Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

Thơ, vè Hữu Thỉnh làm tổn hại đến Danh thắng lịch sử!


    

Bến Xuân Bồ, huyện Lệ Thủy

Thơ, vè Hữu Thỉnh làm tổn hại đến Danh thắng lịch sử!

 Xuân Bồ thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là địa danh nổi tiếng trong chống Pháp. Nơi đây trung đoàn 18 , sư 325 của bộ đội ta đã đánh bại đoàn quân đông như kiến cỏ của Pháp. Tiêu diệt tại chỗ trên 500 tên địch. Nổi tieengsv[í anh hùng Lâm Úy vật nhau với tên quan hai Pháp lăn xuống sông dìm chết nó. Khi vớt xacs lên, hai hàm răng người anh hungfcong cắn chặt cổ họng tên địch: Câu thơ nổi tiếng thành lời bài hát thời đó vang vọng hàng triệu con tim người Việt:

" Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ
Năm trăm quân Pháp không mồ vùi thây!"

Thế mà Hữu Thỉnh đi qua Xuân Bồ, Lệ Thủy mần 2 câu vè dở ôi dở:
" Ai qua Lệ Thủy, Xuân Bồ
Bây giờ binh trạm cải gù, gà choai..."
(Âm vang chiến hào - Tập thơ in chung với Lâm Huy Nhuận năm 1975)
, làm tổn hại đến danh thắng thiêng liêng của miền đất và của những anh hùng.
  Hữu Thỉnh phải chịu tội với lịch sử!

Những ca khúc viết về Lệ Thủy
Cập nhật lúc 10:34 04/07/2017

Trong kho tàng âm nhạc Quảng Bình, ca khúc viết về Lệ Thủy khá nhiều và được ra đời vào những năm kháng chiến chống Pháp, đến nay cũng đã bảy thập kỷ.
Trong phong trào tân nhạc, ca khúc đầu tiên viết về Lệ Thủy là bài Chiến Thắng Xuân Bồ của tác giả Trần Đình Hiếu. Năm nay, ông đã 93 tuổi, ở làng Di Luân, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch. Ngày ông sáng tác ca khúc Chiến thắng Xuân Bồ, ông chỉ mới 25 tuổi, là chiến sĩ ở Trung đoàn 18, thuộc Sư đoàn 325, đang chiến đấu ở Lệ Thủy.
Tôi có dịp gặp ông Trần Đình Hiếu, ông tâm sự: Việc ra đời của bài hát Chiến thắng Xuân Bồ cũng rất tình cờ. Sau khi trận Xuân Bồ chiến thắng giòn giã, quân dân ta vô cùng phấn khởi, đặc biệt là nhân dân vùng Lệ Thủy. Bà con Xuân Bồ đi làm đồng thường hô vang: "Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây".
Mở đầu bài hát bằng những câu thật súc tích, ngắn gọn, đầy ý nghĩa về tình quân dân: "Đồng quê một ngày qua mùa lúa chín giặc tàn hung hòng vơ vét cướp phá ngang tàng dày xéo. Chiến sĩ về cùng đồng lúa thơm thề không cho một bông lúa qua tay thù, một bông lúa giặc cướp đi. Hoan hô chiến sĩ Xuân Bồ, năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây. Sông sâu máu thắm loang đầy. Thôn quê bừng tiếng dân cày cười vui"...       
Ngay sau trận chiến thắng Xuân Bồ, anh bộ đội Cụ Hồ Trần Đình Hiếu, thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 đã thức trọn đêm để sáng tác xong bài hát Chiến thắng Xuân Bồ, vào đêm 20, rạng ngày 21/5/1950.
Trong dịp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức một đoàn nhạc sĩ đi thực tế vùng tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh những năm đánh Mỹ có hai ca khúc ra đời, đó là Mùa lúa bên bờ Kiến Giang của nhạc sĩ Trần Chung, quê Lý Nhân, Nam Hà và Bên bờ Kiến Giang của nhạc sĩ Lê Quang Nghệ, quê Triệu Phong, Quảng Trị.
Bài hát Mùa lúa bên bờ Kiến Giang có 4 lời ca, viết cho tốp ca nam nữ, mang âm hưởng mái xắp trong hò khoan Lệ Thủy, nghe rất rộn ràng không khí ngày mùa: "Lúa trĩu bông vàng xuôi về bờ Kiến Giang. Ơ khoan ơ khoan hò khoan! Nắng trên đồng quê vui sao mà rộn rã. Ơ khoan ơ khoan hò khoan! Tiếng ai bên dòng sông mà vút cao giọng hò nhịp mái (ơ) chèo. Thuyền ta đi chở lúa (ơ) về. Bát ngát hương tỏa xóm làng"... (Lời 1).
Trong bài Bên bờ Kiến Giang, nhạc sĩ Lê Quang Nghệ nói lên không khí thi đua sản xuất ở Hợp tác xã Đại Phong nổi tiếng cả miền Bắc trong những ngày chiến tranh chống Mỹ: "Ai về quê mẹ miền Trung, lắng nghe giọng hò văng vẳng triền sông tâm tình câu chuyện Đại Phong (ơ... hò). Ơ... hỡi đoàn thuyền ngược dòng về đâu. Kiến Giang còn phủ sương mờ khoan tay chèo cho em nhắn hỏi. Ơ... đây đoàn thuyền chèo về miền Tây. Đi phá đồi dựng bao cánh đồng cho lúa vàng tràn khắp núi rừng"... Bài hát viết cho đồng ca, với 2 lời ca, có hát đối đáp nam nữ, theo lối hò khoan đối đáp, nghe rất sôi nổi, nhộn nhịp và tình cảm.
Sau những ca khúc của các tác giả và nhạc sĩ viết khá sớm từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước, là những ca khúc của tác giả Hoàng Đình Luyện, một cán bộ hoạt động văn hóa cùng thời với các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc về Lệ Thủy nói trên.
Tác giả Hoàng Đình Luyện, sinh năm 1933 tại Liên Thủy, Lệ Thủy. Ông sáng tác nhiều ca khúc phục vụ phong trào văn nghệ quần chúng, tiêu biểu nhất là bài Quê hương Lệ Thủy kiên cường"Ghé về Lệ Thủy Kiến Giang nghe đôi bờ làng xóm đẹp tình quê. Quê hương vang Xuân Bồ chiến thắng. Bóng cờ nay càng thắm đỏ. Đại Phong Lệ Thủy kiên cường. Kiến Giang xanh rợp bóng làng xanh đồng xanh lúa, lượn sóng lượn xanh xanh biển trời. Mừng ta có Đảng tiền phong dìu dắt chiến thắng"... Bài hát có 2 lời ca, nhịp 2/8 nghe rất rộn ràng.
Cũng trong thời gian này, ca khúc Quê tôi Ngư Thủy của nhạc sĩ Dương Mạnh Đạt, được sáng tác vào những năm đánh Mỹ khi ông là nhạc công của đoàn văn công bán chuyên nghiệp của Tỉnh đội Quảng Bình: "Đây làng quê ta biển xanh cát trắng, những cánh buồm chào nắng ban mai lên rừng phi lao xanh biếc chạy dài như bức tường sừng sững bên biển khơi quê nhà. Quê nhà ta xưa bền gan đánh Pháp, nay kiên cường diệt Mỹ không ngơi tay súng chẳng rời suốt ngày đêm ta giữ biển trời. Ơi! Quê ta anh dũng tuyệt vời bắn rơi phản lực giữ trời xanh tươi"...
Sau ngày thống nhất đất nước, Lệ Thủy xây dựng quê hương giàu đẹp, nhiều ca khúc cũng được ra đời. Có thể kể đến các ca khúc: Lời cô gái Lệ Ninh - nhạc sĩ Trần Hoàn, Đưa em về Kiến Giang - nhạc sĩ Xuân Đồng, Suối Bang - nhạc sĩ Lê Anh (Lời thơ: Hoàng Vũ Thuật), hai ca khúc của nhạc sĩ Dương Viết Chiến: Sông nước Kiến Giang (Lời thơ: Trần Dzụ) và Dòng sông quê hương (Lời thơ: Đỗ Quý Dũng)... đã được lưu truyền rộng rãi trong công chúng. Cũng cần kể đến một số ca khúc và tổ khúc dân ca của các tác giả là con em Lệ Thủy như Lê Văn Hùng, Võ Như May, Dương Văn Liên...
 
Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, các nhạc sĩ và ca sĩ khắp cả nước đã sáng tác nhiều ca khúc ngợi ca tài đức của vị tướng lừng lẫy năm châu bốn biển, người con của đất mẹ Lệ Thủy yêu thương! Tiêu biểu là những ca khúc: Tướng quân Võ Nguyên Giáp - Nhạc và lời: Bùi Hoàng Yến, Vị tướng của nhân dân - Nhạc: Dương Viết Chiến - Lời thơ: Đỗ Quý Doãn, Vị thánh lòng dân - Nhạc: Hoàng Sông Hương - Lời phỏng thơ: Nguyễn Trọng Tạo, Đất mẹ ngày về của ca sĩ Phạm Phương Thảo...
 
Quê hương Lệ Thủy giàu đẹp và anh hùng đã tạo cảm xúc dồi dào cho văn nghệ sĩ không chỉ ở Quảng Bình mà trong cả nước viết nên những áng văn thơ, nét nhạc ngọt ngào vùng sông nước mát xanh của cánh đồng lúa "hai huyện" nặng trĩu phù sa tươi tốt. Hy vọng sẽ còn nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là những ca khúc ngân vang mãi với thời gian về quê hương Lệ Thủy.
 
CTV Dương Viết Chiến
P/v : Theo QBĐiện tử
CHIẾN THẮNG XUÂN BỒ VÀ ANH HÙNG LÂM ÚYHôm nay, web thcsphongthuy chuyên mục: “Tự hào quê hương em” lại mời bạn về thăm một miền quê sông nước điển hình Lệ Thủy nữa nhé. Đó là vùng quê Xuân Bồ nổi tiếng từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trên đường quốc lộ 1A, đến ngã ba Cam - Liên (Cam Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình), bạn dừng lại, rẽ về phía tây theo con đường nhựa mới mở đi chừng 2 km nữa đến trung tâm thị trấn Kiến Giang, qua cầu Kiến Giang rẽ ngược lên thượng nguồn chừng 2 km nữa là đến địa phận xã Xuân Thủy, đi thêm tí nữa là đến thôn Xuân Bồ rồi đó.

 Đến đây bạn sẽ được mục kích tận nơi di tích chiến thắng Xuân Bồ năm xưa, di tích lịch sử đã được xếp hạng là di tích quốc gia, nơi bến sông mà anh hùng Lâm Úy đã quyết tử với quân thù góp phần cho chiến thắng ấy càng thêm lừng lẫy.

Tháng 5-1947, làng Xuân Bồ, xã Xuân Thủy (Lệ Thủy), bị giặc chiếm đóng. Ngày 20-2-1950, vị trí Xuân Bồ bị bộ đội địa phương huyện tiêu diệt. Sau giải phóng, nhân dân rào làng chiến đấu bảo vệ xóm làng. Tuy đã giải phóng nhưng Xuân Bồ vẫn nằm trong thế bị bao vây từ ba phía, không xa là các đồn Thượng Phong, Phú Thọ, Mỹ Trạch và căn cứ pháo binh Hòa Luật Nam.

 xuan bo 4.JPG

Bản đồ trận Xuân Bồ

trong tư liệu lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Quảng Bình

Tối 19-5-1950, các đơn vị của Trung đoàn 18 bộ đội chủ lực tỉnh cùng với nhân dân nơi đóng quân họp mít tinh kỷ niệm mừng ngày sinh lần thứ 60 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động “Bảo vệ mùa thắng lợi”.

            Phát hiện được tình hình đóng quân của trung đoàn, trong đêm tối, quân địch bí mật vượt sông từ hai hướng chiếm lĩnh trận địa, bao vây tiểu đoàn 436 do đồng chí Nguyễn Minh đức và đặng Trung chỉ huy, ở làng Xuân Bồ. Lực lượng địch với hai tiểu đoàn gồm 1.200 tên, có máy bay, pháo binh yểm trợ.

 xuan bo 2.JPG

Tại khúc sông này Lâm Uý đã quyết tử với quân thù

Cánh thứ nhất do tên thiếu tá Sơ-ríp chỉ huy tiểu đoàn 8 quân ứng chiến liên tỉnh từ Quảng Trị ra, đem quân tại đồn Mỹ Trạch vượt sông sang bờ bắc bao vây cuối làng Xuân Bồ. Cánh quân thứ hai do tên thiếu tá Lăng-le chỉ huy tiểu đoàn 1 quân ứng chiến tỉnh từ hướng Thượng Phong vượt sông theo đường tỉnh lộ vượt qua các làng Phan Xá, Hoàng Giang bao vây phía đầu làng Xuân Bồ tạo thành thế hai gọng kìm kẹp chặt tiểu đoàn 436, dưới sự chỉ huy trận càn của tên tướng Lơ-brít, tư lệnh quân Pháp ở Trung phần.

8 giờ sáng ngày 20-5-1950, dưới sự yểm trợ của máy bay, pháo binh địch ở Hòa Luật bắn sang, quân giặc từ hai hướng bắt đầu mở cuộc tấn công vào quân ta ở Xuân Bồ. Đại đội 56 do đồng chí Thái Cán chỉ huy đã kiên cường chiến đấu chặn địch ở phía cuối làng, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của tiểu đoàn ứng chiến liên tỉnh. Đại đội 7, do đồng chí Bình Sơn chỉ huy ở phía đầu làng dựa vào các lùm tre, hầm hào công sự đẩy lùi nhiều đợt tấn công do cánh quân ứng chiến tỉnh theo đường tỉnh lộ từ Phan Xá, Hoàng Giang đánh sang.

Được tin quân địch mở cuộc tấn công, tiểu đoàn 436 đang bị bao vây, ban chỉ huy trung đoàn 18 do đồng chí Phùng Duy Phiên, Trung đoàn trưởng, đồng chí Tống Thái, Trung đoàn phó và Chính ủy Lê Văn Hiến (Quốc Dũng) quyết định đưa tiểu đoàn 274 vượt sông chi viện cho tiểu đoàn 436 và điện vào Bộ chỉ huy Mặt trận Bình-Trị-Thiên xin bám trụ đánh địch bảo vệ mùa.

Từ 8 giờ đến 10 giờ, các cánh quân địch liên tục tấn công đẩy quân ta vào thế bị động chống đỡ. Cuộc chiến đấu diễn ra ở tất cả các đại đội trong tiểu đoàn trở nên ác liệt. Một số bị thương vong, các chiến sĩ đại đội 88, đại đội 7 có lúc phải rời công sự tổ chức các đợt phản kích nhưng quân địch đông và hỏa lực mạnh đã áp đảo quân ta.

Trong lúc cuộc chiến cam go, Chính ủy Lê Văn Hiến đã cùng một trung đội vượt sông sang trước để chỉ đạo, động viên bộ đội cầm cự chờ quân tiếp viện, dẫn đầu đoàn quân vọt khỏi chiến hào xông lên hô vang: “Các đảng viên cộng sản cùng đồng đội tiến lên! Xung phong! Xung phong!”. Tiếp sau lời hô của Chính ủy, từng lớp chiến sĩ bật dậy xông lên đẩy lui các đợt phản kích của địch. Một số nơi, chiến sĩ ta đã gây cho địch nhiều thương vong, buộc chúng phải co cụm chống đỡ.

 xuan bo 5.JPG

Bến Nậy- bến sông cụ Dương Sé và nhân dân địa phương đã dùng thuyền

đưa bộ đội từ Uẩn Áo ( Liên Thuỷ) sang Xuân Bồ đánh giặc.

Tại đây đã dựng bia chiến thắng Xuân Bồ.


Hơn 2 giờ đồng hồ chờ tiểu đoàn 274 vượt sông sang chi viện, các đại đội của tiểu đoàn 436 đã quần nhau với giặc ở từng khúc sông, có nơi đánh giáp lá cà cùng nhau vật lộn dùng lê quật ngã hàng chục tên giặc. Chính thời điểm đó đã xuất hiện tấm gương chiến đấu hết sức dũng cảm của Lâm Úy, một tiểu đội trưởng của đại đội 2. Vừa qua sông sang, Lâm Úy bị ổ đại liên địch bắn mạnh cản trở đường ta vượt sông. Anh khôn khéo lừa địch, áp sát, ném hai quả lựu đạn diệt gọn ổ đại liên cùng 4 tên giặc, tạo thế thuận lợi cho quân ta vượt sông. Anh tiếp tục dẫn đầu tiểu đội truy kích giặc, diệt tiếp 4 tên.

Trong lúc mải mê đánh địch, bị địch vây định bắt sống nhưng anh dũng mãnh xông thẳng vào đội hình chúng, dùng lê xuyên tim một tên giặc. Tên sĩ quan cao to nhảy vào ôm ghì lấy anh. Anh vật lộn, kéo tên giặc xuống sông. Sau trận đánh đơn vị tìm thấy anh hy sinh ở mép sông trong tư thế anh và tên giặc ôm lấy nhau, miệng vẫn cắn vào cổ tên giặc. Trận đánh đó, riêng anh diệt 10 tên. (Trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1951, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng quân đội và truy tặng liệt sĩ).

Cuộc chiến đấu đã ngả về chiều, ta đánh bật địch ra khỏi làng. Sau một ngày chiến đấu liên tục, quân ta đánh thiệt hại hai tiểu đoàn quân tinh nhuệ, tiêu diệt 500 tên, trong đó có hai tên thiếu tá chỉ huy tiểu đoàn, thu được nhiều vũ khí, đạn dược, có 10 trung liên FM và đại liên 7,7mm. Số vũ khí này đã góp phần trang bị cho trung đoàn lớn mạnh sau này. Bên ta có 65 chiến sĩ hy sinh, 70 chiến sĩ bị thương.

Chiến thắng Xuân Bồ là một chiến thắng lẫy lừng, một trận chống càn thành công, lấy ít đánh nhiều, chuyển bại thành thắng, một trận đánh tiêu diệt sinh lực địch nhiều nhất trên chiến trường Bình-Trị-Thiên trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

ANH HÙNG LÂM ÚY

Lâm Úy sinh năm 1926, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 9 năm 1945. Khi hy sinh anh là tiểu đội phó bộ binh thuộc đại đoàn 325, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà nghèo, ngay từ nhỏ, Lâm Úy đã phải đi ở, làm thuê để kiếm sống. Cách mạng tháng Tám thành công, 
anh xung phong đi bộ đội và tình nguyện vào đội quân Nam tiến chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên.
Từ tháng 2 năm 1947 đến tháng 5 năm 1950, đơn vị Lâm úy về hoạt động và chiến đấu ở vùng Bình - Trị - Thiên. 
Anh đã chiến đấu hơn 30 trận, trận nào cũng bình tĩnh, dũng cảm, mưa trí và xông xáo. Đặc điểm chiến đấu của Lâm Úy là : dù một mình cũng kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, không có súng thì dùng mã tấu, súng hết đạn thì dùng lưỡi lê, báng súng, đánh giáp lá cà với địch. Anh đã diệt được hơn 100 tên địch, bắt sống 3 tên, thu 15 súng các loại, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Đầu năm 1947, Lâm Úy xung phong dẫn một tổ đem cờ vào cắm ở đồn Phú Vinh (Huế). Khi tới chân hàng rào, Lâm Úy để anh em nằm ngoài yểm hộ, còn mình bí mật chui vào đồn, leo lên cắm cờ rồi lại bí mật luồn ra. Sáng hôm sau, nhân dân nhìn thấy lá cờ Tổ quốc hiên ngang phấp phới trên đồn địch, rất phấn khởi tin tưởng, trầm trồ khen ngợi bộ đội ta. Trái lại, kẻ địch rất hoang mang lo sợ.
Cũng trong thời gian này, 
anh về hoạt động phá tề, xây dựng cơ sở ở vùng Sào Nam (Lệ Thủy). Bọn địch thường tập trung nhân dân để tuyên truyền lừa gạt. Một hôm, Lâm Úy và 4 đồng đội, chỉ có mã tấu và lựu đạn, đã xông vào giữa lúc chúng đang tập trung nhân dân, chém chết tại chỗ 4 tên ngoan cố chống cự, bắt sống 8 tên và giải thích rõ chính sách của Đảng ta cho đồng bào biết.
Giữa năm 1948, đơn vị về hoạt động xây dựng cơ sở, tổ chức dân quân ở vùng Cảnh Dương - Tú Loan. Lâm Úy đã tích cực, xông xáo tuyên truyền giác ngộ quần chúng, tổ chức và hướng dẫn hoạt động cho dân quân. Một lần 
anh đưa dân quân vào sát đồn rồi một mình bò vào đặt mìn làm mẫu cho anh em học tập, giết 20 tên, gây được lòng tin tưởng cho anh em đánh giặc.
Cuối năm 1948, đơn vị bị địch phản kích bất ngờ. Chúng dùng một lực lượng lớn bao vây chặt trung đội 
anh. Đơn vị lui lên nấp kín ở mỏm Đồi Cao (gần Minh Lê). Bọn địch ở các hướng cùng tiến công lên. Ta chờ chúng đến thật gần, bất ngờ nhằm chỗ địch yếu nhất đồng loạt xung phong quyết liệt. Bọn địch hoảng sợ bỏ chạy, vòng vây bị phá vỡ, trung đội rút an toàn. Trong trận này, một mình Lâm Úy đã dùng lưỡi lê đâm chết 6 tên địch.
Tháng 1 năm 1950, Lâm Úy tham gia chống càn bảo vệ cán bộ và nhân dân vùng Bang rợn (Quảng Bình). Giặc Pháp dùng một tiểu đoàn có máy bay yểm hộ, hai lần tiến công đều bị đại đội 
anh đánh bật trở ra. Lần thứ ba, địch củng cố lại lực lượng, tập trung sức tiến công. Đơn vị bị thương vong một số, đạn gần hết; tình thế vô cùng hiểm nghèo. Địch vẫn tiến lên, chỉ còn cách ta độ 20 mét nữa. Lâm Úy dũng cảm nhảy lên khỏi công sự, dùng khẩu trung liên vừa cướp được của chúng, bắn mạnh vào đội hình quân địch, diệt hàng chục tên, bọn còn lại hốt hoảng bỏ chạy. Đơn vị đã đánh tan cuộc càn, diệt gần 1 đại đội địch, thu hơn 100 súng các loại.

xuan bo 1.JPG

Bia tưởng niệm anh hùng Lâm Uý

Trận Xuân Bồ (tháng 5 năm 1950), địch tập trung một tiểu đoàn lính lê dương có máy bay, pháo binh yểm trợ hòng diệt chủ lực ta và phá hoại mùa màng của nhân dân ở vùng đồng bằng Lệ Thủy. Đơn vị được lệnh vượt sông chiến đấu. Lâm Úy hăng hái vượt trước. Sang tới bờ bên kia, đại đội đồng chí nhanh chóng xung phong tiêu diệt địch ngay, chiếm vị trí có lợi, làm chỗ đứng chân chiến đấu. Suốt từ 9 giờ đến 14 giờ, đơn vị đã đánh lui hơn 10 đợt phản kích của địch. Đạn gần hết, quân số lại thương vong nhiều. Lâm Úy vẫn bình tĩnh động viên anh em "tìm mọi cách diệt địch". Bản thân anh tự đi nhặt lựu đạn của địch về phát cho đơn vị chiến đấu, tiếp tục đánh lui hai đợt phản kích nữa. Nhưng rồi lựu đạn cũng hết. Lâm Uy liền nêu khẩu hiệu "Dùng lưỡi lê, báng súng quyết chiến đấu đến cùng!". Địch lại phản kích. Lâm Úy dẫn đầu đơn vị nhảy ra khỏi công sự, dùng lưỡi lê đâm chết 3 tên, vừa đâm được tên thứ 4, lưỡi lê mắc chưa rút ra được thì bị một tên khác lao vào ôm chặt. Mặc dù người nhỏ, sức yếu anh đã mưu mẹo quật ngã tên địch, một tay bóp bộ hạ, một tay bóp cổ, miệng cắn chặt vào bụng nó. Thấy vậy, những tên địch khác xả súng bắn vào đồng chí. Tuy bị thương nặng, Lâm Úy vẫn cố hết sức ghì chặt tên địch và kéo nó cùng lăn xuống sông.
Lâm Úy đã hy sinh vô cùng anh dũng. Khi được đồng đội vớt lên, hai tay Lâm Úy vẫn ghì chặt tên giặc và miệng vẫn còn cắn chặt vào bụng tên Pháp.
Lâm Úy đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì, 2 lần được Liên khu 4 và Ủy ban kháng chiến tỉnh Quảng Bình khen.
Ngày 31 tháng 8 năm 1955, Lâm Úy được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

                                 

(Tư liệu ngoại khóa của tổ KHXH – THCS Phong Thủy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét