Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

VÔ LỐI NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

 VÔ LỐI NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

 

Đỗ Hoàng
 
 Bước vào ngôi đền văn chương, như bao người làm thơ khác,  trong sáng tác thơ Nguyễn Bình Phương buổi đầu cũng bắt đàu từ các thể thơ truyền thống. Những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình Phương tuy chưa phải nổi trội nhưng còn đọc được:
 
“Bóng chiều đổ xuống đường ray,
Biết là thương nhớ từ nay sẽ nhiều”
( Lãng mạn)
 
…U uất những khoảng vắng trên đồng
Mưa phùn bay giấc mơ màu ngọc
Mình nghĩ mãi về đốm sáng lạ lùng
Cuộc chia tay dài không dám nhắc
 
Ồ những đêm này gối chăn thật rộng
Đời mênh mông hay ta mênh mông hơn
Ai biết được cuối thu có người còn thèm ngủ
Gót sen hồng sang nở giữa trời đông…
(Tháng 11)
Nhưng rồi Nguyễn Bình Phương không bằng lòng với hình thức thơ cũ, tác giả quyết tâm vứt bỏ, đoạn tuyệt hẳn các hình thức có sẵn và cũng đoạn tuyệt hẳn cách cảm, cách nghĩ truyền thống của dân tộc. Rất nhiều bài triệt tiêu trăm phần trăm vần điệu, ý nghĩ tăm tối trở thành loại Vô lối đang thịnh hành. (Vô lối – Xem Nhận dạng Vô lối – vannghecuocsong.com):
 
Ngó vệt nắng trong veo chốn cũ
Gặp rất nhiều dáng ngẩn ngơ rơi
 
Vết nứt trên thân rơm rớm nói
Thay lời uẩn khúc kẻ xa nhà
 
Người và nỗi sợ rơi với lá
Ngộ ra gai góc cũng xuôi rồi
(Những rơi và rơi…)
 
  Sau khi triệt tiêu vần điệu, tác giả lập ngôn những cách nói đố ai mà hiểu tác giả nói gì:
 
Này mình
Thế nào là thinh lặng?
 
- Ở nơi mất nắng
Mất tất cả oán hờn
Những ngọn cỏ đen tuyền
Tỏa ánh sáng vào ta
(Mình ta trước gương)
 
  Khi một vài nhóm tự xưng là hậu hiện đại, là ngọn cờ cách tân thơ Việt, Nguyễn Bình Phương càng sa đà vào viết tắc tỵ, dài dòng văn tự, nhạt nhẽo, đánh đố không cần người hiểu. Những người viết như thế này có quan niệm thật là lạ lùng: Là thơ họ văn họ không cần ai hiểu, không cần người đọc, chỉ mình họ hiểu là được rồi. Và họ không hiểu nữa mới là đắc địa (!)
 
…Chênh vênh đậu trên mào gà đỏ
Mình hồ nghi bao nhiêu tháng Bảy
Sét không đánh vào trán tuổi thơ
Cây cổ thụ ngạo nghễ cháy
 
- Vĩnh biệt vĩnh biệt niềm đam mê chân mây
Anh chỉ là chiếc áo ngủ điêu tàn
 
- Tôi ngắt vật gì rất trắng
Giếng nước một ánh nhìn đen...
(Vọng từ giá sách)
Hay:
 .và con đò trôi lang thang vất vưởng trên bầu trời khói trắng toả bay ngơ ngất
đò ơ đò ơ đò
Tôi là người chèo đò con đò của tôi kết bằng những giấc mơ dát bạc lấy từ một ngày duy nhất trong năm khi đó em còn ở đâu mơ hồ lắm  Tôi là người chèo đò người chèo đò hình hài mỏng mảnh chạm vào là tan biến nhưng không bao giờ lạc lõng trong mùa hạ   Ai muốn sang phố an toàn hãy lên đò tôi tiền công chỉ trả bằng một nụ cười bảng lảng  Đường Nguyễn Du mơ màng khói sương tôi sẽ cố gắng làm sao không để lạc   Hãy lên đò tôi hãy lên cho kịp chuyến  
này người đàn ông chán nản anh đang nghĩ gì mà không gian xung quanh luôn tàn héo  
tôi nghĩ về con đò của anh hình như nó nặng hơn sự thật hàng ngày mỗi chúng ta mang vác  
còn chị tại sao chị lại để những cơn mưa chết dịu dàng đến thế
có một người bỏ đi làm tôi buồn

(Nguyễn Bình Phương)
Và:
Chết làm ngôi sao đen
Nằm trên giường bình nhiên bí ẩn

Chết không thở cùng hoa
Thở cùng người đàn bà xa lạ

ở trong khu rừng ma
Có những con hươu ma

Chết nở một nụ cười sáng nhẹ
Chẳng vĩnh biệt em chẳng tiễn biệt ai 

 
Từ tốn mơ màng
Bông cải cúc ra đi

(Nhẹ)
   Khi quan niệm “Thơ khó” nảy sinh, bao nhiêu người làm thơ cho thật khó hiểu và không hiểu mới gọi là thơ cao siêu. Người đọc không hiểu thơ họ là những người tri thức thấp kém, trí tuệ non yếu, theo đánh giá những người viết ra loại trên. Thật ra tất cả những thiên tài đều viết những điều chân lý cao cả bằng nhưng điều giản dị. Chỉ có những kẻ trí tuệ thấp kém, học vấn tầm thường, lịch duyệt sơ sài thì mới tung hỏa mù để cố cho mọi người không hiểu mình. Mọi người càng không hiểu, không nhận ra, họ càng thiên tài . Một nghịch lý là đòi hỏi người đọc có tri thức lớn, vốn sống phong phú thì mới hiểu thơ họ. Trong khi đó, người viết ra những tác phẩm hủ nút ấy văn hóa không có gì là cao, thậm chí rất thấp kém nữa. Thật chi là phi lý! (Xem thêm “Vì sao tôi dịch thơ Việt ra thơ Việt “– Tạp chí Nhà văn 2007)
   Chính Nguyễn Bình Phương không hiểu cách tân (làm mới) nên đã chối bỏ không phát huy được tinh hoa thơ ca của dân tộc và của nhân loại nên mới đưa ra những ấn phẩm phi thơ ca như vậy. Với quan điểm cá nhân tôi, đó là một thật bại hoàn toàn!
 Hà Nội, ngày 4 – 11 – 2012
   Đ - H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét