Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Tác phẩm hay do Trời ban tặng

Báo TỔ QUỐC – Điện tử - Tạp chí Nhật Lệ
VĂN HỌC QUÊ NHÀ
ĐỜI SỐNG VĂN HỌC VĂN CHƯƠNG VÀ DƯ LUẬN CHÂN DUNG ĐỐI THOẠI VĂN XUÔIGIỚI THIỆU SÁCH THƠ THƠ MỖI NGÀY TIN TỨC
Tác phẩm hay là do trời ban tặng
18-01-2008 03:58
(Toquoc)- Tôi gặp nhà thơ Đỗ Hoàng, trưởng ban biên tập thơ của Tạp chí Nhà Văn vào một ngày đầu đông, nắng vẫn vàng như rót mật. Nhìn con người nhỏ bé ấy tôi vẫn thấy toát lên sức sống căng tràn của tuổi trẻ, mặc dù ông chẳng còn trẻ chút nào.
Quán cà phê 84, Nguyễn Du sáng hôm ấy ít khách, nhân viên trong quán chắc đã quen bởi lối nói chuyện dân dã và đầy nhiệt huyết của ông, nhưng với tôi, dù đã phần nào hiểu biết về con người này vẫn không khỏi lấy làm thú vị.
Nhà thơ Đỗ Hoàng sinh ra ở miền đất Quảng Bình đầy nắng và gió với muôn vàn nỗi khó khăn, vất vả mà mảnh đất Miền Trung nào cũng phải gánh chịu. Một thời gian ông sống ở Huế, rồi tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc… Qua nhiều duyên nghiệp cuối cùng ông trở thành nhà thơ, sống và làm việc như một nhà báo tại Hà Nội. Cuộc đời con người thật chẳng thể nói trước…
Gọi Đỗ Hoàng là nhà thơ thì chưa hẳn đúng vì ông viết cả tiểu thuyết và phóng sự, kí sự. Từ bài thơ đầu tiên- “Ngày mùa” được in ở báo Văn nghệ Quảng Bình cho đến nay ông đã in được sáu tập thơ, bốn tiểu thuyết và một tập phóng sự… Không nhiều một cách đặc biệt chú ý nhưng cũng đáng nể. Ông không có ý định trở thành một nhà thơ và hoạt động văn chương vì buổi đầu ông học Sư phạm Toán và đã từng là thầy giáo dạy toán. Nhưng như là mối lương duyên tiền định từ kiếp trước, niềm yêu văn chương của ông cứ le lói sáng rồi bùng lên lúc nào không biết. Những câu thơ, câu văn của ông là hiện thực về cuộc sống nơi mảnh đất ông sinh ra, là những vùng đất ông đã đi qua trong chiến tranh, là những ngày khốn cùng của đất nước… Hãy cùng đọc một vài vần thơ của ông như:
Anh đi trên trái đất cô đơn,
Gió bấc lạnh thổi tung làn ngực nở.
Xác em nằm
- Một hành tinh vứt bỏ.
Vó ngựa trường chinh lãnh đạm dẫm qua.
(“Cái chết người đẹp”- Quảng Trị 1974)
Hình ảnh xác người phụ nữ im lìm nơi chiến trường đổ nát cứ ám ảnh vào tâm trí tôi. Sao không phải là một anh lính, là một người đàn ông với cảm giác quen thuộc mỗi khi nói đến chiến tranh mà lại là một “người đẹp”. Không phải là không có những người phụ nữ nơi chiến trường nhưng hình ảnh này quả là đặc biệt, ít thấy, thậm chí chưa thấy trong văn chương. Đỗ Hoàng vừa tạo một ấn tượng về hình ảnh, lại tạo được cả ấn tượng về cảm xúc. Một thứ cảm xúc đau đớn, uất hận trong tâm hồn. Lẽ ra những hình ảnh đó sẽ không bao giờ được nói đến…
Có lẽ tâm hồn nhạy cảm cộng với những trải nghiệm thực tế khiến thơ của ông nhiều niềm đau hơn là sự vui vẻ. Nó cứ nhẹ nhàng thấm sâu vào hồn của đất, của núi, của sông rồi tâm hồn người đọc. Đối với Đỗ Hoàng văn chương chỉ là những tâm sự cần phải giãi bày từ tâm hồn nhạy cảm và nhiều băn khoăn, trăn trở của ông. Và nỗi buồn được ông định nghĩa là:
Tôi chết đi vì buồn.
Tôi sống thêm nhờ buồn.
Cũng vì buồn mà tôi yêu
Cũng vì yêu mà tôi buồn.
Tôi có thể mất đi
Nhưng buồn tồn tại.
Trái tim còn mãi!
(“Buồn”- Huế 1985)
Ông chẳng cầu kì, diêm dúa trong văn chương, cũng chẳng dùng những mĩ từ như quan điểm nghệ thuật hay tuyên ngôn nghệ thuật… Thơ của Đỗ Hoàng dung dị và thật thà. Phải chăng vì vậy mà ông có ít nhiều sự phản ứng với văn chương đương đại. Theo ông văn chương hiện nay (một bộ phận lớn) đang rơi vào tình trạng “đa ngôn và tắc tỵ” tức là họ cố làm cho ra những sự “lạ” cả về cách thể hiện cùng như cái thể hiện nhằm tạo “thương hiệu” cho mình. Nhưng khổ nỗi đâu phải cứ “lạ” là “mới”. Đỗ Hoàng phản ứng quyết liệt với những loại văn chương dung tục thái quá. “Xưa nay không có thứ bệnh hoạn nào được đồng loại chấp nhận”- nói xong lại thấy ông trầm ngâm, ưu tư. Đối với ông “viết thánh thiện mà tạo được thương hiệu mới đáng quý”. Nhưng khi tôi hỏi “Vậy ông phủ nhận hết công lao của những sáng tác trẻ ư ?” Thì ông không ngần ngại trả lời: “Không. Tôi ủng hộ. Không chỉ những người trẻ, lớp già chúng tôi cũng Đổi Mới. Văn chương phải Đổi Mới mới tồn tại được. Nhưng tôi thích sự Đổi Mới tự thân… chứ không phải cố gắng tạo ra sự “lạ” như một vài nhà thơ trẻ bây giờ. Tất nhiên không thể phủ nhận tên tuổi và sự đóng góp của những nhà thơ như: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Thị Vàng Anh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Và rất nhiều nhà thơ khác nữa… ”
Miền Trung cũng là một trong những cái nôi của văn chương. Ngày xưa là Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận… rồi đến Lâm Thị Mĩ Dạ, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo… gần hơn nữa là Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang… và các nhà thơ trẻ hơn thuộc thế hệ 7X, 8X… Tất cả những cái tên đó đều ít nhiều để lại trong lòng người đọc niềm yêu thích. Phải chăng ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi con người chúng ta còn được thừa hưởng thêm phần “di truyền” từ vùng đất nơi sinh ra và lớn lên của mình. Chẳng thế mà Nhà thơ Đỗ Hoàng luôn tự hào về mảnh đất Quảng Bình, mảnh đất anh hùng khói lửa, mảnh đất chôn rau cắt rốn, mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn ông.
Không hiểu sao Đỗ Hoàng hay gặp “tai nạn nghề nghiệp”, có lẽ vì thế nên nhiều người không biết thơ ông. Nhưng chẳng bao giờ ông chối bỏ những gì mình đã viết ra, bởi theo ông, “tác phẩm hay là do trời ban tặng”, mà cái thiên phú đâu phải ai cũng có được. Có thể bây giờ Đỗ Hoàng chưa được đông đảo người đọc biết đến nhưng ông tin và tôi tin một ngày không xa các tác phẩm của ông sẽ tự thân tỏa sáng. Như những vần thơ dung dị của ông…
Và cũng bất ngờ,
Nhặt từ bùn câu Thơ
- Thời gian không hóa thạch!
(“Nhặt từ bùn”- Huế 1982)
HƯƠNG MAI

Từ bóng râm chiến khu đến quảng trường phản tỉnh lương tri

“TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH” TỪ BÓNG RÂM CHIẾN KHU
ĐẾN QUẢNG TRƯỜNG PHẢN TỈNH CỦA LƯƠNG TRI
( Viết về nhà thơ Đỗ Hoàng )
Nguyễn Hoàng Đức
Tôi gặp nhà thơ Đỗ Hoàng lần đầu tiên ở nhà tôi, anh đi cùng nhà văn Nguyễn Đình Chính đến để mời tôi giữ chân biên tập trang lý luận cho tạp chí Văn Học Nghệ Thuật (nhưng việc không thành). Cảm giác đầu tiên của tôi về các nhà thơ nói chung là cái gì nhũn nhẽo, ẻo lả, yếu ớt, tí tởn, ham vui, đồng bóng. Và nhà thơ Đỗ Hoàng trưởng ban biên tập thơ của Tạp chí Nhà văn dường như còn vượt qua cả mức đó, anh sinh ra ở Quảng Bình nơi người ta nói như hát, rồi đi lính vào Huế nơi hát còn nhiều hơn nói, rồi anh lại là nhà thơ ngâm nga lới lơ, thành thử giọng của anh cứ võng võng ngòn ngọt một thứ chè nhão cho quá nhiều đường… thành thử sau khi gặp vài lần tôi cứ mặc định, lại một ông nhà thơ hâm hấp không nên chấp.
Thời gian sau, đặc biệt khi anh gọi với tôi, tôi dừng lại một cách khiên cưỡng gượng gạo có chút kiêu kỳ. Tôi đã cầm cuốn thơ dịch “Chinh Phụ Ngâm” của anh. Mặc dù trước đó tôi đã nghe và đọc những bài thơ anh dịch lại cả tiếng Việt, tôi vẫn cho là thứ “thừa công rồi nghề”. Tôi đọc “Chinh Phụ Ngâm” của anh với ý định: hãy cố bỏ chút đỉnh thời gian xem tay này công phá thần tượng ra sao? Triết gia Nietzsche có nói: “Rồi một ngày học trò sẽ phản thầy, vì chính học trò cũng có sứ mệnh phải làm thầy”. Đọc xong, tôi ngạc nhiên vì nhà thơ Đỗ Hoàng ít nhất là đã luôn bới việc thơ ra để làm với một tình yêu tự nhiên không thể nào sống nổi nếu không hít thở thơ. Thứ hai, anh đã dám cày xới lại luống cày đã định hình của các thần tượng để làm nên vụ mùa mới của mình.
Thời gian trôi đi không lâu, tôi nhận thấy trong con người của Đỗ Hoàng không đơn giản là một tâm hồn ngê nga thơ phú kiểu chè đường, mà là một con người rất có bản lĩnh thơ. Rất cứng rắn! Rất dũng cảm! Và hôm nay tôi quyết định viết về anh sau khi đã đọc tập thơ phản chiến rất sớm của anh có tên “Tâm sự người lính”. Cây nào quả nấy, chúng ta thử xem cái cây Đỗ Hoàng là gì?
Đỗ Hoàng trước hết khá giỏi tiếng Trung, có cả kho tàng thơ cổ trong người. Tôi đã nghe anh nói tiếng Anh, bình thơ có tiếng Pháp, lại còn nhắn tin cho tôi bằng tiếng Nga. Riêng về vốn thơ, tôi gặp ba người làm tôi đáng nể và luôn cho rằng họ giầu vốn thơ nhất Việt Nam, đó là, Đỗ Hoàng, Nguyễn Hưng Quốc và Trần Mạnh Hảo.

Nhà thơ Đỗ Hoàng và tập thơ Tâm sự người lính
Đó mới là vốn thơ! Nhưng còn ý chí thơ, sức sống thơ, và bản lĩnh thơ. Đỗ Hoàng là một quan chức thơ sống giữa môi trường thơ mậu dịch, vậy mà anh dám sống và sáng tác, bình thơ như một người cô đơn. Cô đơn là một cái gì hết sức tê tái đặc biệt là trong nền văn hóa tiểu nông cực kỳ lạc hậu và bè phái của Việt Nam. Nhà thơ, nhà văn hóa Inrasara đã nói, các nhà thơ Việt rất sợ bị cô đơn và cô lập. Chúng ta biết trong nền văn hóa tiểu nông giầu tính cục bộ đố kỵ của nước nhà, người ta dễ dàng bỏ rơi tập đoàn, đánh hội đồng vào cá nhân nào muốn có cá tính hay định chơi chòi. Người ta có thể đồng loạt yêu, đồng loạt ghét, đồng loạt bao vây, nhất quán trong cả hành động cô lập hiếu – hỉ, đăng bài hay rút bài… tóm lại rất tiểu nhân. Vậy mà Đỗ Hoàng dám phê phán nhiều nhà thơ, nền thơ bằng cách không ngại chỉ tận tay day tận trán, như: “…cái Văn chương Mậu Dịch dở hơi ngự trị văn đàn hơn 5 thập kỷ. Ai cũng biết nhưng không ai dám nói. Nguyễn Hoàng Đức đập Thanh Thảo là để đập vào nghìn thế hệ nói leo ăn theo, khen bừa, khen ẩu, nói láo. Tệ hại nhất là những tiến sỹ bò, học giả, học thật như Đỗ Lai Thúy, Hồ Thế Hà, Phạm Quang Trung, Văn Giá, Chu Văn Sơn và ông thấp học Phạm Xuân Nguyên không làm được cái tiến sỹ Vịt…”

Trước khi nói về thơ Đỗ Hoàng, tôi muốn bàn qua về bút pháp kẻo lại rơi vào tùy tiện khen – chê không chuẩn đích:
1- Tầm vóc của nhà thơ (cả nhà văn, và các loại nhà) được xác định đầu tiên bằng tính đề tài. Đề tài chim, hoa, cá, lá, gái thì không thể lớn bằng đề tài của thế giới, con người, chiến tranh hay hòa bình. Đề tài sinh họat vi mô ăn ngủ hút hít gái gú thì không thể bằng các đề tài đầu tiên đó là Sinh – Tử của con người.
2- Thơ hay không phải cứ viết bằng bút pháp phóng đại bột nở vống lên. Thơ hay luôn phải được dùng cái hư cấu kết hợp với tính chân thực. Chẳng hạn hai câu thơ vào loại hay nhất của Tây và Đông:
“Anh cùng tôi không một xu dính túi
Vẫn mua được hương thơm của cả trái đất này” (Whitman)
Hoặc:
“Mái chèo cắt vòm trời trên sóng biếc
Thuyền lướt lên trăng theo dòng nước nổi” (Giả Đảo)

Đỗ Hoàng là một người lính, nhưng thơ anh không chỉ đơn giản hành quân ra chiến trường để nhằm bắn và đếm xác cả quân thù lẫn quân ta. Nhà văn Bảo Ninh đã từng được báo chí phương Tây đánh giá rất cao khi gọi là “cuộc phản tỉnh đầu tiên của chiến tranh” ( The first reflexion of the war). Họ đánh giá cao vì cho đó là một ngoại lệ khác hẳn các nhà văn ăn tem phiếu chỉ viết theo định hướng ta đỏ địch đen, ta tốt địch xấu, ta chính nghĩa địch phi nghĩa, ta khôn ngoan địch nham hiểm, ta to địch bé, ta trước địch sau, ta chiến thắng vinh quang địch thất bại ê chề. Vậy thì có lẽ Đỗ Hoàng là một trong những nhà thơ hàng đầu đồ sộ viết về phản chiến.
Triết gia Kant có lẽ là người đầu tiên nêu ra khái niệm “Công dân nhân loại”. Công dân đó là người đã vượt khỏi lằn ranh biên giới, con người ai cũng là người, khi ngã xuống thì đều là một nhân mạng thiệt vong, người lính nông dân ở phía Bắc bắn chết người lính nông dân ở phía Nam, rõ ràng cả hai người chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên, họ đều là giai cấp nông dân, không có chuyện họ là kẻ thù giai cấp của nhau.
Trong tâm hồn nhà thơ Đỗ Hoàng, mối ưu tư về nhân loại bao giờ cũng lên cao nhất, nó không chỉ là đỉnh cao mà là hệ thống, là con đường dằng dặc chạy lên đỉnh, chứ không phải mấy thoáng chốc bồng bột vu vơ. Đỗ Hoàng ưu tư và bộc bạch, sợ rằng con người sẽ quên đi bài học mất mát của chiến tranh:
Khi chiến tranh đi xa,
Cuộc đời hồi sinh lại.
Đã ai hiểu cho mà,
Có một thời dữ dội!
Thơ tôi rồi sẽ chết,
Như cuộc đời của tôi.
Qua tháng năm trận mạc,
Thời gian quên con người!
( THỜI GIAN QUÊN 11 – 1973)
Mối ưu tư của Đỗ Hoàng thường gắn với những gì kỳ vĩ, những nhãn quan vũ trụ, những suy nghĩ gắn liền với nguyên lý sống còn:
NGỦ QUÊN

Không có mặt trời,
Trái đất ngủ quên.
Trong triệu năm băng giá!
Không có con thuyền,
Dòng sông ngủ quên.
Và tự xoá mình khi về biển cả!
Không có người­ đi,
Con đ­ường ngủ quên .
Rồi cũng tan vào cây cỏ!
Không có tình yêu,
Trái tim
ngủ quên.
Huế 1983
Anh ra trận với một cây súng dường như cũng không có được giấc ngủ thiếp lịm của sắt thép vô tri mà nó luôn ưu tư vì sự điểm hỏa của mình. Ưu tư về một chiến trường nằm giữa hố thẳm yêu bạo lực của cả một thế giới còn hiếu sát. Vì suy tư trên tầm rộng lớn nên lời thơ của anh rất hào sảng mạnh mẽ:
Tôi đã hành quân dã chiến dưới đáy cuộc đời lớp lớp chiến binh.
Mới nhìn rõ trái tim đen ngòm hơn họng súng.
Mới biết chẳng có gì tốt đẹp như những triết lý rơm nghìn đời mộng tưởng.
Mỗi một ngày trái tim thêm nỗi đau thương!
Nghĩ về cuộc đời hôm nay
Người lính không thể dửng dưng.
Không thể hướng nòng súng mình theo những lời giả dối.
Không thể dại khờ hành quân đi tới
Tử địa chiến trường bờ vực của chiến tranh!
( NGHĨ VỀ CUỘC ĐỜI HÔM NAY)

Tình yêu và thương xót trong chiến tranh mới chỉ là cảm xúc thuần túy giành cho những gì đã mất ở cấp độ tình cảm, nhưng để có phản tỉnh người ta đã phải leo lên rất cao ở tầng lý trí. Chính Đỗ Hoàng đã bày tỏ cuộc sống suy tư trong sáng tạo của mình:
Tôi đã đi đến cái thực chất bên trong của cuộc chến đời này
Cái thực chất mà sử sách, thơ văn đương kim người ta chưa hề nói đến.
Mặc dù báo chí, loa đài ra rả suốt ngày đêm.
Cuộc đời ơi! Chẳng có gì quý mến
Nếu con người chẳng có nghĩ suy riêng!
( THỰC CHẤT CUỘC CHIÊN)

Cái nhìn đầu tiên của Đỗ Hoàng dường như luôn có tầm nhìn bao quát ở trên cao, trước khi nhìn thấy đồng đội của mình anh luôn thấy số phận của nhân loại đang lầm than mất mát trong chiến tranh. Một người lính ngã xuống dù ở bên nào liệu khi biết tin mẹ anh ta có đau xót không ? Và chính lô gic đó Đỗ Hoàng luôn nhìn xa trông rộng về một thế giới phủ bóng tang thương qua nhiều biên giới chiến tranh :

Đêm nay ai không ngủ?
Nghĩ số phận loài người.
Hận thù đang còn ngự,
Mấy triệu đời chưa thôi!

Trái đất đen một nửa,
Bom đạn găm đầy mình.
Những đường gươm ly loạn,
Đang chém nát hành tinh!
( SỐ PHẬN LOÀI NGƯỜI)
Đỗ Hoàng đã đặt ra cho mình cũng như loài người những câu hỏi rất lớn, những câu hỏi mang tầm vĩ mô, hỏi về con người với bản tính đầu tiên, xem có phải đó là thứ tâm hồn hiếu sát chỉ đòi ăn thịt đồng loại:
bao nhiêu triệu năm ta mới có được chữ Người
- dẫn ta tới những tình yêu kỳ lạ
- dẫn Ta tới cái căm hờn nghiệt ngã
trên hành tinh này nửa trắng, nửa đen.
( LOÀI NGƯỜI)
Sau câu hỏi về thế giới tồn tại trong không gian là câu hỏi về thời gian, về thời đại mà tác giả đang sống và hành quân, về những trận chiến làm đổ máu những người lính cả quân ta lẫn công dân nhân loại. Bên này hay bên kia chiến tuyến ư, họ chẳng là những con người sao ?
thế kỷ hai mươi
con người ở đâu cũng tàn ác như nhau!
đâu phân biệt bên kia bờ chiến tuyến!
đất bằng này
sẵn súng, sẵn dao
sẵn những lời đổi đen ra trắng!
cái chết ở đây
nào có khác gì.
phát súng bên này, phát súng bên kia.
( THẾ KỶ HAI MƯƠI )
Đỗ Hoàng giành cho những đồng đội của mình cái nhìn thật yêu thương và trìu mến. thậm chí một nỗi đau còn đến trước nỗi đau:

Lính lại vào đầy bến.
Chỗ chuyển quân bầm tím cả chân trời
Mùa đông đi ra trận,
Có ánh mắt nào vui!
Và:
Ngày mai không biết nơi nào đánh?
Nhất định có người phải chết oan!
Một cái nhìn không chỉ lo lắng việc sinh tử mà còn là thứ tình cảm tàn phai trống vắng hoang vu phía tình yêu. Một cái gì thật xót xa:
Anh hành quân qua những lề đời chật hẹp.
Nắng phai màu quân phục trái tim anh.
Và em ạ ! Em đừng thương tưởng tiếc.
Một con người trong đời lính chiến chinh!
Đỗ Hoàng suy tư rốt ráo về kết cục của cuộc chiến, kẻ thì chết, người trở về thì khánh kiệt sức lực và mất mát. Một mất mát không nằm trong chi thể mà còn bị vắt kiệt trong cả mơ ước. Một làng quê không còn ánh lửa thắp lên nghĩa là dường như khống có cả ánh sáng cho tư duy, còn người lính rệu rã quay về liệu có còn sinh lực cho những ước mơ ?
mẹ hiền đón anh,
một người trọng bệnh.
qua vạn năm chưa ai chữa cho lành!
bây giờ anh không muốn tìm về người thân,
bởi sức lực trong anh đã kiệt.
tuổi yêu đương ngày xưa đánh mất,
trái tim vết chém u bầm!
phía quê nhà không một ánh lửa thắp lên.
bom đạn xáo trộn cày sông bến.
người lính tần ngần như kẻ chưa hồi sinh sự sống,
nhìn tầng mây ngơ ngác giữa trời quê.
chiến tranh,
chiến tranh
là thế kia!
lứa tuổi yêu đương không còn mơ ước.

( TÂM SỰ NGƯỜI LÍNH )
Lãnh tụ Stalin có nói: chiến tranh, chết chóc nhiều khi chỉ là những con số thống kê. Nhưng nhà thơ Đỗ Hoàng không nghĩ vậy, cái nhìn của anh là một nhà thơ phải mang tính nhân văn, thơ anh dường như bao sân đến tất cả những người lính, những khía cạnh vất vả, gian lao, hy sinh, và anh không quên giành cái nhìn thật thương xót cho những cô gái chân yếu tay mềm, cành vàng lá ngọc phải lấm láp cát bụi khói lửa và hy sinh tàn khốc của chiến trường. Trong bài “Lính Gái” anh viết:
Đoàn lính gái áo quần còn mới
Lứa lính này đưa tới miền trong.
Họ không hề bị đeo gông,
Mà sao ánh mắt mênh mông nỗi buồn!
Xương trắng phơi nẻo ra tiền tuyến
Mồ gái tơ diều liệng, chồn giay!.
Lớp này rồi lớp khác thay,
Màu cờ lau trắng rợn lay sa trường!
Và cái chết sẽ chờ mọi lối,
Trên con đường dẫn tới miền trong.
Chiến tranh dai dẳng chưa xong.
Còn bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra!

Rồi Đỗ Hoàng khóc than cho một người đẹp ngã xuống bằng một khúc bi ca thật trữ tình tráng lệ. Một tiếng khóc khiến người ta thấy chiến tranh đã tàn hủy và tiêu diệt cả cái đẹp đau xót hoài phí đến nhường nào:
CÁI CHẾT NGƯỜI ĐẸP

Em chết rồi.
Người đẹp!
Viên đạn của thế kỷ nào bắn em?
Anh sững sờ giữa trái đất máu đổ.
Xác em nằm trong huyền ảo xa xôi.
Anh đi trên trái đất cô đơn.
Gió bấc lạnh thổi tung làn ngực nở.
Xác em nằm
Một hành tinh vứt bỏ.
Vó ngựa trường chinh lãnh đạm dẫm qua.

Anh không thể nào viết nỗi lời thơ.
Khóc em để loài người nguyền rủa!
Trong vô biên
Mạng em thua hạt cỏ.
Khóc em
Anh phản lại Trường Tồn!
Chiến trường Quảng Trị tháng 1 – 1974
Người Việt có câu: có cứng mới đứng đầu gió, với vốn liếng văn hóa dạn dầy, dài rộng, sâu lắng, và thi ca kim cổ đông tây đồ sộ, lại mang một tầm nhìn lớn cho thơ, một tầm vóc hoành tráng cho chữ nghĩa, làm gì Đỗ Hoàng chẳng tự tin và dám tả xung hữu đột đối mặt với lực lượng làm thơ mậu dịch đông rinh ríc. Có một phát hiện mới của loài người rằng: sáng tạo là việc của cá nhân chứ không phải làm việc là sản phẩm của đám đông. Hàng nghìn, hàng vạn người làm việc cũng không thể được gọi là sáng tác mà đó chỉ là sản xuất. Chính thế văn thơ bao cấp nhiều khi chỉ là chỗ không người. tôi vừa chia sẻ sự cô lập của Đỗ Hoàng vừa buộc phải thán phục anh. Nếu không có tâm hồn chịu sóng gió cô lập trước đám đông vần vèo nhũn nhẽo thì làm sao có được một Đỗ Hoàng thơ ca hoành tráng như vậy, dám làm một cây bút hàng đầu phản tỉnh lại cuộc chiến “nồi da sáo thịt”?! Bái phục! Bái phục!
NHĐ 30/94/2013