Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Thiên tình chữ

Thuê xe 16 chỗ
                           
Thiên tình chữ

                    Bút ký của Đỗ Hoàng

       Khi tôi và nhà văn Phạm Thanh Khương từ trên bản Là Si tận cùng đất nước ở trên chót vót cực Bắc Lai Châu về đến đồn Biên phòng Thu Lũm thì cô giáo Đặng Thị Hiệu đã xuống Sơn La trước đó một ngày, cô về để kịp nhập học khoá học đại học, khoa tiểu học của trường đại học Tây Bắc.
    Tôi và anh Khương đều ngùi ngùi cảm thấy như mình có cái lỗi gì đó về việc cô giáo Hiệu không cùng đi theo đoàn về xuôi như đã hẹn.
      Tôi đi vào đi ra sân đồn, tới phòng khách như còn mường tượng hình ảnh cô giáo Hiệu thanh mảnh dịu hiền, ánh mắt mở to có cái nhìn đẹp nhưng phong sương, quyết liệt.
      Vốn chuyện như thế này: Cuối tháng 5 năm 2009 vừa qua, đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương, Phó tổng biên tập báo Biên phòng đi công tác Lai Châu mời tôi đi cùng đoàn. Ba hôm trước đoàn đến được đồn Thu Lũm. Thu Lũm là một đồn nằm sát cửa khẩu Matukhoòng . Bê kia là Vân Nam, Trung Quốc.
     Anh Khương tranh thủ làm việc với cán bộ lãnh đạo đồn để còn đi bản Là Si. Bản Là Si là một bản có tộc người La Hủ duy nhất đang được Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền kết hợp vơi bộ đội Biên phòng cứu vớt.
  Đồng chí Trung tá Nguyễn Tiến Ngọc đồn trưởng giới thiệu cố gái ngồi đối diện với chúng tôi tên là Hiệu, con dâu của Đồn. Đi công tác với Biên phòng nhiều năm, đến nhiều nơi, tôi hiểu ngay là những cô gái có người yêu hoặc có chồng đang công tác tại đồn mới được gọi cái tên thân thiết như vậy.
      Cô nói ngày kia xuống Sơn La nhập học, xin quá giang xe báo Biên phòng. Anh Khương hồ hởi duyệt ngay:
- Em đợi chúng tôi đi Là Si ra là cùng về xuôi. Đi Là Si chỉ hai ngày thôi!.
     Cô Hiệu mừng lắm sáng lên một cách cảm động. Đi công tác miền núi đến những nơi xa xôi như thế này mà có xe xin được đi nhờ là một điều may mắn.Không chỉ cô Hiệu vui mà chúng tôi cũng vui. Trong xe thêm một người bạn đường, nhất là cô giáo thì hay biết mấy.
     Không ngờ chúng tôi đi bản Là Si mất ba ngày. May mà vượt qua các đính núi cao trên 2 000 mét, lội qua qua các con suối trước ngày mưa, nếu không chúng tôi phải nằm lại trên núi ít nhất vài tuần.
  Về đến đồn Thu Lũm, anh em ăn vội bát cơm là lên đường về xuôi, nếu chậm một giờ thì không có cách gì thoát khỏi các con suối nước dữ như thuồng luồng ngăn cản mọi xe pháo.
  Anh em hỏi cô Hiệu đâu rồi thì các đồng chí cán bộ trong đồn Thu Lũm bảo rằng cô Hiệu không đợi được chúng tôi, cô phải về trường để kịp nhập học.
  Không chỉ anh Khương và tôi mà cả mấy anh em trong đoàn báo Biên Phòng cũng xuyến xao, ân hận một cách mơ hồ. Nhưng biết làm thế nào?
 
                                                          *
                                                        *   *
     Cô Hiệu tên đầy đủ là Đặng Thị Hiệu. Hiệu sinh năm 1983, quê ở Thạch Hội, Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh. Bồ mẹ của Hiệu làm ruộng ở quê nhà. Hai người cùng tuổi Bính Thân tức là sinh năm 1956, hiện nay 53 tuổi tây, 54 tuổi ta. Hiệu có một chị hai em. Có một em theo nghề sư phạm như Hiệu,. hiện đang học sư phạm tại Hà Tỉnh.
     Con gái, con trai xứ chúng tôi có việc làm là may, có nơi học là quý, thân cô, thế cô nhờ cậy ai mà kén cá chọn canh, cho nên mặc dầu ở Hà Tỉnh nhưng nghe Quảng Ngãi tuyển sinh sư phạm tiểu học, Đặng Thị Hiệu nộp đơn và được gọi vào học.
      Thời buổi bây giờ có bằng tiến sỹ thật, học ở nước ngoài, không phải bằng mua mà kiếm được một việc làm khá dĩ còn khó huống hồ gì học các trường có thương hiệu khiêm tốn.
  Hiệu cũng phải chật vật lắm khi học và khi ra trường. Ở Phi lip pin, bác sỹ còn phải đi đạp xích lô kiếm sống huống gì là ở nước mình?
  Ra trường, Hiệu bơ vơ như mọi người. Nhiều chàng trai đề đóm, manh múng có tí tiền muốn mua người đẹp. Một chút mềm yếu là thôi rồi lượm ơi! Cô giáo lấy một ông lêu lỏng, vô nghề vô nghiệp là xong phim. Nhưng Hiệu không phải như vậy. Tuy rằng đấu tranh để vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền, đất đai, nhà cửa bây giờ nó khó hơn lên cung trăng.
  Mới 22 tuổi bao mơ ước khát khao, muốn mong cống hiến. Hiệu lên mạng nghe Lai Châu tuyển giáo sinh mới tốt nghiệp lên dạy vùng sâu vùng xa được tuyển vào biên chế, phụ cấp khu vực trăm phần trăm lương, Hiệu nộp đơn đi ngay.
  Bỏ qua bạn bè thôn mạc, bỏ qua người tình sư phạm mộng mơ. bỏ qua những đồng tiền mua gái dễ dãi, cô giáo sinh 22 tuổi chỉ một cải túi du lịch bình dân và vài bộ áo quẩn như đồ  bành dấn thân lên Tây Bắc nghìn trùng để làm việc mà mình say mê.
  Sự ra đi của cô Hiệu như sự ra đi của  của bao thế hệ trước đây thể hiện trong thơ Thâm Tâm:
Người đi ờ nhỉ, người đi thật.
Mẹ già coi như là bằng không
Anh cũng coi như là hạt bụi
Ba năm xa mờ cũng đừng trông!
    Khi tôi gặp cô giáo Hiệu thì cô đã dạy học ở Lai Châu 3 năm chẵn. Cô Hiệu dạy ở trường tiểu học Ka Lăng 2 thuộc xã Ka Lăng, huyện Mường Tè. Độc giả biết không? Từ thị trắn Mường Tè lên Ka Lăng nếu tôi nhớ không nhầm thì đường đi gần 200 km, mà đường độc đạo, toàn là: “Dốc lên khúc khỉu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống!(Quang Dũng)”.
  Cô giáo Đặng Thị Hiệu là một cô gái đẹp, thông minh tầm thước, nhỏ nhắn và đầy nghị lực. Thiếu nữ xứ đàng trong không to béo như phụ nữ thị thành nhưng như người lính, họ rất can trường và có thuỷ, có chung.
  Tôi hỏi Hiệu:
   - Em ở ba năm trong bản sâu, có thanh niên bản đến ngỏ ý yêu em không? Cô Hiệu trả lời thành thực:
  - Không anh ạ. Trai bản họ tôn trọng cô giáo, họ không đến quấy nhiễu.
  Tôi nhớ lại cách đây gần 20 năm nhân chuyến đi công tác Tây Nguyên, xe chúng rôi xuyên suốt cao nguyên Trung phần. Một lần nghỉ lại gần một bản người Ê đê gần Đắc Min ngã ba biên giới, vào nhà một cô giáo ven đường. Mấy đứa con của cô tóc xoăn, da màu đồng đen, ren Ê đê nó mạnh như ren Tây. Đứa nào cũng học bố. Cô giáo tên là Công tằng Tôn nữ Mỹ Loan, quê ở Huế. Cô Loan học sư phạm Quy Nhơn được điều lên Tây Nguyên dạy sau giải phóng miền Nam 1975. Ở trên núi rừng heo hút, cô liêu, không một người con trai nào tới thăm. Đêm đêm chỉ có các chàng trai Ê đê đến hút thuốc và tán chuyện và khi thì cho con chồn, khi thi cho lít mật ong. Rồi mưa, rồi gió, rôi đêm dài như thế kỷ. Và thành con thành cái, thành cái nhà ở luôn trên Tây Nguyên.
  Khi không, trời cũng chiều người. Và cũng cơ may bộ đội Biên phòng kết hợp cùng giáo dục xoá mù cho bà con dân tộc. Trong những đợt đi xoá mù như vậy cô Hiệu lại gặp được người sỹ quan Biên phòng trẻ tuổi làm y sỹ ở đồn Thu Lũm cách chỗ cô Hiệu dạy trên 30 kilômét. Chàng ta lại cùng quê, ở Can Lộc liền phía Bắc Thạch Hà. Thế là chuyến đò nên nghĩa. Họ kết gắn đã hai năm nay. Người yêu của cô Hiệu tên là Nguyễn Xuân Ánh, thiếu uý, y sỹ của đồn Thu Lũm. Ánh là một sỹ quan cao to, đẹp trai. Ra đi vạn dặm gặp được đồng hương, có lẽ cũng hiếm lắm và đáng quý lắm. Đôi tình nhân này cũng có nhiều dự toán để cho cuộc sống nay mai của mình, của con cái tròn đẹp hơn nữa!
  Mối tình của cô giáo Đặng Thị Hiệu và  Nguyễn Xuân Ánh cũng đẹp như mối tình của cô giáo Vừ Thị Mỹ và Vàng Dỹ Xuấn  ở xã Lững Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang.
  Cô Vừ Thị Mỹ người Mông sinh năm 1981 học sư phạm Hà Giang ở bên Mèo Vạc sang dạy học ở Lũng Cú từ năm 2006. Cô được tăng cường cắm bản, dạy ở xóm Sẻo Lũng. Một xóm cực bắc tột cùng của Tổ quốc. Ở đây cô đã bén duyên nên vợ, nên chồng với anh Vàng Dỹ Xuấn người Lô Lô, bộ đội Biên Phòng tỉnh Hà Giang. Anh Xuấn hiện được tăng cường làm cán bộ cốt cán cho xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Hai vợ chồng đã sinh được một con, làm được nhà, mua xe máy, có cuộc sống ổn định.

  Đây là một thông số rất hay mà sau này các nhà tâm lý, các nhà xã hội học sẽ nghiên cứu dài dài. Tôi đi rất nhiều với bộ đội Biên phòng, bộ đội Hải quân, họ là những người đứng canh giữ biển, trời cho Tổ quốc, có thể là hình tượng trong văn học mà các thế hệ học trò nào chả học. Cái hay nhất là tỷ lệ bộ đội lấy vợ giáo viên là nhiều nhất. Có thể là bộ đội gian khổ nhất, cô giáo là người thương cảm nhất và nhìn theo góc nhìn kinh tế hiện đại là đều thanh bần nên dễ đồng cảm với nhau. Hai trái tim, hai tâm hồn cùng một nhịp đập. Có thể kể vài dẫn chứng cho thú vị: Đại tưởng Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội ta Võ Nguyên Giáp có vợ là giáo sư Đặng Thị Hà. Tôi nhớ có lần năm 1982, lúc cụ Giáp thôi giữ các chức trọng yếu chỉ là Phó thủ tướng, cụ vào thăm tỉnh Bình Trị Thiên, trên đường ra Lệ Thuỷ thăm quê, đoàn cán bộ cấp cao Chính phủ nghỉ ở Dốc Sỏi - Lệ Thuỷ, cô Hà nói chuyện nhân tình thế thái về các mệnh phụ đi buôn, cô đọc câu Kiếu mà đến giờ tôi vẫn nhớ: Bọn ấy thì “ Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê”!
  Sau đó là Trung tướng Hồng Cư, Trung tướng Hồng Sơn đều  có vợ là cô giáo. Đến hôm nay anh Nguyễn Thành Hải, đảo trưởng Trường Sa lớn người Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh, Quảng Trị cũng có vợ là cô giáo dang dạy học tại quê nhà. Và rất nhiều nhiều cán bộ chiến sỹ khác có vợ là cô giáo. Nhìn lại Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương và tôi đây đều cũng có vợ là cô giáo.
 Là đấng nam nhi, tôi là người phiêu bồng trong cõi nhân gian này không phải ít. Thế mà mỗi lần găp  các cô gái dấn thân trong đời thực để mưu sinh, để tồn tại, tôi  trăm phần cảm phục.
“ Anh mới giang hồ, giang hồ vặt/ Nghiệp chướng hình như vẫn hãy còn/ Em đã giang hồ, giang hồ thật/ Thân gái phiêu bồng dặm núi non!”
  Cô Hiệu kể cho chúng tôi nghe: “Cô đang dạy từ lớp một đến lớp năm. Lớp cô có 8 học sinh.
  Tôi là người từng đi dạy học mà dạy trước ngày cô Hiệu sinh là 15 năm. Tôi lại dạy người Kinh, dạy cán bộ cỡ giám đốc nông trường, sỹ quan quân đội, cán bộ quản lý cấp phòng của huyện thuở thế kỷ trước mà rồi chữ thấy trả lại cho thầy. Huống hồ gì cô Hiệu dạy người Dao, người Hà Nhi, người Mãng, người Mèo… sau đó là người La Hủ - chỉ bắt chuột đào giun ăn sống, không thiết ăn gạo Chính phủ, không có chữ thì học chữ mà làm gì? - Một tốp người đang diệt vong.
  Ấy thế mà cô Hiệu có thành tích đấy. Cụ Nguyễn Văn Huyên thời khai sáng, bác Trần Hống Quân, bác Nguyễn Minh Hiền, đến nay Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân phải nêu gương!
  Ở trên cái đồi Ka Long mùa đông thì rét lạnh buốt, gió bấc cắt thịt, mùa hè thì nóng hơn cả cát rang lửa như sa mạc Sahara, cô Hiệu cùng nhiều cô giáo khác đã vì mưu sinh làm tròn bổn phận của mình, dạy các cháu xoá mù. đều đặn năm nào cũng vận động các em đến lớp.
- Làm sao mà vận động các em bé người dân tộc đến lớp được? – Tôi hỏi.
Cô Hiệu nhỏ nhẹ trả lời:
- Xã Kă Lăng đa phần là bà con dân tộc Hà Nhì. Từ lâu ở đây là xã trắng về giáo dục. Con trai, con gái biết rất ít chữ phổ thông. Chúng em dựa vào Đoàn thanh niên, Phụ nữ xã, dựa vào bộ đội Biên phồng nên mới vận động các em tới lớp. Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt mọi mặt trên dãi đất biên cương này.
   - Em Lì Chú Pừ con trai học lớp 4 sinh năm 1998 là học sinh giỏi liên tục nhiều năm được Phòng giáo dục Mường Tè khen thưởng. Em làm toán viét văn rất thông thạo. Em Lì Chừ Pha con gái học lớp 4 cũng là học sinh giỏi nhiều năm  giống như em Pừ.
  Cách đây hơn 40 năm, khoảng năm 1965, 1966 ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình có em Hồ Văn Chạc học sinh lớp 4, dân tộc người Vân Kiều đi thi học giỏi toán của huyện đã đạt giải nhất. Đó là câu chuyện có thật mà tôi đã viết ra thiên truyện ngắn sau đó tập chí Văn nghệ Bình Trị Thiên in sửa lại (CHẠC) “Điều thú vị bất ngờ” để ca ngợi các thầy cô lên rừng cắm bản, cùng ăn cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc, dìu dắt dạy chữ cho họ.
   Ở dưới xuôi trẻ lớp một đã đọc thông viết thạo là chuyện bình thường, nhưng trên rẻo cao này học lớp 4 mà biết nói viết đúng làm toán bằng chữ chữ phổ thông là quý lắm rồi. Bà con dân tộc nhiều người mù chữ, mù tiếng phổ thông lắm.
  Đoàn bà con dân tộc Hà Nhì ở bản Ló Na giúp bộ đội vận chuyển hàng lên bản Là Si  hôm trước có tôi và anh Khương cùng đi gồm 8 người : 4 chị trung nữ Lì Zố Sừ, Lò Lâu De, Lì Xứ Số, Lì Phu Ze, hai thiếu nữ độ 17, 18 tưổi Chư Hà Pứ , Mạ Pì Ca, và chàng trai 17 tuổi là Sừng Pò Nu. Tất cả đều mù chữ. Biết tiếng phổ thông rất ít, phải nhờ thiếu uý Lì Mù Chư đmn Thu Lũm phiên dịch chúng tôi với chuyện được với đồng bào. Hỏi ra các bản dân tộc trên rẻo cao này mới có trường học vài năm nay!
    Học và dạy trên này không dễ chút nào. Học được cái chữ trên rẻo cao này cũng khó như đem cân gạo, cân muối lên cho bà con. Thế mà cô giáo Đặng Thị Hiệu đã bám trụ trên non cùng suối tận này đã ba năm. Không chỉ dạy tốt, cô Hiệu còn làm công tác vận động quần chúng là bà con dân tộc Hà Nhi, Mông… ở Ka Lăng tham gia các phong trào xã hội khác như: vệ sinh làng bản, chống ma tuý, sinh đẻ có kế hoạch, bảo vệ biên giới…
 
  Trước đây khoảng bảy tám năm trên Ka Lăng chưa có đường ô tô nên giao thông giữa bản này và khác là vô cùng khó khăn. Nay có đường ô tô do công ty Trường Thọ thi công đã nối được với các bản xa xôi, heo hút. Các cô thầy giáo cắm bản đã bám được vào dân. Đã phần nào xoá mù cho trẻ con và người lớn.
  Cô Hiệu cho biết thêm: - Cạnh xã Ka Lăng có hai  bản Hà Si, Hà Nê là bản của đông bào tộc người La Hủ vừa được cứu vớt năm ngoái đã mở được một lớp học. Người lớn trẻ con cùng học chúng lớp một, buổi đầu đã nói được tiếng phổ thông, hát được bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”
   Bên cạnh công tác chuyên môn, xã hội, cô Hiệu cũng chăm lo ôn tập, tự học thêm kiến thức và cô đã thi đỗ vào trường đại học Tây Bắc hệ tại chức, học khoa tiểu học. Thật là một cố gắng vượt bậc. Và chỉ những người có ý chí, nghị lực mới làm được. Có bao nhiêu người thậm chí cả đấng nam nhi vì xa xôi heo hút, vì buồn nản họ để thời gian trôi dài theo tháng năm. Đến một lúc đủ năm công tác, thâm niên vùng miền họ xin chuyển vùng hoặc về lại bổn quán. Họ rơi vào lặng im như những chiếc lá vàng trong thăm thắm đại ngàn lặng theo dòng suối, mất hút vào mù sương.
   Cô giáo Đặng Thị Hiệu đã biết vượt lên chính mình.
  Mấy hôm chuẩn bị nhập trường, cô Hiệu từ Ka Lang vượt núi đèo qua Thu Lũm tranh thủ gặp người yêu. Là vì “con dâu” của đồn nên Hiệu được tất cả anh em từ chỉ huy đến chiến sỹ chăm lo tận tình, chu đáo. Như các chiến sỹ biên phòng Hiệu cũng coi đồn là nhà, biên giới là quê hương.
 
      Xe đoàn báo Biên phòng may mắn vượt qua các con suối hung dữ trước khi mưa lũ đổ về.Trên đường đi đã thấy xe làm đường của công ty Trường Thọ rậm rịch rút quân, tránh mùa mưa Tây Bắc.
      Đang kỳ nghỉ hè nên chúng tôi cũng thấy nhiều thầy cô gói gắm chồng vợ  hoặc người yêu một xe máy xuống đường về quê. Thiếu tá Nguyễn Văn Hoà, cán bộ chính sách của bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu nguyên chính trị viên đồn Thu Lũm kể rằng: “Ngày trước chưa có đường ô tô vào bản, đi từ thị trấn Mường Tè, cầu La Hà lên cửa khẩu Ma tu khoòng – Thu Lũm phải đi mất gần nửa tháng. Mới biết, hồi ấy thầy cô giáo, bộ đội đi lại vất vả, chịu hy sinh biết nhường nào.
  Gần chiều xe chúng tôi đã tới chân cầu Lai Hà. Từ cầu Lai Hà theo hướng đông rẽ về bên phải là đến Mường Lay. Từ Mường Lay đi Điện Biên rồi xuống Sơn La.
  Anh Khương thảng thốt nói:
 - Cô giáo Hiệu chỉ xin đi nhờ đến cầu Lai Hà thôi. Từ đây phải bắt xe khách đi Sơn La.
 - Như vậy đến trường đại học Tây Bắc còn xa lắm – Tôi nói thêm.
  Các anh người bản địa đều nói là về Sơn La còn gấp đôi đường chúng ta vừa đi.
  Tôi chợt nhớ lại bài thơ mình làm từ cái thưở mới ra trường:
“Thầy miệt xuôi / Lên miệt núi/  Đi qua trăm ngọn đèo/ Đi qua trăm ngọn núi/  Đến bản làng học chữ bản làng thêm…/ Muốn làm thầy giáo giỏi trên nương/ Phải biết làm trò học chữ!”
  Chuyện cô giáo Hiệu cũng là một Thiên tình chữ thời nay!

                                                 Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2009.
                                                                  Đ – H


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét