Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Thuê xe 16 chỗ
Chuyện nhặt 43
Đỗ Hoàng
BỊ BUỘC VỀ QUÊ LAO ĐỘNG CẢI TẠO (tiếp)
Tôi đến chân đèo Mồng Gà thì trời đổ mưa lớn.Thật là tâm linh, đời tôi những lần bị biếm bỏ xứ ra đi đều bị đại vũ.
Mưa mờ mịt núi rừng. Núi Mồng Gà xa xôi cách trở lắm thú dữ, voi rừng cọp báo. Nếu không học sơ tán nơi yên tĩnh không bom rơi đạn nổ thì ái đến đèo Mồng Gà làm gì.
Tôi lấy ni long (tấm choàng) khoác qua ba lô che người và lầm lụi bước. Lúc này chẳng có hơi sức đâu mà buồn mà đau. Cả một năm trời đằng đẵng đau buồn nó hành hạ tôi đến xơ cứng buồn đau. Giờ chỉ mong sao qua núi non lần về xuôi là có thể về cố quận. Về quê lao động cải tạo đối với tôi chẳng có ngại gì. Tôi là thằng chăn bò cắt cỏ từ bé, làm ruộng, cuốc đất từ bé trong hợp tác xã nên sự đày ải này không nhằm nhò gì. Chỉ tiếc là mái trường Đại học trong tầm tay mà mình một học sinh khá giỏi mà không bước đến được. Chỉ cần con nông dân chay thôi là đến trường vô tư! Thời ấy tốt nghiệp lớp mười tôi khao khát học Đại học đến vậy!
Cả hai lớp 10 của trường cấp Ba Lệ Thuỷ A chỉ duy mình tôi ôm ba lô về quê lao động cải tạo (Sau này tôi mới biết bên lớp 10 B còn có Lâm Thị Mỹ Dạ( nhà thơ nổi tiếng của Quảng Bình) nữa. Thật là đau thương, thật là rủi ro!
Chiều qua bên kia đèo Mồng Gà trời tạnh.. Rừng quang đãng. Cả một triền núi, cả một rừng dẻ xanh vàng mơ như vùng rừng vú sữa Nam Bộ. Cây dẻ là loại đắc mộc của Tuyên Hoá, Quảng Trạch. Nhà văn Văn Linh viết Mùa Hoa Dẻ lấy không gian bối cảnh ở đây.
Mẹ tôi hay đọc tiểu thuyết, nên tôi có đọc Mùa Hoa Dẻ của Văn Linh, Đôi Bờ của Văn Biển. Thuở ấy đọc tiểu thuyết là bị coi hư hỏng. Mẹ tôi và các bà phải đọc lén lút. Tôi trẻ con nên đọc tò mò chứ không hiểu gì. Sau lớn lên đi học mới hiểu thêm Mùa Hoa Dẻ. Thời 1956 – 1957 viết Mùa Hoa Dẻ như thế là giỏi lắm rồi
Sau này đám tang nhà văn Văn Linh tôi gặp Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, ông nói: “Tôi là bí thư Chi bộ, Văn Linh viết chương nào đều đưa tôi đọc. Tôi thấy được hết. Tô Hoài cũng khen. Không hiểu sao bị cấm.”
. Nếu Đất nước, quân đội cới mở lên một chút thì văn học Việt Nam có quyển sách xứng tầm thế giới. Tiếc thay!
Tối mịt tôi đã về bên bờ thượng nguồn sông Giang, đoạn xã Tiến Hoá, Mai Hoá gặp lại các anh chị trong đội Thanh niên xung phong vận chuyển hàng hoá.
Tôi gặp lại anh Thanh trong nhóm làm đường. Tôi quen nhóm anh Thanh hồi học kỳ một đi Mai Hoá lấy gạo cho lớp. Anh cũng hoàn cảnh học xong lớp 10 không được đi Đại học phải đi Thanh niên xung phong để có thể học tiếp. Hồi ấy tôi chả biết Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hoá có Tô Huy Rứa (Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam sau này), Lê Minh Khuê (nhà văn nổi tiếng) nhưng anh Thanh và các anh chị khác đều khuyên những người có hoàn cảnh như anh, như tôi phải chịu khó lao động cải tạo hoặc đi Thanh niên xung phong (đị bộ đội địa phương không cho đâu) mới có thể đi Đại học được. Chúng tôi nghe những lời khuyên có cánh và tâm nguyên sẽ lao động cải tạo hết mình, hoặc đi Thanh niên xung phong hay cu li gì gì miễn là được đi Đại học chúng tôi cũng làm hết!
- Sao anh vẫn còn làm đường? – Tôi buồn rầu hỏi anh Thanh.
- Anh được trên cho đi học nhưng học Trung cấp em ạ! Anh gắng làm một năm nữa để đi Đại học. – Anh Thanh ngậm ngùi trả lời!
Tôi đồng ý với suy nghĩ của anh Thanh. Chịu khó một năm nữa để được đi học Đại học. Tốt nghiệp lớp 10 (năm 1968) đi Trung cấp thì phí lắm.
Hà Nội 8 -10 – 2016
Đ – H
(còn nữa)
1- Trên Vạn Lý Trường Thành ngày 18 - 5 - 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét