Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Thư Triệu Lam Châu gửi Đỗ Hoàng

 


Thư nhà thơ Triệu Lam Châu gửi Đỗ Hoàng

Tuy Hoà, đêm 21 tháng 1 năm 2012
Thân mến gửi: Nhà thơ Đỗ Hoàng
  Hơn một năm trước tôi có đọc bài dịch thơ Việt ra thơ Việt của anh đăng trên Tạp chí Nhà văn, thời anh Nguyễn Trác làm tổng biên tập. Tôi rất tâm đắc với việc làm của anh. Anh là một người anh hùng trên mặt trận giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mình như Bác Hồ đã dạy năm nào.
   Hiện nay chắc nhiều người bất bình với kiểu thơ Vô lối (như anh đã đặt tên thật đúng), nhưng chắc người ta ngại mình bị chụp mũ là cổ hủ lạc hậu, không chịu hội nhập thế giới, không chịu cách tân… nên họ im lặng. Riêng anh thì không ngại điều ấy và đã dịch lại những bài thơ vô lối, thành thơ lục bát trong sáng, chinh phục lòng người. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.
   Anh là một người có trình độ thi ca, có tâm với sự phát triển trong sáng của nền thơ ca nước nhà.
   Anh dịch lại thơ Đỗ Doãn Phương và Mai Văn Phấn vừa qua, đồng thời có thêm lời nhận xét rất xác đáng. Xin chúc mừng anh. Cầu chúc cho anh tiếp tục tấn công có hiệu quả vào loại thơ Vô lối đang làm hỏng, làm bẩn thỉu ngôn ngữ thơ trong sáng và thần diệu của cha ông chúng ta từ ngàn xưa.
   Nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp. Nền thơ đang xuống cấp cũng bởi tại loại thơ vô lối này. Chính vì thế quần chúng yêu thơ đang quay lưng lại với thơ (chủ yếu là đối với thơ vô lối). Còn loại thơ giản dị, trong sáng và cảm động, như bài Bước đường cùng đó sao của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, đăng trên lethieunhon.com mới đây, nói về anh nông dân Đoàn Văn Vươn bị cướp đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng – thì quần chúng yêu thơ rất trân trọng và tán thưởng. Bởi nhà thơ đã phản ánh đúng những vấn đề bức xúc và nóng bỏng của tâm hồn người dân hiện nay, bằng một hình thức thơ trong sáng, giản dị và cảm động.
  Tôi nghĩ: Lời dạy của cụ Hồ Chí Minh đối với văn nghệ sĩ, không bao giờ cũ: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết như thế nào?
   Loại thơ vô lối, chỉ viết cho cá nhân tác giả (đâu có viết cho nhân dân). Họ làm thơ không phải để hiểu. Do đó người đọc không hiểu họ nói gì. Người đọc quay lưng lại với thơ vô lối. Còn họ viết như thế nào, thì chúng ta rõ rồi…viết tắc tị như đánh đố người đọc vậy.
  Dẫu một số người cổ vũ cho loại thơ vô lối ấy, nhưng rồi quần chúng yêu thơ chân chính đã thải loại nó vào đống rác lâu rồi. Rất may là thơ vô lối chưa bén mảng vào sách giáo khoa… may lắm thay!
 Xin chúc nhà thơ sức khoẻ, bình an và bền chí đấu tranh thắng lợi với thơ vô lối.
Bạn thơ Triệu lam Châu
Thư điện tử:  trieulamchau@gmail.com

 

http://vannghecuocsong.com/uploads/news/2012_02/a-chau-trieu-1.jpg

Trieulamchau Caobang 

CẢM PHỤC NHÀ THƠ ĐỖ HOÀNG

Loại thơ vô lối đang hoành hành (Lời của Nhà thơ Đỗ Hoàng). Là một người yêu thơ chân chính, Triệu Lam Châu tôi rất buồn khi cả một guồng chính thống Văn học - thơ ca của nước nhà (Bao gồm Đài phát thanh – Truyền hình quốc gia, Các toàn soạn Báo Nhân dân – Quân đội nhân – Công an nhân dân – Các Báo và Tạp chí Văn nghệ từ trung ương tới địa phương…) mà không có một ai hay Báo hay Đài nào lên tiếng bảo vệ quyết liệt Sự trong sáng của thi ca Việt Nam ngàn năm thiêng liêng. Chỉ có mỗi cá nhân Nhà thơ Đỗ Hoàng lên tiếng MỘT CÁCH CƯỜNG TRÁNG VÀ HÙNG VĨ VÔ SONG VỚI KIẾN THỨC UYÊN BÁC CỦA MÌNH dịch thơ Việt ra thơ Việt.
Trong các nền thi ca của nhân loại từ trước tới nay, có lẽ Nhà thơ Đỗ Hoàng là người đầu tiên phát kiến ra một kiểu dịch độc đáo nhất: Dịch thơ tiếng mẹ đẻ ra tiếng mẹ đẻ!
Tôi nghĩ đấy là một nỗi đau, có lẽ cũng thuộc loại đau nhất thế giới trong lĩnh vực sáng tạo thi ca!
Tôi xin khẳng định rằng: Lịch sử thi ca nước nhà mai sau sẽ ghi công Nhà thơ Đỗ Hoàng là MỘT ANH HÙNG ƯU TÚ NHẤT trong sự nghiệp bảo vệ sự trong sáng của nền thơ Việt Nam ngàn năm thiêng liêng!
Kính chúc Nhà thơ Đỗ Hoàng mạnh khoẻ và tiếp tục thành công trong sự nghiệp quang vinh có một không hai của mình trên thế gian này! (6/12/2015)
  Nhà thơ Triệu Lam Châu

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét