Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Văn Chinh"bốc thơm "thơ" Nguyễn Quang Thiều...


                 


VĂN CHINH "BỐC THƠM" NGUYỄN QUANG THIỀU - Nguyễn Quang Thiều và đẳng cấp thơ ca (*)
Đỗ Hoàng
Văn Chinh, Đặng Huy Giang,Trần Trương và đến cả Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân đều là những cán bộ của các cơ quan khác đã về hưu đến đầu quân làm cho tạp chí Nhà văn & Tác phẩm. Họ đã xấp xỉ bày, tám mươi tuổi! Đây cũng là một quyết sách tình thế của Hội Nhà văn Việt Nam nhằm đỡ khâu trả lương ở cơ quan Hội và các cơ quan cấp 2 của Hội (các cán bộ về hưu làm thêm chỉ nhận một số tiền ít tượng trưng) cho cán bộ.
Tôi là cán bộ cũ, từng làm thời tạp chí còn tên Nhà văn, nên cũng không bàn luận việc làm của anh em mới. Ai làm cũng có tốt, có chưa tốt. Miệng lưỡi thế gian thì ghê gớm lắm. Miệng lưỡi nhà văn lại càng độc hơn. Mình lườm nguýt người ta thì như chị hàng lươn nguýt cô hàng cá. Nên nghe xung quanh ca thán anh em biên tập tạp chí đánh quả về tiền bạc chia chác không sòng phẳng, cãi nhau om sòm trước cổng 65, Nguyễn Du; rồi cuộc thi thơ của Tạp chí trao giải cao cho các ông, bà chủ doanh nghiệp, các quan chức cỡ to...nhiều tiền lắm bạc. Tôi cũng mũ ni che tai, im thin thít, mặc dầu tôi thấy các bài thơ như báo liếp tầm thường, xoàng xỉnh,được trao giải nhất giải nhì! Một cuộc thi thơ của tạp chí lớn mà bị chìm lấp như ngọn cỏ dưới ao bèo!
Và 5,6 năm nay tôi cũng không dám gửi bài cộng tác hoặc gửi bải để in!
Nhưng lần này, Văn Chinh bốc thơm thơ Nguyễn Quang Thiều thì tôi phải lên tiếng! Không còn giữ sự bình yên giữa Tạp chí với cá nhân tôi và phải vì nền Văn học nước nhà!
Văn Chinh sinh năm 1948, quê gốc Thái Bình, học trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 2), ra trường làm báo Nông nghiệp Việt Nam, về hưu xin Hữu Thỉnh đến làm tạp chí Nhà văn & Tác phẩm.
Văn Chinh, không phải lần đầu bốc thơm " thơ" Nguyễn Quang Thiều, Văn Chinh đã bốc thơm lâu rồi, lúc Viện Văn học mở hội thảo thơ Nguyễn Quang Thiều với lộ trình cách tân, lúc Thiều mới vào Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Chinh đã có bài in trên báo Văn nghệ, không chỉ "thơ" Nguyễn Quang Thiều, Văn Chinh còn bốc thơm và biện hộ cho Hữu Thỉnh bài thơ "Hỏi" coppy của nữ thi Đức, đầy tai tiếng trong văn giới. Ngoài ra Văn Chinh còn bốc thơm, thơ văn nhiều người như anh giáo viên kiêm buôn gỗ Hải Phòng, bài in báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn & Tác phẩm hẳn hoi!
Nguyễn Quang Thiều không biết làm thơ, viết rất lởm khởm, vốn sống thực tế từ ẩm thực đến tình yêu như ma-nơ-canh...(Xem thêm "Trường phái thơ tân con cóc - Trần Mạnh Hảo; Vô lối phản lại thơ ca, Vô lối Nguyễn Quang Thiều, dịch thơ Nguyễn Quang Thiều ra thơ Việt - Đỗ Hoàng)...
Bài vô lối " Trong quán rượu rắn" là một bài vô bổ, chẳng có ý tứ gì, nói lung cung loăng quăng.
Thiều viết:
"Những con rắn thủy táng trong rượu
Linh hồn chúng bò qua miệng bình cuộn khoanh đáy chén
Bò tiếp đi...bò tiếp đi qua đôi môi bạc trắng
Có một kẻ say gào lên những khúc bụi bờ
(...) Bò nữa đi...Bò nữa đi hỡi những linh hồn rắn
Nọc độc từng tia phun chói trong bình
Người không uống rượu mà uống từng ký ức
Mạch máu căng lên những vệt rắn bò.
(Văn Chính trích)
Nói thật thơ (Vô lối) Nguyễn Quang Thiều đều vô duyên, vô bổ. Yếu kém toàn diện!
Bạn đọc hãy lắng nghe Văn Chinh bốc thơm: "Sao có thể ngủ nổi, có thể thản nhiên nổi, khi mà cộng dồng đang đói, chợt trở thành phè phỡn ô trọc. Bài Trong quán rượu rắn và Bầy kiến qua bàn tiệc như một tiếc thương cho thú ẩm thực thanh đạm của truyền thống như vụt biến mất, nhường chỗ cho nhồm nhoàm và suồng sả hưởng thụ" (Trang 152 - Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 37 tháng 9+10 /2019).
Đến đây thật không muốn nói nữa. Kẻ viết đã lởm khởm văn chương thơ phú, ẩm thực; người bình còn lởm khởm hơn!
Người Việt không ai ăn uống như Nguyễn Quang Thiều! "Những con rắn thủy táng trong rượu"- Viết thế là không hiểu ẩm thực! Không ai đem tất cả loại rắn ngâm rượu (xem Vô lối Nguyễn Quang Thiều), người ta ngâm rượu loại rắn độc. Rắn độc mới trường sinh bất lão (Theo quan niệm dân gian, đúng với khoa học). Nguyễn Quang Thiều không hiểu hết nghĩa chữ Tàu nên không hiểu "táng " là như thế nào. Đã dùng thủy táng (
水葬) chữ Hán sao lại dùng ngâm trong rượu? - Táng là gì - Táng là chôn. Chữ Hán. Có nhiều cách táng: Thủy táng, địa táng, hỏa táng, điện táng, điểu táng, mộc táng...水葬, , 火葬, 電葬, 鳥葬, 木葬,...
Thế thì thủy táng là chôn trong nước! Tức là lấy rắn bỏ trong bình sứ hay bình thủy tinh hoặc lấy ni long bịt kín cho nước không thấm vào, rồi bỏ trong rượu. Còn tửu táng mới chôn trong rượu. Theo từ ẩm thực dân gian gọi là ngâm rượu. Rắn ngâm rượu!
Rắn ngâm trong nước (thủy táng) để lâu ngày thì quá thối. Rồi nhúng cái bọc rắn đó vào rượu, rượu không thể khử mùi, làm sao uống được? Không có dân tộc nào dù man di mọi rợ đến đâu, cũng không thể ẩm thực như Nguyễn Quang Thiều! Cách ẩm thực có một không hai trên thế giới của tộc người Nguyễn Quang Thiều rùng rợn hơn ăn máu sống (tiết canh) làm nhân loại khiếp đảm!
Văn Chinh nịnh tiếp và so sánh ngang hàng với các ẩm giả nổi tiếng: "Cho đến nay, nét ăn (thực ra là cái ăn) trong văn chương Việt đã trải qua ba giai đoạn và cung bậc tình cảm. Cái thèm ăn, cái đói ăn trong văn xuôi Nam Cao tiêu biểu thời người Việt ở nông thôn nghèo khổ nhưng cái tinh tế nghèo nhưng thanh bình trong văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân và Vũ Bằng và bây giờ đến thơ Nguyễn Quang Thiều, cái ăn trong giới trí thức trung lưu trở thành nỗi lo ám ảnh. Như thế mà có người lại bảo rằng "thơ ngủ" thì lạ thật, rất lạ"
. Giới trí thức bệnh hoạn của Nguyễn Quang Thiều chuyên ăn xác rắn thối, uống nước rắn thối như chim kiền kiền ăn xác thối mà dám đưa sánh với ẩm thực Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng...trong văn, thật là điều không tưởng tượng nổi. Chỉ có Văn Chinh khùng mới so sánh như vậy!
Bài vô lối "Trong quán rượu rắn" tôi đã dịch ra thơ Việt từ nhiều năm trước, xin trích khổ đầu:
" Lũ rắn độc bị đem tửu táng
Hồn bò quanh đáy chén, miệng bình
Bò nữa đi qua đôi môi bạc trắng
Kẻ say gào giọng rượu thất kinh!"...
Vô lối của Nguyễn Quang Thiều phải dịch ra thơ Việt mà Văn Chinh thổi kèn nâng lên "đăng cấp thơ ca" thi thật là trò "nâng bi" vô duyên! Đắng cấp gì cái thứ vô lối mà Nguyễn Quang Thiều vãi ra trên thi đàn? Nó là đẳng cấp "thơ vô lối" chưa sạch nước cản"!
Nói chung Nguyễn Quang Thiều viết rất lung tung, lang tang,lặp tứ, lặp ý, thừa lời, thiếu chữ, tư duy so sánh ước ao..., rất lổ mổ:
"Tôi, tôi hát bài ca về cố hương tôi
Trong những chiếc tiểu sành đang xếp trong lò gốm
Mốt mai đây tôi sẽ nằm trong đó
Đậm đến cả kiếp sau
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau được làm con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi."
Thông thường con người hướng đến cái cao cả, cái đẹp.. Chỉ những kẻ méo mó khuyết tật tâm linh mới ước mong điên loạn, Nguyễn Quang Thiều muốn có ước mong cho khác người, muốn làm mới, tưởng ước thành tiên, thành phật hóa ra ước thành con chó! Một cái ước mơ hèn hạ, bệnh hoạn!
Không ai nói nỗi buồn là báu vật, lại là báu vật của quê hương! Thật điên rồ!
Văn Chinh tán:
"Mỗi lần nghe Thiều đọc Bài hát về cố hương, đến câu kết này tôi đều lặng đi một khoảng lặng đủ để thân phận dân tộc nấc lên trong lòng ngực của mình. Có thể, chỉ là có thể thôi, các nhà thơ thế hệ trước và sau Thiều sẽ cảm thấy báu vật cố hương là sự vỹ đại, hùng cường. Nhưng những năm tháng Thiều lớn lên, ông từ một nước nghèo cực trở về nước và bắt đầu làm thơ. Ông thấy nước mình nghèo, cực nghèo mà còn bẩy ra trước mắt những mất mát lớn lao!"
Vô lối của Thiều rất đại ngôn, sáo rỗng, lắm lời, nhiều chữ. Chưa ai đụng đến đã: khóc, rên, đói, nhức, nhói, than, la, khát, thèm, nấc, run, tứa máu, ước muốn... vả ước muốn làm tình (có dấu hiệu hiếp dâm) nhan nhản trong các trang viết của Thiều. Bài "Câu hỏi cuối ngày" đại diện cho hàng loạt bài Thiều viết như thế:
" Trong cơn mơ đói và buồn
Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua
Như dao sắc phất vào tôi tứa máu
Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào..."
(Câu hỏi cuối ngày)
Bài vô lối này tôi đã dịch ra thơ Việt và bình khá kỹ in trên vannghecocsong.com. Nó không chỉ vô lối mà một cách viết, cách nghĩ, mà vô lối trong cách cảm vô cùng bệnh hoạn, ý nghĩ cuồng dâm rất ác dâm, thù ghét sự đổi mới, thù ghét phụ nữ - tức là thù ghét cái đẹp!
"Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua"
Là nét hiện đại của nữ giới sau gần 20 năm thống nhất đất nước, nhờ có sự đổi mới, kinh tế phát triển, giỏi làm ăn, chị em phụ nữ miền Bắc mới có được hình ảnh này, họ không còn phải quanh năm suốt tháng mặc cái quần phíp màu đen, cái áo nâu cộc, phơi mông, phơi bụng đi le te giữa thành phố mới giải phóng, bà con miền Nam nhìn hoảng hồn tưởng người ngoài hành tinh lạc xuống! Đáng ra phải tự hào phỏng theo ý thơ Xuân Diệu:
"Thi sĩ ngày xưa mơ mỹ nhân
Mơ khói trầm bay cuộn cõi trần
Thi sĩ ngày nay bên đường phố
Hết lòng ca ngợi gái thanh tân!"
Hoặc như Huy Cận:
" Chị em ta tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời mà cũng nắng cho thơ"
Hay như Tố Hữu:
"Em là ai, cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi
Em em hay là mây, là suối
Mắt em nhìn như chớp lửa đêm đông!"
Thế mà Nguyễn Quang Thiều nhìn các cô gái đẹp tân thời mặc váy, phóng xe máy trên phố, Thiều lại căm tức, căm thù:
"Như dao sắc phất vào tôi tứa máu
Tôi nấc lên một câu hỏi như người sặc khói"
Đã căm thù nữ giới lại trội lên ý nghĩ dâm dật không ai cho phép:
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào..."
(Câu hỏi cuối ngày)
Ai cho anh lấy họ, anh có quyền chi, vua chúa, quan to sao? Rồi ai cho anh làm tình họ ? Bệnh hoạn, tâm thần trăm phần trăm!
Điều này đáng ra phải chỉ cái sai lớn phạm pháp luật của tác giả, đằng này Văn Chinh trích và bình trich, nịnh sai tiếp:
"Câu này thì khóc cho cái đẹp thơm tho bị cái lam lũ thị trường cướp mất:
"...Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ
Tóc tai quấn áo sặc mùi cá khô
Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia
Và lòng tôi nhói một câu hỏi
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ như thế nào"
(Câu hỏi cuối ngày)
Dân lao động bình thường, buôn chuyến ăn vờ, ngủ vật như thế, mình không có tí gì cảm thông cho số phận " социальное дно - dưới đáy xã hội" của họ lại nổi máu dê bạo chúa, bạo dâm, hiếp dâm:
Rằng nếu tôi lấy họ
Tôi sẽ ngủ với họ thế nào..."
(Câu hỏi cuối ngày)
Cả bài Câu hỏi cuối ngày đều mắc chửng bạo dâm như thế!
Thơ vô lối của Nguyễn Quang Thiều hỏng hoàn toàn từ lập tứ, lập câu, gieo vần, tình cảm...
Văn Chinh bốc thơm: "Trong tập Sự mất ngủ của lửa - nỗi lo toan cùng gian nan cơ hàn của nước , của cộng động có nhiều bài hay, tỷ lệ bài hay trên tổng lượng bài vào loại cao nhất. Bài "Câu hỏi cuối ngày" như một ám ảnh về sự tha hóa".
Đúng là phải bịt mũi về sự bình thối "con vịt hai chân này!
"Ngán thay cái mũi vô duyên
Văn Chinh nịnh thối, con thuyền ca ve!
Viết thế này mà Văn Chinh còn tán tụng, tung hê " Đẳng cấp" thơ Nguyễn Quang Thiều!
Vô lối Nguyễn Quang Thiều thuộc loại hô khẩu hiệu, dài dòng văn tự, sáo, sến, nhạt, ồn ào, lộn xộn:
"Người đàn bà câm đi qua những ngôn từ nguyễn rủa
Những ngôn từ kếp nhược và lừa dối ngày ngày trên đầu lưỡi chúng ta
Câm lặng xòe hai bàn tay phủ che lên mênh mông của nỗi đau chờ đợi.."
Ba câu vô lối trên có 42 tiếng không nói lên được điều gì rõ ràng, chỉ mung lung chung chung, tù mù! Không sống được nửa giây!
Trong khi ông cha ta chỉ hai câu thơ, 14 tiếng thì sống đến hàng nghìn năm:
陳仁宗
即事
社稷兩回勞石馬,
山河千古奠金甌
Tức sự
Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
Đỗ Hoàng dịch:
Trần Nhân Tông
Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Núi sông muôn thuở vững âu vàng!
Thơ Haiku Nhật Bản:
古池や (fu-ru-i-ke ya)
蛙飛込む (ka-wa-zu to-bi-ko-mu)
水の音 (mi-zu no o-to)
Dịch tiếng Việt:
ao xưa;
ếch nhảy vào
tiếng nước xao
Hay:
Hạt sương
Trân châu
Hiện cố hương!
Viết dài viết ngắn không quan trọng, bài viết anh phải nói hoặc gửi gắm điều gì của tấc lòng. Cha ông ta khi cần cũng viết dài:
白藤江賦
此重興二聖擒烏馬兒之戰地,
與昔時吳氏破劉弘操之故洲也。
“Thử Trùng Hưng nhị thánh cầm Ô Mã Nhi chi chiến địa,
Dữ tích thời Ngô thị phá Lưu Hoằng Thao chi cố châu dã.”
Nghĩa là:
Trương Hán Siêu
Bạch Đằng Giang phú (trích)
“Đây là chiến địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.”
Nguyễn Đình Chiểu - Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc:
..."Ngoài cật có một manh áo vải, nào đợi mang bao tấu, bao ngòi,
Trong tay dùng một ngọn tầm vông, chi nài sắm dao tu, nón gỗ.
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia;
Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ
Chi nhọc quan Quản gióng trống kỳ trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không.
Mặc kệ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém dọc, làm cho mả tà, mả ái hồn kinh.
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.
Những lăm lòng nghĩa sau dùng, đâu biết xác phàm vội bỏ.
Một chắc sa trường rằng chữ hạnh, nào hay da ngựa bọc thây;..."
Hay:
My tongue, every atom of my blood, form’d from this soil, this air,
Born here of parents born here from parents the same, and their parents the same,
I, now thirty-seven years old in perfect health begin,
Hoping to cease not till death
Bài hát chính tôi
...Lưỡi tôi, mỗi nguyên tử trong máu tôi là từ đất đai, từ không khí này
Sinh ra từ cha mẹ ở đây, và họ cũng sinh ra ở đây
Năm này tôi 37, cái tuổi tràn trề sinh lực
Và hy vọng sẽ không ngừng cho đến ngày tôi chết...
Song of Myself - Lá cỏ - Leaves of grass
Walt Whitman
Nguyễn QuangThiều và số làm vô lối thường hay khai thác bản năng nhục dục.
Thị dâm bệnh hoạn:
"...Và vẫn nhìn thấy
Một người đàn bà
Tắm trong một toilet không có rèm che
Kỳ cọ như tuốt hết da thịt mình
Và vẫn nhìn thấy
Cuộc làm tình ban ngày
Của những kẻ thất nghiệp
Trong chính công sở của họ..."
Vô lối của Nguyễn Quang Thiều thích liệt kê, kể lể. Liệt kê, kể lể thì biết bao giờ cho xong. Mất thì giờ và rất vô bổ:
" Một cái cây nói
Một cái cây còn ngủ
Một cái cây ngồi chống cằm
Một cái cây đang chạy
Một cái cây lắc lư hát, rồi đến
Một cái cây nhảy múa"
Có thể viết tiếp đên khi Quả địa cầu biến mất:
.."Một cái cây vào nhà nghỉ
Một cái khom lưng hát karaoke
Một cái cây dringbia
Một cái cây ôm bà già lắc lư
Một cái cây khóc vì Tàu cộng lấn chiếm biển Đông..."
Vô lối Thiều toàn lảm nhẩm, vô cốt, vô hồn!
Văn Chinh tiếp tục tụng ca vô lối Nguyễn Quang Thiều: "Ngoài các vật liệu thơ bình thường, có sẵn ở quanh mình, như: Bà góa, bà bầu, kèn trông bát aamcon kiến, con rắn, con cá bống , con muỗi...gộp chung là các loại côn trùng, những bóng tối, những đêm gần sáng, dòng sông, bến cát, thậm chí có những thứ chỉ là rác, là phế thải, thơ Nguyễn Quang Thiều còn dùng cây và có lẽ nó là một thi liệu ông yêu quý nhât... Có thể coi những câu thơ, bài thơ về cây của ông như những bức ký họa, ký họa đến thuộc lòng để khi ông vẽ "Cây ánh sáng" (bằng thơ)"
Văn Chinh bốc thơm Nguyễn QuangThiều, khen ông giáo buôn gỗ Hải Phòng tiền nhiều như quân Nguyên, bốc thơm Hữu Thỉnh...không phải vì văn chương nước nhà mà chỉ vì một chút lợi ích riêng của mình. Điều ấy bạn đọc thừa biết. Điều ấy có hại khôn lường cho văn chương. Văn Chinh bốc thơm những kẻ có quyền, những đứa có bạc không khác gì Phạm Quang Trung từng bẻ cong ngòi bút để tung hê những đám thơ phú không ra gì:
"Phạm Quang Trung tiến sĩ trâu
Có quyền, có bạc thì bâu khen phò!"
Đáng trách, rất đáng trách lắm thay!
Hà Nôi ngày 1 - 11 - 2019
Đ - H
(*) Bài in trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số 37, tháng 9 +10/2019
(còn nữa)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét