu lụy, vua Thanh cho quân sang đánh, trẫm sắp đem quân ra chống cự, mưu đánh và giữ nước được hay thua, Phu tử nghĩ thế nào?”.
Nguyễn Thiếp trả lời: “Bây giờ trong nước trống không, lòng người tan rã, quân Thanh thì ở xa tới mà lòng bọn tướng soái thì huênh hoang tự đắc, chúng không cần biết tình hình quân ta yếu hay mạnh, binh lương và trận chiến sẽ xảy ra như thế nào, còn quân lính thì phân vân không biết là sang đánh hay đến giữ theo sự khẩn khoản của vua Lê… Số quân của Hoàng đế kéo từ miền trong ra chưa đủ để chống đối với quân giặc, mà trở lại chiêu mộ thêm binh thì thời gian không cho phép. Vậy Hoàng đế phải tuyển mộ ngay quân lính ở đất Thanh Nghệ, vì nơi đây là đất thượng võ xưa nay, anh hùng nhiều, mà hảo hán cũng nhiều”.
Khi vua Quang Trung hỏi chiến thuật đánh quân Thanh, Nguyễn Thiếp trả lời: “Người Thanh ở xa tới mệt nhọc không biết tình hình khó dễ thế nào. Nó có bụng khinh địch. Nếu đánh gấp thì không ngoài mười ngày sẽ phá tan. Nếu trì hoãn một chút thì khó lòng mà được”.
Diễn biến của trận quyết chiến với quân Thanh quả đúng như dự kiến thiên tài của vua Quang Trung cũng như nhận định chính xác của Nguyễn Thiếp. Chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan tành 29 vạn quân Thanh. Đúng trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long trong sự vui mừng chào đón của nhân dân.
Bởi lý do này, nhà vua càng trân trọng và đánh giá cao tài năng của Nguyễn Thiếp. Trong bức thư gửi Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung thổ lộ: “Trẫm ba lần xa giá Bắc thành, Phu tử đã chịu ra bàn chuyện thiên hạ. Người xưa bảo rằng: Một lời nói mà dấy nổi cơ đồ. Lời Phu tử hẳn có thế thật”.
Cải cách văn hóa, giáo dục cho nhà Tây Sơn
Sau khi đánh thắng quân Thanh, La Sơn phu tử trở thành một trong những vị học giả được vua Quang Trung tin cậy nhất. Ngay tại khoa thi Hương đầu tiên dưới triều đại Quang Trung được tổ chức ở Nghệ An vào năm 1789, Nguyễn Thiếp được cử làm Đề điệu kiêm Chánh Chủ khảo. Ông khuyên nhà vua hòa hoãn với nhà Thanh để tập trung xây dựng đất nước trở thành một quốc gia cường thịnh. Tuy nhiên sau khi giúp vua Quang Trung, Nguyễn Thiếp lại về núi Thiên Nhẫn mà không chịu ở Phú Xuân.
Tháng 8 năm 1791, vua Quang Trung cho xây dựng Viện Sùng Chính tại núi Nam Hoa thuộc huyện La Sơn, nơi trường cũ của Nguyễn Thiếp. Như vậy Nguyễn Thiếp không phải rời nơi ở ẩn mà vẫn có điều kiện thi thố sở học của mình. Ông đã đề ra những cải cách văn hóa, giáo dục một cách cụ thể, khoa học.
Theo ông, việc học thời Lê – Trịnh đã không còn giữ được điều cơ bản của đạo học, người ta chỉ tranh đua học từ chương, cốt cầu công danh mà quên hẳn sự học tam cương ngũ thường. Từ đó dẫn đến tình trạng “chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong”. Ông đề nghị mở rộng nền giáo dục ra toàn diện, học bao gồm cả học văn và học võ.
Về cách dạy học, ông cho rằng vẫn nên lấy Tiểu học làm gốc, từ đó mở rộng dạy Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. “Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị”.
Công việc của Viện Sùng Chính có ý nghĩa rất lớn đối với việc đặt cơ sở cho công cuộc cải cách giáo dục của nhà Tây Sơn. Có thể nói công lao lớn nhất của Nguyễn Thiếp là thực hiện chủ trương của Quang Trung: chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước ta.
Ông đã dịch nhiều bộ sách quan trọng từ chữ Hán sang chữ Nôm, như các bộ: Tiểu học, Tứ thư (gồm 32 tập) và các bộ Kinh thi, Kinh thư, Kinh dịch… sang chữ Nôm để chuẩn bị quy chế mới về học tập và thi cử dưới thời Tây Sơn.
Danh thơm bất hủ
Sau khi tiêu diệt nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã xử những người theo Tây Sơn vô cùng tàn bạo. Những danh tướng lừng lẫy một thời như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng… đều bị hành hình rất thê thảm.
Tuy nhiên, đối với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Ánh vẫn có lòng kính trọng. Nguyễn Ánh cho mời Nguyễn Thiếp đến và hỏi: “Ngụy Tây Sơn mời Tiên sinh làm thầy, vậy Tiên sinh dạy nó ra sao?”. Nguyễn Thiếp ung dung trả lời: “Có tám điều trong sách Đại học, có chín điều trong sách Trung dung, người giỏi thì làm được, người không giỏi thì không làm được”.
Nguyễn Ánh vẫn không lấy làm khó chịu mà còn ngỏ ý mời Nguyễn Thiếp ra giúp mình. Nguyễn Thiếp đã từ chối, sau đó ông cáo từ mà không nhận bất cứ lễ vật nào.
Về lại Thiên Nhẫn, Nguyễn Thiếp sống ẩn dật như xưa, không bận lòng đến việc trần ai nữa. Hai năm sau, ngày 25 tháng Chạp năm Quý Hợi (1804) ông mất tại quê nhà trong niềm tiếc thương vô hạn của giới sĩ phu và người dân hiếu học.
Hình: Đền thờ vua Quang Trung ở núi Quyết, nơi La Sơn phu tử chọn xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô.
Nguồn: ANTG


16/07/1951: ‘Bắt Trẻ Đồng Xanh’ xuất bản lần đầu tiên
Nguồn: Catcher in the Rye is publishedHistory.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1951, tiểu thuyết duy nhất của J.D. Salinger, Bắt Trẻ Đồng Xanh (The Catcher in the Rye) đã được xuất bản bởi Little, Brown. Cuốn sách về cậu thiếu niên vỡ mộng trước thế giới người lớn nhanh chóng trở thành tác phẩm nổi tiếng và sẽ được giảng dạy trong các trường trung học suốt nửa thế kỷ tiếp theo.
Salinger 31 tuổi đã sáng tác cuốn tiểu thuyết của mình trong vòng một thập niên. Những mẩu chuyện của ông đã bắt đầu xuất hiện vào những năm 1940, nhiều trong số chúng là trên tờ The New Yorker.
Cuốn sách sớm gây “bão” trên khắp nước Mỹ, liên tục cháy hàng và trở thành Cuốn sách của tháng (Book of the Month Club selection). Dù vậy, danh tiếng không hẳn là thứ Salinger mong đợi; ông lui về sống trong một căn nhà trên đỉnh đồi ở Cornish, New York, nhưng vẫn tiếp tục xuất bản những câu chuyện định kỳ trên The New Yorker. Ông đã xuất bản Franny and Zooey (1963) – kết hợp hai câu chuyện lần lượt về Franny và Zooey, từng được in trên tờ The New Yorker.
Salinger ngừng công việc xuất bản sách vào năm 1965, cùng năm đó, ông ly dị người vợ 12 năm, người mà ông đã kết hôn khi ông 32 tuổi. Năm 1999, nhà báo Joyce Maynard đã xuất bản một cuốn sách về mối quan hệ của bà với Salinger, diễn ra hơn hai mươi năm trước đó. Là một người yêu đời sống ẩn dật, Salinger qua đời tại nhà riêng ở New Hampsire vào ngày 27/01/2010 khi 91 tuổi.
Nghiên cứu Quốc tế gửi bản báo.
P/v

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét