Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Thầy Vương Đình Lợi - dạy toán tài ba

 

   


  THẦY VƯƠNG ĐÌNH LỢI – DẠY TOÁN TÀI BA

                           Đỗ Hoàng

   Trong đời học sinh của tôi có hai thầy dạy tôi chỉ một tiết học nhưng để lại dấu ấn trong đời rất sâu đậm. Đó là thầy dạy văn Lương Duy Cán – Nhà thơ Hà Nhật nối tiếng, tôi đã viết bài “Hà Nhật -  Ánh sao băng trên trời thơ Việt”, còn thầy dạy toán là Vương Đình Lợi. Hôm nay tôi viết về Thầy với bài “ Thầy Vương Đình Lợi – Dạy toán tài ba”!

    Tôi thi đỗ vào trường cấp ba Lệ Thủy, học lớp 8 năm học 1964 – 1965. Thầy Trần Chấn dạy toán lớp tôi. Thầy vừa làm Hiệu trưởng nữa nên có lúc đi họp vắng lớp. Các thầy khác dạy thay. Một lần thầy dạy thay bài “Đồ thị hàm số; Đường tròn Apoloniut” là thầy Vương Đình Lợi. Thầy Vương Đình Lợi dạy toán các anh chị lớp trên, lớp 9, lớp 10, còn bọn tôi mới lớp 8 nên không được học với Thầy!

 Thầy vào lớp phong thái nhẹ nhàng rất mô phạm.Đó là một người mảnh mai, thanh thoát. Thầy mặc áo trắng, cổ cứng, quần xi màu lông chuột, bỏ áo ngoài quần. Bộ áo quần còn rất mới! Thầy sáng rực trong lớp học. Lớp học tôi đa số con nhà nông dân nghèo.Chí trừ số con cán bộ huyện và cán bộ hợp tác xã áo quần tử tế còn thì đứa nào, đứa nấy áo quần vá đụp, vá chằng. Tôi tuy là con Đội, Quản nhưng Ba tôi mất người ta tịch thu hết gia sản, vàng bạc, máy may, xe đạp…. nên còn nghèo hơn con nông dân cố cựu! Tôi mặc quần áo vá đã đành mà áo hai bên vai rách bày da cánh tay.

 Thầy Lợi đi lên đi xuống nói năng khúc chiết rõ ràng, chứng tỏ Thầy nắm rất vững kiến thức toán một cách hoàn hảo! Thầy vẽ đồ thị hàm số hypecbol, parabol đẹp như trong sách giáo khoa. Rồi đến mục “đường tròn apoloniut” Thầy vẽ tay (không dùng com pa ) mà tròn trặn như vòng tròn in. Cả lớp vỗ tay thán phục. Số học sinh thị xã Đồng Hới chuyển lên học thì reo tiếng Nga: очень хороший (rất tuyệt), số ở Lệ Thủy thì nói tiếng Trung: 很好 (rất tốt). Thầy Vương Đình Lợi cười vui cũng nói tiếng Nga: Спасибо вам, ребята (Cám ơn các em). Không khí giờ học sôi nổi hẳn lên. Thầy giảng xong phần đường tròn “apoloniut”, thầy đang vui hỏi lớp:

-         Có em nào vẽ được đường tròn không dùng com pa?

Tôi giơ tay. Tôi học cấp hai rất giỏi toán nên lên cấp ba, toán lý hóa tôi đều vững vàng và tự tin. Thầy Lợi chỉ tôi lên bảng. Tôi học thầy cầm ngang viên phấn đưa cẳng tay vuông góc với khỉu tay quay một vòng, hình tròn như vẻ.

Cả lớp vỗ tay nhiệt liệt! добро пожаловать (hoan nghênh), большой (tuyệt vời, lớn), 天賦 (tài ba) 偉大的 (tuyệt vời)… Thầy Lợi nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và khen:

-         Ты буду математиком (em sẽ là nhà toán học)!

Tôi vô cùng vui sướng, mũi phồng lên lọt chiếc máy cày!

Thầy giảng tiếp: “Nếu lập phương trình bắn tên lửa vũ trụ theo đường hypecbol thì tàu vũ trụ không quay về trái đất, còn lập phương trình bắn tên lửa vũ trụ theo đương parabol thì vệ tình sẽ trở về trái đất.”

  Rồi Thầy Lợi kể ngắn gọn cuộc đời, tài năng tự học của  nhà sáng chế tên lửa Xô Viết Xi ôn cốp xki - Константин Эдуардович Циолковский.  Ông sinh năm 1857  mất năm 1935 là một nhà khoa học lý thuyết, nhà nghiên cứu, người đặt nền móng cho ngành du hành vũ trụ hiện đại, nhà sư phạm, nhà văn Nga -Xô Viết. Ngoài ra ông còn được biết đến với vai trò là nhà sáng chế tên lửa Xô Viết, mà ông là người tiên phong trong lí thuyết du hành vũ trụ.

Công trình quan trọng nhất của Xi ôn cốp sky, xuất bản năm 1903, là "Khám phá khoảng không vũ trụ bằng động cơ phản lực" (tiếng Nga: Исследование мировых пространств реактивными приборами), được xem như là luận án đầu tiên về tên lửa. Xi ôn cốp sky tính toán rằng giới hạn nhỏ nhất cần đạt cho một quỹ đạo nhỏ quanh Trái Đất là 8000 m/s và nó thì có thể đạt được bằng phương tiện tên lửa nhiều tầng với nhiên liệu là hydro và oxi lỏng.

Trong suốt cuộc đời ông đã cho xuất bản trên 500 công trình về du hành vũ trụ và những vấn đề có liên quan, bao gồm cả tiểu thuyết viễn tưởng. Hầu hết công trình của ông là những thiết kế tên lửa, hệ thống nhiều tầng, trạm vũ trụ, nút không khí cho sự tồn tại của tàu vũ trụ trong môi trường chân không, và những chu trình sinh học khép kín nhằm cung cấp thức ăn và oxi cho những thuộc địa trong không gian.

Xi ôn cốp sky đã phát triển ý tưởng về đệm không khí từ năm 1921, xuất bản bài viết cơ bản về nó vào năm 1927, tiêu đề "Đệm không khí và con tàu hỏa tốc" (tiếng Nga: Сопротивление воздуха и скорый поезд). Năm 1929 Xi ôn cốp sky đề xuất xây dựng tên lửa nhiều tầng trong cuốn sách của ông mang tên "Di chuyển trong không gian với tên lửa" (tiếng Nga: Космические ракетные поезда).

Công trình của Xi ôn cốp sky ảnh hưởng đến các nhà chế tạo tên lửa khắp từ châu Âu, và cũng được các nhà sáng chế Mĩ trong những năm 1950 đến 1960 trong lúc họ cố gắng để hiểu những thành công của nhà bác học Xô viết trong những chuyến bay vào không gian. Các nhà toán học Việt Nam cũng rất giỏi, có giáo sư Việt ở Mĩ nguyên tư lệnh không quân Sài Gòn lập phương trinh cho tàu vũ trụ bay vào không gian!

  Chúng tôi nghe vô cùng mới lạ, vô cùng hấp dẫn. Đứa nào cũng tưởng lớp học mình là lớp học laapjphwowng trình bắn tên lửa vũ trụ! Chao ơi là thích thú. Tôi vốn là học sinh có năng khiếu môn toán nên nghe say mê không bỏ sót một lời nào của Thầy!

*

  Quảng cuối năm 1973, đơn vị tôi tăng cường vào miền Nam cùng dân chống lấn chiếm đât dai của quân ngụy thì tôi bị sốt rét ác tính phải vào quân y viện tiền phương điều trị. Từ một chàng trai béo tôi tôi thành con ma xó. Nằm viện một thời gian, tôi đi lại được nên đi quanh viện thăm thú.  Tôi thấy một người mặc áo quần bộ đội tô châu (của Trung Quốc) loại hai bạc màu đang đi trong viện. Tuy người ấy xơ xác da mặt, thân thể nhưng tôi vẫn nhận ra những nét quen thuộc những năm trước. Tôi lễ phép:

-         Thưa thầy, thầy là Thầy Vương Đình Lợi?

-         Đồng chí là ai? – Thầy nhẹ nhàng hỏi lại.

-         Em là Đỗ Hữu Lời, học sinh lớp 8 cấp ba Lệ Thủy niên học 1964 – 1965. Thầy có dạy lớp em một tiết toán!

-         Ồ thế hay quá, bây giờ chúng ta cùng chiến đấu, cùng nằm viện – Thầy nói vui, cười nhỏ nhẹ!

  Sạu đó những ngày tĩnh dưỡng tôi và Thầy hay sang lán của nhau đàm đạo , nói chuyện trên trời dưới biển.

-         Em nghĩ bây giờ Thầy đã là Tiến sĩ Toán rồi! – Tôi nói

-         Thầy cũng nghĩ có năng khiếu toán như em vào đại học làm Tiến sĩ Toán cũng không khó lắm! Thầy dạy ở Lệ Thủy một thời gian rồi ra quê, rồi đi học nghiên cứu sinh. Đang học dở, năm 1972 có lệnh tổng động viên, Thầy nhập ngũ - Thầy đáp và tiếp: Vào bộ đội họ đưa Thầy đi chăn nuôi lợn. Năm thàng gánh xách nặng quá nên Thầy bị “sađì” phải nhập viện - Thầy cũng tưởng em giờ đang ở Viện Toán đấy!

-         Vào bộ đội như Thầy phải chỉ huy toàn quân, ai lại bắt Thầy đi chăn nuôi lợn! Đơn vị em có ông chỉ giáo viên cấp một chưa chứng minh được tổng ba góc trong tam giác bằng 2v (180 độ ) làm lên đến đại tá đó. Còn cậu em, em chỉ nói đòn bẩy sơ sơ áp dụng kích kéo xe mắc lầy, ông làm đến  trung đoàn trưởng. Uổng phí tài của Thầy! - Tôi xúc động nói.

-         Trừ những binh chủng đặc biệt của quân đội còn những sư đoàn bộ binh của em, của Thầy thì cần chi Toán. Ông Giáp chỉ huy toàn quân học Luật thì sao? Giỏi Toán làm Thầy thôi - 神基妙算萬天師 (Thần cơ diệu toán vạn thiên sư – Giỏi toán là ông thầy muôn đời) 

- Thầy cũng biết tiếng Trung? – Tôi hỏi

- Bố Thầy là ông đồ Nho mà !– Thầy cười đáp.

 Sau đó, tôi kể khúc nôi đoạn trường đời mình cho Thầy nghe.

“Em học vững vàng cả tự nhiên và xã hội. Năm học lớp 7 cấp hai, em đi thi học sinh giỏi cả Văn lẩn Toán. Thi tốt nghiệp lớp 7 niên học 1963 – 1964, em làm các môm Toán, Lý, Hóa , Sinh, mỗi môn chỉ 10 phút,  làm ngỡ ngàng các thầy cô giám thị, thầy cô trong trường và cán bộ xã đến thăm trường! Tay Trần Đức Tâm, chủ tịch xã, người cùng làng không nén nỗi căm tức nói toạc móng heo giữa hội đồng Giám thị:

-         Thằng ni học giỏi mần được cái cục cứt chi! Gia đình nó là gia đình nợ máu Cách mạng!

Điều nay em nghe được là do thầy Nguyễn Như Thịnh dạy Văn, thương em tự đi làm hồ sơ cho em đi thi cấp 3 nói lại.

  Thầy Vương Đình Lợi trầm ngâm một lúc rồi hạ giọng:

-         Không có chế độ nào làm vừa lòng mọi người cả em ạ! Ngay cả nước Mỹ giàu có như thế, dân chủ như thế đâu vừa lòng hết mọi người!

Tôi kể tiếp:

-         Chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng, cấp ba Lệ Thủy sơ tán ra Tuyên Hóa cuối tỉnh Quảng Bình giáp Hà Tĩnh học. Em vẫn học vững vàng các  môn, em được thầy giáo chủ nhiệm phê trong học bạ: “Học thuộc loại khá giỏi, có năng khiếu môn Toán”. Nguyện vọng vào trường, em vẫn ghi là “ trường đại học Tổng hợp Toán” Thầy ạ! Tay Trần Đức Tâm, Chủ tịch ghi trong hồ sơ lý lịch phần ý kiến của địa phương: “Đối tượng này, gia đình nợ máu Cách mạng cho về địa phương lao động cải tạo lâu dài”! Tốt nghiệp cấp ba, năm học ấy học sinh tuyến lửa không phải thi đại học, ai tốt nghiệp đều tuyển thẳng vào đại học! Em về quê lao động  không biết mệt mỏi nuôi mộng vào đại học Toán! Sau bao nhiêu thời gian em làm hồ sơ dự thi đại học. Em được tuyển vào đại học ngoại ngữ khoa tiếng Pháp nhưng trên đổi giấy báo đi học chuyển em xuống Cao đẳng Sư phạm. Về Cao đẳng Sư phạm em vẫn vào khoa Toán Lý! Em dạy học một thời gian ngắn rồi tình nguyện nhập ngũ!

 Một lần tôi đến chơi lán Thầy ở thấy từ điển tiếng Nga, bản thảo dày cộp dịch toán từ tiếng Nga sang tiếng Việt. Tôi khâm phục bội trong bụng thầm nghĩ : “Thầy mình giỏi thật”. Hồi ấy ở trong biết tiếng Nga để dịch công trình toán như thầy Lợi chưa nhiều lắm đâu.

Thấy sách vở để ngỗn ngang, tôi nói:

-         Công trình của Thầy rất hiếm và quý, Thầy để thế mất thì tiếc lắm!

Thầy cười:

-         Chẳng ai lấy cái không đọc được, Thầy để cả tháng trời chẳng có việc gì.

Sau đó Thầy trầm giọng:

-         Thầy thấy em trẻ tuổi mà thích tìm hiểu triết học, Thầy khuyến khích. Toán triết cũng cho chỗ gần nhau ở mặt suy luận. Hôm trước nói với em  “không có chế độ nào làm vừa lòng mọi người”, Thầy nghiên cứu toán cũng có ý phản biện xã hội nhưng các giáo sư bảo: “- Đạo Phật mà người ta cũng bài xích thì các anh nên yên tâm làm toán!”. Người ta mạnh lắm, họ học theo Hitler:

-         “Ta có tổ chức

Ta có sức mạnh

Ta có sức mạnh 

Ta có lẽ phải!”

 

*

Câu trên có phải của Hitler hay không , tôi không biết, nhưng tôi nhớ nó suốt đời. Khi trở thành nhà phê bình thơ Vô lối tôi thường đem các câu này ra để đập bọn phá hỏng thơ Việt.

 

                   Hà Nội 5/2022

                       Đ - H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét