Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Về trời Nam



Về trời Nam dõi dấu tiền nhân
           – Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long (Bài đã sửa)

                                         (Từ thưở mang gươm đi mở cõi
                                          Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long)

                                                     Bút ký Đỗ Hoàng

        Còn chưa đầy một tháng nữa là đến đại lễ nghìn năm Thăng Long. Hà Nội đã chuẩn bị bao năm nay để kỷ niệm ngày đại lễ có một không hai trong lịch sử đất nước mấy ngàn năm qua. Trên thế giới có hàng trăm nước nhưng cũng chưa quá 30 nước có thủ đô nghìn tuổi. Thăng Long một nghìn tuổi đó là niềm tự hào cho cả non sông và con cháu muôn đời. Để chuẩn bị cho số 10 Tạp chí Nhà văn kỷ niệm ngàn năm Thăng Long, tôi có chuyến hành phương Nam ngẫu hứng.
    Với tuyến lộ trình máy bay giá rẻ Jest Pacivit Ailier tôi cùng hoạ sỹ Đỗ Bình đáp xuống sân bay Đà Nẵng, nghỉ ngơi chút ít rồi theo xe tốc hành lên Đà Lạt vớí ý đồ tới huyện Lâm Hà vùng kinh mới của Hà Nội gần 30 năm trước đây tìm hiểu cuộc sống nguyện vọng và tâm tư tình cảm của họ với Hà Nội nghìn tuổi. 
   Rất may mắn ngồi bên tôi là cụ Nguyễn Anh Toàn người xã Nam Đồng, huyện Đông Anh đã động viên con cháu nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chính phủ đi kinh tế mới Lâm Đông từ mấy chục năm trước. Sau đó cụ cùng lên ở với con cháu. Cụ vừa về thăm quê cũ nay trở lại quê mới để cho con cháu chuẩn bị về thăm đại lễ nghìn năm Thăng Long.
  Thế là quên cả đèo dốc, vực sâu thăm thẳm đến ghê người của con đường lên Đà Lạt, tôi và cụ trò chuyện hết buổi.
   Hoá ra cụ Toàn là người lính cũ, anh bộ đội Cụ Hồ thời chống Pháp. Tôi nhìn kỹ cụ hơn một chút. Cụ đã ngoại bảy mươi rồi mà người quắc thước khoẻ mạnh, cử chỉ nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Những chuyện đánh giắc gian khổ ngày qua cụ nhớ vanh vách. Cụ kể: - Cụ là thiếu sinh quân đi học quân sự, học xong biên chế vào đơn vị chiến đấu thuộc đại đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến chống Mỹ cụ tham gia chiến dịch Quảng Trị và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam. Sau 1975 vì sức khoẻ, vì hoàn cảnh gia đình cụ phục viên về làm ruộng nuôi vợ nuôi con. Khi các con cháu của cụ an cư lạc nghiệp ở Lâm Đồng thì cụ lên ở với con cháu. Tâm tình trên đường ai nói nấy nghe vậy biết thật, biết giả là đâu thế mà cụ sợ tôi không tin, cụ đưa ra nhiều loại thẻ: Thẻ cựu chiến binh, kỷ niệm chương Sư 308, Quân khu Trị Thiên, huy hiệu chiến sỹ Điện Biên…
  Tôi hỏi:  - Đời sống bà con khu tinh tế mới bây giờ khá không cụ?
- Phần lớn khá lăm anh ạ! – Cụ Toàn trả lời – Bà con có của ăn của để, nhiều người mua ô tô, xây biệt thự vila. Các con tôi cũng khá. Nguyễn Thị Hiền đứa con đầu của tôi đã có cháu ngoại. Hai vợ chồng khi đi kinh tế mới chỉ là y tá nay đều bác sỹ cả. Chúng nó sung sướng hơn bố mẹ nhiều.
Cụ Toàn nói đúng. Tôi đọc bút ký Huyền thoại Lâm của nhà thơ Lê Đình Cánh tôi biết được đổi thay lớn lao của Lâm Hà. Lâm Hà là khu kinh tế mới nổi tiếng của Hà Nội, bây giờ là một huyện của tỉnh Lâm Đồng. Kinh tế Lâm Hà ngày một tăng trưởng. Dân số hôm nay đã lên đến mười hai, mười ba vạn người, gấp đôi thời huyện mới xây dựng.
  - Con cháu cụ về dự đại lễ nghìn năm Thăng Long thế thì bà con có ai về không? – Tôi hỏi vui thêm cụ Toàn.
  - Chắc là cả huỵện kéo về! – Cụ cười trả lời tôi.
  Tôi thầm nghĩ:  Không chỉ bà con huyện Lâm Hà mà nhân dân khắp cả nước nếu có điều kiện nhiều người cũng về Hà Nội dự lễ ngàn năm Thăng Long cũng nên. Gặp cụ Toàn được trò chuyện với cụ cũng coi như tôi đã đi một chuyến thực tế để hiểu thêm Lâm Hà, hiểu những người con đi “mở cõi” của Thủ Đô năm ấy, họ đang hướng về đại lễ nghìn năm Thang Long!
  Đến Đà Lạt, tôi và hoạ sỹ Đỗ Bình tới thăm ngay nhà thơ Vương Tùng Cương. Có lẽ Vương Tùng Cương là người “mở cõi” mới nhất trời Nam. Anh vừa định cư ở Đà Lạt chưa tròn một tháng. Chị Mai Liêng vợ nhà thơ là một hoạ sỹ phong cảnh có rất nhiều tranh vẽ về Đà Lạt. Hai vợ chồng vừa mua lại một biệt thự xinh xắn đẹp đẽ.
      Anh Cương tâm sự: - Mình định cư Đà Lạt nhưng vẫn để nhà ở Hà Nội. Thỉnh thoảng mình ra thắp hương cho ông bà. Rồi thi sỹ họ Vương mở một cuộc rượu nhỏ đãi khách Hà Thành. Thi tửu cứ thế tuôn trào. Có hơi men Vương Tùng Cương nói hay, đọc thơ hay.
  Anh kể rằng anh đã đi hát khắp Đà Lạt để kiếm tiền lúc vào đây gặp khó khăn. Chúng tôi lúc đầu không ai thể tin. Bỡi vì ai cũng biết nhà thơ Vương Tùng Cương không phải là nhà thơ thiếu thốn trong làng văn. Anh dư dật là đằng khác. Anh thường tự hào gọi mình là Vương gia.
   - Người ta cũng có lúc khó khăn chứ các ông. Tiền chưa chuyển được, nhà chưa bán được, ở xứ sở lạ lùng thì có giọng hát tốt như tớ, tớ đi hát kiếm tiền giúp vợ không có gì là xấu!
   -  Được rồi hát rong không có gì là xấu – Tôi bảo – Nhưng anh hát bài nào bà con thích nhất?
 - Các ông mới vào chưa biết. Đà Lạt là dân tứ xứ mà đa số dân ngoài Bắc đi “mở cõi” nên rất thích các bài hát hướng về cội nguồn. Nhiều bài hát và thơ viết về Hà Nội của Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và của nhiều tác giả trong và ngoài nước khác. Đó là sự thật không phải tuyên truyền.
- Có bài Lời từ giã Việt Nam của Menelaos Loudenis chứ? – Đỗ Bình hỏi
 - Có, có bài thơ Lời từ giã Việt Nam của Menelaos Loudenis nhà thơ Hy Lạp viết vào năm 1956 sau hai năm đất nước ta bị chia cắt –Vương Tùng Cương trả lời.
 Tôi còn nhớ bài thơ đó hồi đang học tiểu học:
 Tôi không bao giờ /Quên được Hồ Gươm /Lẵng hoa đẹp giữa lòng thành phố /Những ngôi chùa xám cổ /Nghiêng mình xuống nước /Tìm thánh thần xưa Nhưng chỉ gặp những con người hiện tại/ Tôi không bao giờ/ Quên được sông Hồng/ Thêu sóng đỏ trên áo dài Hà Nội.
  Hoạ sỹ Đỗ Bình kiêm thi sỹ cũng góp vui. Anh đọc bài thơ Nhớ buổi ra đi của Chính Hữu viết vào năm 1946. Chính Hữu tuy không phải người Hà Nội, ông là người Nghệ Tĩnh nhưng viết về nỗi nhớ Hà Nội rất thành công.
Nhớ buổi ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa

 Vương Tùng Cương hát bài “Người Hà Nội” và đọc một đoạn thơ rất hay trong bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi viết vào đầu thời kỳ chống Pháp:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
 Đọc thơ gợi lên nỗi nhớ Hà Nội của bao người.
 Không chỉ nhà thơ Vương Tùng Cương mà hơn phần nửa dân Đà Lạt cũng từ phương Bắc vào lập nghiệp, ai cũng có một cõi lòng riêng nhớ về cội nguồn cha ông.
   Hôm sau tôi và hoạ sỹ Đỗ Bình theo xe xuống Biên Hoà, Sài Gòn.
  Biền Hoà, Sài Gòn đổi thay hàng giờ. Nhịp sồng thật đô hội. Mỗi lần đi về Biên Hoà, Sai Gòn tôi thường nhớ đến hai câu thơ bất tử của  “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ:
“Từ thưở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Thơ ca của Huỳnh Văn Nghệ không hay ở cách dùng chữ nghĩa cầu kỳ rắc rối và hay ở tấm lòng, thơ đã đạt đến cõi siêu phàm, thơ đã vượt ra ngoài chữ nghĩa. Đúng là “Công phu thâm xứ thi bình dị” (Thơ hay nhất là đạt đến độ rất giản dị - Câu nói của cổ nhân). Nhiều người làm thơ không đắc đạo, không hiểu thấu lý lẽ của thi ca nên viết không vào lòng người.
   Tôi nhớ năm ngoái tôi cùng đoàn nhà văn quân đội Bùi Thanh Minh, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thanh…đi viết cho bưu điện Quân đội ngồi uống rượu trên chót mũi Cà Mau ở vỹ độ 8,3o, anh em nói với nhau: - Thật biết ơn cha ông mở cõi nên con cháu hôm nay mới được ngồi ở chỗ trời cao đất rộng như thế này. Nếu không có cha ông thì đất nước ta chỉ đến châu Hoan, châu Ái và sông Như Nguyệt là hết.
   Có lẽ người mở cõi sớm nhất và có công trạng to lớn nhất phía Bắc là Lý Thường Kiệt, phía Nam là Nguyền Hữu Cảnh. Nguyễn Hứu Cảnh một người con quê hương Quảng Bình! Lý Thường Kiệt là người Thăng Long, Hà Nội bây giờ. Tôi đã từng đọc Đại Việt sử ký toàn thư nên biết đến hai ông.
  Ngoài đọc Sử ký Đại Việt toàn thư tôi còn được mẹ tôi đọc bài thơ về lịch sử nước Việt thưở cụ là ấu trò được các thầy dạy cho. Cụ thường đọc cho tôi nghe. Sau khi khi làm báo đến viết về tuổi thơ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cũng đọc bài thơ cội nguồn lịch sử này cho tôi nghe. Vừa rồi về đám tang mẹ tôi, anh Hoàng Ngọc Trâm con cậu ruột của tôi, cán bộ thuỷ lợi về hưu đọc cho tôi nghe bài bài thơ này. Tôi ghi ra đây:
“Nước nào có nước cũng có sử.
Chuyện xưa ghi chép không hoang đường.
Nước Nam ta có tự bao giờ?
Họ vua đầu tiên là họ Hồng Bàng.
Truyền rằng vua lấy bà Âu Cơ.
Một bầu trăm trứng sinh trăm con,
Cha rồng mẹ tiên khó đoàn tụ
Lên non xuống biển chia làm hai.
Bây giờ chia nước mười lăm châu.
Phong Khê một xứ là kinh đô.
Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), tây Ba Thục,
Đông biển, bắc đến Động Đình Hồ!
      Năm 1075 Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, đóng thuyền bè, tập thủy chiến, cấm các châu huyện không được mua bán với Đại Việt.
    Năm 1075 vua Lý nghe tin nhà Tống muốn chiếm lấn đất Đại Việt, liền sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem hơn 10 vạn binh đi đánh để lấy lại các phần đất của tổ tiên và muốn mở rộng lên phía Bắc. Quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, tổng chỉ huy là Tôn Đản. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, "quân ta tới đâu như vào nhà trống không người"
      Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm; Tông Đản vây Châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Nam tiến chiếm thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu cũng thất thủ[.
Trên các mặt trận, quân Lý hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Lý Tường Kiệt giải phóng Ung Châu trong chớp mắt. Sau đó ông cho người quản lý thành và lấy kế an dân lâu dài!
       Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh là một vị tướng quốc, một bậc công thần  đời chúa Nguyễn Phúc Chu, sinh năm 1650 tại làng Phúc Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay  thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình). Ông là con thứ ba của Tiết chế Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu Dật. Sinh ra trong hoàn cảnh nước nhà đang thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh, từ nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh  nổi tiếng thông minh, học giỏi, văn võ toàn tài và sớm có chí lập thân, lập nghiệp. Nguyễn Hữu Cảnh đã từng theo cha tham gia nhiều trận mạc, lập  nhiều chiến công, được nhiều người kính trọng, nể phục, được Chúa Nguyễn trọng dụng, phong tước Lễ Thành Hầu và giao giữ chức Cai cơ.
Không chỉ có biệt tài về quân sự, Nguyễn Hữu Cảnh còn có tài điều hành, tổ chức và thu phục nhân tâm. Năm Nhâm Thân (1692) Chúa Nguyễn phái Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh vào phương Nam kinh lược, để tổ chức, ổn định lại bộ máy ở vùng đất vừa mới được bình định.  Từ vùng đất hoang sơ, rậm rạp, đầy hiểm nguy, chết chóc và thiếu sự sống, bằng tài thao lược, tổ chức, sau 2 năm Nguyễn Hữu Cảnh đã ổn định được phủ Bình Thuận, làm cho người Chăm vốn sinh sống rải rác, nghèo khó ở vùng đất này từ lâu đi theo quan quân triều đình lập ấp, xây dựng làng mạc, xóm thôn ở vùng đất mới. Ông cũng đã xây dựng được tinh thần hoà hợp giữa hai cộng đồng vốn xa lạ là người Chăm và người Kinh, truyền bá văn hoá Thăng Long vào Đàng Trong. Với những công lao to lớn của Nguyễn Hữu Cảnh, ông đã được Chúa Nguyễn sắc phong Chưởng cơ và cử làm trấn phủ dinh Bình Khương (ngày nay thuộc tỉnh Khánh Hoà).
Năm Mậu Dần 1698, Nguyễn Hữu Cảnh  được Chúa Nguyễn phong làm Thống suất, cử  vào kinh lược xứ Đồng Nai, Sài Gòn, Bến Nghé. Với bản lĩnh của một người từng xông pha trận mạc, Nguyễn Hữu Cảnh đã động viên, khuyến khích quân sỹ, cư dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, vạch kế hoạch cấp thiết, liên tiếp thực hiện khai hoang mở cõi, dàn xếp biên cương, bảo vệ chủng dân và vùng đất mới, thiết lập các cơ sở hành chính từ thôn đến xã, lập phủ Gia Định và chính thức sát nhập vào quốc gia Đại Việt, chiêu mộ cư dân và khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Tận tâm tận lực cùng cư dân và quan binh, cùng nếm mật nằm gai, chỉ trong một thời gian chưa dài Nguyễn Hữu Cảnh đã ổn định được tình hình, mọi hoạt động ở vùng đất mới mở đi vào quy củ.
Không chỉ mở mang, khai hoang những vùng đất ở Sài Gòn, Đồng Nai, Nguyễn Hữu Cảnh còn tiến xa thêm đó là khai khẩn mở rộng bờ cõi ra cả vùng Nam Bộ ngày nay. Với tầm nhìn xa trông rộng cùng với chính sách chiêu hiền đãi sỹ kịp thời của Nguyễn Hữu Cảnh, rất đông cư dân vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Huế ngày nay), Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tự nguyện theo Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập quê mới. Ai ai cũng hăng hái đi theo ông với một quyết tâm rất ca Làm trai cho đáng nên tra/ phú Xuân cũng trải, Đồng Nai đã từng”. Cuộc sống mới ở vùng đất mới đầy tiềm năng chưa được khai phá, nay có bàn tay, khối óc của những con người yêu say lao động, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người con xa quê, Nguyễn Hữu Cảnh và cư dân một lòng theo ông đã biến vùng đất vốn xa lạ, hoang vắng, chết chóc trở thành một xứ sở trù phú, cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy, ai ai cũng biết ơn vị Thống suất tài đức: “Nghĩa nhân chủng hằng tâm đắp xây Đại Việt/Ơn biển trời lao khổ xứ Đồng Nai”.
Hai năm sau, triều đình nhà Nguyễn đã phong cho Nguyễn Hữu Cảnh chức Thống binh và cử bình định biên cương. Ông đã thành công không phải bằng những trận quyết chiến mà bằng những chính sách ôn hoà và tài thu phục lòng người. Sau cuộc bình định, ngày mồng 05 tháng 9 năm Canh Thìn (tức năm 1700)  Nguyễn Hữu Cảnh đi thuyền trở về Dinh trấn, đến địa phận ngã ba Tiền Giang - Rạch Gầm thì bị bệnh và mất đột ngột. Linh cữu của Nguyễn Hữu Cảnh được đưa về an táng cạnh dinh trấn Biên, thôn Bình Hoành, Cù Lao phố, Đồng Nai. Triều đình và nhân dân xứ phương nam đã rất đau buồn, tiếc thương trước cái chết của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.  Chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban sắc phong truy tặng cho Nguyễn Hữu Cảnh là Hiệp Tán công thần, đặc tấn Chưởng dinh tráng Hoàng hầu, thuỵ là Trung Cần.
    Nhiều tỉnh, thành như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Bình đã lấy tên và chức tước của ông trang trọng đặt cho nhiều tuyến đường, trường học, đuờng phố, khóm, ấp, dòng sông. Một trong những sự kiện nằm trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được tổ chức tại Quảng Bình, đó là vào sáng ngày 03-5-2010, tại khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, trung ương Hội Giáo hội phật giáo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ kỷ niệm 310 năm Ngày mất của Nguyễn Hữu Cảnh.
    Hai hôm sau chúng tôi về Tiền Giang. Nhà thơ Trần Đỗ Liêm cho đi một tua điền giã sông nước sông Tiền. Trần Đỗ Liêm là người Thái Bình, vợ người Nghệ An. Hai ông bà học xong trường Giao thông Vận tải là về Tiền Giang lập nghiệp từ năm 1980 đến nay chẵn ba mươi năm.
  Từ chỗ gần như tay trắng, hai ông bà đã dựng nên một cơ nghiệp khang trang có biệt thự, có ô tô, có tàu thuyền cỡ lớn vận tải, cũng có thể mua được máy bay như Bầu Đức (một doanh nghiệp giàu có hiện nay). Trần Đỗ Liêm hiện là chủ nhiệm hợp tác xã Rạch Gầm. Bản thân ông và hợp tác xã đạt nhiều danh hiệu thời kỳ đổi mới. Hợp tác xã là Anh hùng Lao động, nhận Huân chương Độc lập hạng nhì. Trần Đỗ Liêm là doanh nhân giỏi nhiều năm đoạt cúp vàng… Cái đáng quý nữa mà nhà thơ Vũ Quần Phương nói với tôi là Trần Đỗ Liêm đã đỡ đầu cho phong trào văn nghệ tỉnh Tiền Giang, giúp một phần tài chính cho các hội, các câu lạc bộ hoạt động từ ba mươi năm nay.
  Trong dịp đi thăm sông nước Tiền Giàng, anh Liêm dẫn chúng tôi đi thăm nhà bảo tàng Rạch Gầm - Xoài Mút. Anh giả thích cho chúng tôi biết gốc tích từ Rạch Gầm và Xoài Mút là từ địa phương. Đoạn trung độ sông Tiền có nhiều rạch ngầm nên bà con gọi tiếng địa phương là gầm. Còn vùng đất trên bờ có nhiều xoài giống quả nhỏ chỉ mút mà không cắn được nên gọi là xoàì mút. Tên Rạch Gầm và Xoài Mút có đến hôm nay là như vậy. Rạch Gầm – Xoài Mút nổi tiếng là nhờ chiến công hiển hách của Quang Trung Nguyễn Huệ mà người dân Việt nào lại không biết.
  Nhà bảo tàng Rạch Gầm – Xoài Mút đã sưu tầm bảo tồn nhiều hiện vật vố cũng quý giá như súng thần công, gươm giáo thường dùng của quân Tây Sơn, neo thuyền, vỏ chiến thuyền và cả gươm giáo của quân Xiêm.
 Chiến công quân Tây Sơn thể hiện trong một trường ca vô danh ca ngợi quân sỹ do Bắc Bình Vương tài ba cầm quân: 
 “…Đêm tối mực mắt căng chẳng thấy
Chiến thuyền Xiêm lọt bẫy Tây Sơn
Khóa đuôi một trận sống còn
Lòng sông thu hẹp pháo giòn nổ tan
Chiến thuyền lớn bia ăn đạn lửa
Đội đục thuyền phá vỡ nước tràn
Thuyền chìm lửa cháy kinh hoàng
Quân Xiêm thây chết ngập tràn nước sông
Quân khinh bộ Lục Côn hợp tiến
Đại pháo rền thuỷ chiến lâm nguy
Tây Sơn hỏa hổ tức thì
Chặn đuôi, thọc giữa trận bày đã giăng…”
      Giữa năm 1784, với ý đồ thôn tính vùng đất Gia Định, vua Xiêm Chakri I, lợi dụng sự cầu viện của Nguyễn Ánh, đã cử hai tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân và 300 thuyền chiến, chia làm hai đạo thủy-bộ cùng tiến sang xâm lược. Đạo quân thủy gồm 2 vạn và 300 thuyền chiến vượt biển đổ bộ lên Rạch Giá (Kiên Giang); đạo quân bộ gồm 3 vạn tiến qua nước Chân Lạp, nhằm thực hiện việc hội quân ở Trấn Giang (Cần Thơ) để sau đó tiến đánh thành Gia Định. Nguyễn Ánh và quân bản bộ cũng theo gót quân giặc trở về. Quân Xiêm đi đến đâu là đốt phá, cướp của, giết người đến đó, gây nên nhiều tội ác.
        Trước tình hình đó, tướng Tây Sơn ở Gia Định là Trương Văn Đa vừa tổ chức chiến đấu nhằm thăm dò và tiêu hao sinh lực của địch, vừa rút lui từng bước để bảo toàn lực lượng, giữ vững thành Mỹ Tho và thành Gia Định.
Tại Quy Nhơn, bộ chỉ huy quân Tây Sơn theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân Xiêm và tích cực chuẩn bị lực lượng để quét sạch bọn xâm lược. Nguyễn Huệ nhận lãnh trách nhiệm tổ chức cuộc phản công chiến lược này.
Cuối năm 1784, quân Xiêm tiến đến sông Tiền, đóng quân từ rạch Trà Lọt (Cái Bè) đến rạch Trà Tân (Cai Lậy), chuẩn bị tấn công Mỹ Tho.
Cũng vào thời điểm này, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy, vượt biển tiến vào Mỹ Tho. Sau khi xem xét tình hình quân địch và địa bàn sông nước, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ Rạch Gầm đến rạch Xoài Mút làm trận địa quyết chiến với quân Xiêm. Đoạn sông này dài khoảng 7km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cối um tùm, cách Mỹ Tho khoảng 12km. Nguyễn Huệ đã cho bố trí một trận địa mai phục lớn ở tại đây. Thủy quân được giấu trong các con rạch. Bộ binh và pháo binh được bố trí trên bờ và ở cù lao giữa sông.
     Đêm ngày 18 rạng ngày 19 tháng 1 năm 1785 (tức đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng Chạp năm Giáp Thìn), nhân lúc nước thủy triều lên, Nguyễn Huệ cho chiến thuyền tấn công khiêu khích quân địch. Sau một hồi chiến đấu, chiến thuyền Tây Sơn giả vờ thua bỏ chạy. Hai tướng giặc huy động toàn bộ lực lượng đuổi theo và lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn. Sau đợt công kích phủ đầu bằng pháo binh, quân thủy - bộ Tây Sơn đồng loạt xông ra, chia cắt đội hình của quân địch và tấn công. Quân Xiêm hoàn toàn bị rối loạn, không còn khả năng chống trả. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh chìm. Quân Xiêm bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn một số ít thoát được theo đường bộ trốn chạy về nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Nam bộ, trong đó có nhân dân Tiền Giang, cùng với quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo tài ba của Nguyễn Huệ đã đánh bại sự xâm lược hung hãn của bọn phong kiến Xiêm, giữ vững nền độc lập dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ thành quả khai hoang của nhân dân Nam bộ.
       Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút đánh dấu một bước ngoặt cơ bản, một sự chuyển biến về chất của phong trào nông dân Tây Sơn: từ cuộc đấu tranh giai cấp, phong trào đã nhận lãnh sứ mệnh lịch sử vẻ vang là đi đầu trong cuộc đấu tranh dân tộc. Chính điều này đã làm cho uy tín của phong trào Tây Sơn ngày càng được nâng cao trong nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào và nhân dân Bắc Hà đánh bại cuộc xâm lược của ngót 30 vạn quân Thanh vào năm 1789.
          Cuối năm Mậu Thân (1788), nhân dân Thăng Long và Bắc Hà phải chịu đựng những ngày tháng đau thương, tủi nhục vì nạn ngoại xâm. Lợi dụng sự cầu cứu của Lê Chiêu Thống, 290 nghìn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị thống lãnh, đã tràn vào chiếm đóng kinh thành và kiểm soát phần lớn đất Bắc Hà. Quân đồn trú Tây Sơn do tướng Ngô Văn Sở chỉ huy, đã theo kế sách mưu trí của tiến sĩ Ngô Thì Nhậm, lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn. Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất chủ quan. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm đóng quân ở Thăng Long để nghỉ ngơi ăn tết và chuẩn bị mọi mặt thật chu đáo rồi sau tết sẽ "tiến vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống Nguyễn Huệ" (Hoàng Lê nhất thống chí). Hắn đóng đại bản doanh ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị và bố trí lực lượng phòng thủ quanh Thăng Long, nhất là hướng đường thiên lý và đường thượng đạo mà quân Tây Sơn có thể bất ngờ tiến công. Trên hai hướng phòng ngự này, đồn Ngọc Hồi và đồn Đống Đa giữ vị trí then chốt.
       Những ngày giáp tết năm đó, nhân dân kinh thành đã chứng kiến biết bao tội ác của quân giặc: ''Kiếm mọi cách vu hãm những người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà, không còn kiêng sợ gì cả"; và sự phản bội hèn mạt của bọn bán nước: ''Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay, chưa bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế" (Hoàng Lê nhất thống chí).
       Nhưng cũng trong thời gian đó, tại Phú Xuân, ngày 24 tháng 11 Mậu Thân (21/12/1788) Quang Trung nhận được tin cấp báo và ngay hôm sau làm lễ xuất quân. Với những phán đoán tình hình và công việc chuẩn bị được trù liệu trước, chỉ trong vòng 35 ngày từ 25/11 đến 30/12 Mậu Thân (22/12/1788 - 25/1/1789), trên đường hành quân và tập kết đại quân ở Tam Điệp, Quang Trung đă hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đại phá quân Thanh. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90 km, mở đầu cuộc đại phá quân Thanh. Sau 5 ngày đêm tiến quân thần tốc, đạo quân chủ lực của Quang Trung đã phá tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng đường thiên lý tiến về Thăng Long. Mờ sáng mùng 5 tết (30/1/1789), đạo quân chủ lực của Quang Trung phối hợp với đạo quân đô đốc Bảo công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi - Đầm Mực.
Cùng lúc đó, đạo quân do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Đống Đa rồi đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.
Sự phối hợp hai trận đánh Ngọc Hồi, Đống Đa làm cho Tôn Sĩ Nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ. Với cả một lực lượng dự bị khá lớn ở tổng hành dinh, nhưng viên chủ soái quân Thanh đành phải tháo chạy trong cảnh hoảng loạn và tan rã. Trên đường tháo chạy, chúng lại bị một cánh quân Tây Sơn khác chặn đánh ở vùng Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang và bị bồi thêm những đòn tổn thất nặng nề.
        Trưa mùng 5 tết, cả 36 phố phường Thăng Long như bừng lên trong ngày hội chiến thắng:
“Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
- Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”.
(Bản dịch thơ của Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời)
    Đại thắng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789 là một trong những vũ công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
        Chiến thắng của quân đội Tây Sơn với quyết tâm và ý chí đánh cho nó ''chích luân bất phản", đánh cho nó ''phiến giáp bất hoàn", đánh cho ''sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Ý chí đó lại được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Và như chúng ta đã biết, trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã cho con em mình gia nhập nghĩa quân, đã tiếp tế lương thực, giúp các phương tiện vượt sông...
Nhân dân các làng xã quanh Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật giấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đền Ngọc Hồi, đă phối hợp làm trận rồng lửa trong trận diệt đồn Đống Đa...
         Chiến thắng này làchiến thắng của nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ. Và còn là chiến thắng của lòng nhân đạo và tinh thần hoà hiếu. Ngay sau khi giải phóng Thăng Long, Quang Trung đã ra lệnh chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và hàng binh quân Thanh, lại sai thu nhặt xác giặc trên các chiến trường chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Bài văn tế biểu thị tấm lòng khoan dung độ lượng của người chiến thắng:
Nay ta: Sai thu nhật xương cốt chôn vùi,
Bảo lập đàn bên sông cúng tế.
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc,
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô,
Hồn các người không vơ vẩn trời Nam,
Hãy lên đường mà quay về nơi hương chỉ
Nay kính ngưỡng ta đây là chủ chan chứa lòng thành.
Mong sao đáp lại đạo trời dạt dào lẽ sống.
        Đi một tuần dọc sông nước Nam Bộ tuy cũng là nhiều nhưng chưa thấm tháp vào đâu. Biết bao danh lam thắng cảnh, biết bao anh hùng hào kiệt mở cõi mà chúng tôi chưa đến bái kiến được. Song chúng tôi cũng hoà chung nỗi niềm tấm lòng mình cùng với những con người trong cõi trời Nam. Ở dâu chúng tôi cũng thấy con dân nước Việt đều hướng về Hà Nội – Thăng Long trái tim của Tổ quốc.
  Có thể nói cái tên Thăng Long – Hà Nội – Hồ Chí Minh tự bao giờ đã trở thành niềm tin yêu hy vọng sự quý trọng của cả dân tộc và bạn bè quốc tế. Nói đến Thăng Long – Hà Nội là nghĩ ngay đến sự tiếp nối mở mang và giữ gìn biên cương, bờ cõi nước Nam của biết bao thế hệ ông cha. Phải nói từ cái tâm, cái tầm nhìn quyết định đời kinh đô Hoa Lư ra làng Cơ Xá ven Hồ Tây để xây dựng thành Thăng Long vào năm 1010 của vua Lý Thái Tổ, nhằm tính kế lâu dài cho con cháu. Cái gien di truyền quý hiếm mang bản sắc Việt Nam tiếp tục được toả sáng ở Lý Thường Kiệt, ở Trần Hưng Đạo, ở Nguyễn Trãi và đến chủ tịch Hồ Chí Minh…cùng rất nhiều người con ưu tú Việt Nam, mà hình ảnh và cuộc đời họ là hình ảnh của cả dân tộc, những bản anh hùng ca bất tử nối tiếp bảo vệ, phát triển Hà Nội – Thăng Long, suốt ngàn năm nay
                                                                               Hà Nội tháng 9 – 2010
                                                                                       Đ - H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét