Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

Đỗ Hoàng - Tam mẫu, Tam gái, Tam xin....

 


TAM MẪU

Đỗ Hoàng

          MẸ ĂN XIN

 

Gạo nhà Mẹ hết lâu rồi,

Mẹ ăn xác sắn ngùi ngùi cho con.(1)

 

Mẹ ơi nhận lấy vài lon,

Ngày mai đơn vị con còn đi xa.

 

Mẹ nhìn lòng nghẹn mắt nhoà.

Rét run tay gậy thân già hụt hơi

 

Xiêu xiêu bóng Mẹ xa rồi

Thóp thoi chiếc lá vàng rơi giữa chiều!

 

                   3 -1972

(1) Bã sắn – Tiếng miền Trung.

 

 

                 ĐỖ HOÀNG  

 

   MẸ BÁN THAN

 

 

Một túp lều, một thúng than,

Mẹ ngồi giữa chợ hàng hàng mưa rơi.

Đầy bên sông, khách tới lui,

Có ai hỏi mẹ một lời nào đâu!

 

Đói nghèo rách rưới bấy lâu,

Cả đời mẹ chỉ một màu than đen.

Áo quần mảnh vá lấm lem,

Bụi than năm tháng dày lên mấy phần.

 

Trời đông hơi giá xuống dần,

Gió reo xao xác tấm tranh bên lều.

Mưa may lạnh lẽo tới nhiều.

Thân già còm cõi giữa chiều xác xơ.

 

Mẹ ngồi ôm ngực mẹ ho,

Tấm thân gầy guộc co ro héo mòn.

Mỗi ngày mẹ mỗi cõi còm.

Mỗi ngày phiên chợ lại tàn mẹ ơi!

 

Giêng hai rét mướt lâu rồi,

Mà sao mẹ vẫn nón tơi xạc xài?

Mẹ buồn, mắt mẹ nào vui!

Trọn đời khổ cực ngậm ngùi xót xa.

 

Bây chừ đàn cháu ở nhà,

Cơm khoai không đủ mơ quà mẹ mua.

Bấy chừ gạo chợ lại thua (1)

Người bán than để ế thừa vì than!

 

Hàm răng cầm cập run run,

Giữ dòng mưa lạnh rưng rưng lại về.

Có than ngồi giữa chợ quê,

Mẹ già sao rét tái tê thế này?

 

       Tiểu đoàn 3 ngày 29 - 11 - 1973

   

MẸ TỪ CHIẾN TRANH

 

 

Có hơn trăm mảnh vá.

Trên tấm áo trơ sườn.

Sau lưng mẹ đầy gió,

Giần giất rung từng cơn!

 

Đường quê thất thểu bước,

Buổi chợ hôm úa tàn.

Những tấm thân chẫu chuộc

Bên khung trời phơi xương!

 

Còn bao nhiêu bà mẹ?

Giữa chợ quê gió tràn.

Hàng triệu người đói khổ.

Sinh ra từ chiến tranh!

 

            24 – 12 – 1973

 

Đỗ Hoàng

 

TAM GÁI

 

  LÍNH GÁI

 

              *

 

Tín tri  sinh nam ác

Sinh nữ do đắc giá bỉ lân

(Sinh con gái hơn con trai

Sinh con gái gả chồng gần

Sinh con trai phải vùi thân chiến trường)

 Binh xa hành - Đỗ Phủ - Đỗ Hoàng dịch

           

                 **

Giá nữ dữ chinh phu

Bất như khí lộ bàng

(Con gái gả cho linh

Như đem bó bên đường)

 Tân hôn biệt -  Đỗ Phủ - Đỗ Hoàng dịch

 

Đường trống trải mai này lạnh thế.

Rét tê người như thể châm kim.

Tần ngần tôi đứng lặng nhìn,

Một đoàn bộ đội chúng mình hành quân.

 

Đoàn lính gái áo quần còn mới

Lứa lính này đưa tới miền trong.

Họ không hề bị đeo gông,

Mà sao ánh mắt mênh mông nỗi buồn!

 

Bước gấp lại đầu buôn lạnh vắng,

Nghe chỉ huy sốt sắng truyền lời:

“Rằng quân ta đủ gái trai,

Vào trong giải phóng đất trời tự do!”

 

Bầy lính gái thẽn thò vì lạnh,

Ai xát lòng muối mặn mà đau!

Hiền hiền những ánh mắt nâu,

Lệ rơi thấm đất nỗi sầu nghìn năm.

 

Họ chết lặng cắn răng im tiếng,

Con gái miền quê kiểng biết chi:

"Tâm xà khẩu phật từ bi,

Đen như hắc in những khi láng đường!"

 

Rồi không rõ chán chường hay đói,

Hay đường dài mỏi gối chùn chân?

Từ trong đám lính quân hành

Tiếng khóc xé ruột - thất thanh tang nhà.

 

      

Họ giậm chân, hết la lại thét:

“Vào trong kia nào biết buổi về.

Chao ôi! Da diết nhớ quê!”

Gào than theo gió bốn bề bão dông!

 

Gào khản cổ gió đông chẳng thiết,

Gió vô tình mải miết cứ trôi.

Trên đường hàng vạn trăm người,

Dửng dưng như ánh mặt trời cao xa!

 

Xương trắng phơi nẻo ra tiền tuyến

Mồ gái tơ diều liệng, chồn day!.

Lớp này rồi lớp khác thay,

Màu cờ lau trắng rợn lay sa trường!

 

Lời động viên dễ thường miệng mỏi.

Vẫn trơ trơ con gái lính mình

Giữa trời đông câm nín thinh,

Cùng chung bao nỗi nhục hình có cây!

 

 

                   *

 

Tim tôi cũng tái ngây vì lạnh,

Cùng đường vào cám cảnh ngày xa.

Đoàn con gái lính đi ra.

Bao giờ về lại quê nhà thưở xưa?

 

Và cái chết sẽ chờ mọi lối,

Trên con đường dẫn tới miền trong.

Chiến tranh dai dẳng chưa xong.

Còn bao nhiêu chuyện đau lòng xảy ra!

 

                    21 – 11 – 1973

 

 

OAN HỒN LÍNH GÁI

 

 

Thân lính gái gặp bao  tai ác

Một cõi đời sống thác nào yên

Sống thì gặp buổi đảo điên

Tuổi xuân đem ném vào miền biên cương

 

Thân gái lính muôn đường cơ khổ

Đẩy vào nơi bom đổ, đạn đì

Tàn phai héo úa xuân thì

Sa trường xương trắng còn gì mà mơ!

 

Năm tháng trong buồn bơ sầu thảm

Cả tuổi yêu u ám mây tàn

Hầm hào, địa đạo, súng gang

Da chì, tóc rối vỏ vàng tấm thân!

 

Bao thế hệ tuổi xuân vàng úa

Cảnh gái tơ bao lứa mồ hoang

Tấm thân nào được chu toàn

Xương phơi, thịt nát từng đoàn ra ma!

 

Đời lính gái thật là vô phúc

Đã chết rồi bị đục mồ lên

Làm cho hồn vía không yên

Bơ vơ lạc lỏng cuối miền hư không

 

Dựng xương lên đeo vòng nguyệt quế

Đốt văn khê mà tế vong hồn

Chắc rằng cái lúc đem chôn

Không hòm, không xiểng, không cồn tha ma

                

 

Người ta gióng phèng la ing ỏi

Chẳng qua là vì gói tiền thôi

Mấy ai yêu quí con người

Huống gì ma gái ở nơi suối vàng!

 

Ham một chút bạc vàng bỏ túi

Bày trò này lại xúi trò kia

Phần trăm xin xỏ ăn chia

Đến hài cốt cũng đầm đìa máu xương!

 

Kẻ trong nước cùng đường làm bậy

Người phía ngoài ngửi thấy mùi đồng

Tụng ca âm đức ghi công

Ăn xương, uống máu trên hồn gái ma

 

Cảm lính gái tài hoa bạc mệnh

Sống quay cuồng, chết lạnh tấm thân,

Xương tàn còn bị tranh phần

Sống đau đớn chết vô ngần đớn đau!

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 2012

Đỗ Hoàng

 

THÂN GÁI

 

Thật rồi mà tưởng như không phải

Nghe chuyện bây giờ ngỡ xưa xa

Thúy Kiều vấy bẩn bầy vô lại

Về em kỳ nữ của quê nhà!

 

Đời thì Sở Khanh nhiều hơn rắn

Hệ lụy bao nhiêu kiếp thân Kiều

Trinh nữ làm saomaf tròn trặn

Mỗi bước ma bầy kéo tiểu yêu!

 

Anh mới giang hồ,giang hồ vặt

Nghiệp chướng hình như hãy vẫn còn

Em đã giang hồ, giang hồ thật

Phận mỏng thời gian rủ héo mòn!

 

Tài hoa đã khép giờ oan uổng

Thấm tận lòng sâu đâu chỉ tôi

Từ Hải xa với trong mộng tưởng

Thân gái đùa sao được với đời

 

 

 

 

 

TAM XIN

 

      ANH ĂN XIN

 

 

Anh thẩn thờ trước gió,

Trên trời mấy lạnh trôi.

Cả tiểu đoàn đứng ngó,

Hiểu anh sao bằng tôi!

 

Ruột thừng ai thắt lại?

Nỗi chua chay đói nghèo.

Nghe máu sôi rờn rợn,

Như nợ chồng kiếp theo!

 

Có lẽ rồi ngày mai,

Khi rửa tàn cuộc chiến.

Đời tôi cũng thế thôi.

Như đời anh đang đứng!

 

   Tiểu đoàn 3  tháng 11 – 1973

 

ÔNG ĂN XIN

 

Trên tàu điện Bờ Hồ,  Hà Nội

Các tuyến đi Thụy Khê, Hà Đông, Bạch Mai...

Có một ông ăn xin

Có cái trán cao như trán Lê nin

Không hiểu vì sao ông ăn xin

Đó là điều những người lính vùng quê chúng tôi không sao hiểu nỗi

Và những người cho ông nhiều tiền xu lẻ đi tàu điện nhiều nhất vẫn là những anh bộ đội!

Ngày mai chúng tôi lại vào chiến trường

Vẫn văng văng nghe lời ông kêu cứu:

"Lạy ông, lạy bà cho xin vài hào"

 

Trên các chuyến tàu điện Bờ Hồ,  Hà Nội đi các ngã : Hà Đông, Thuỵ Khê, Bạch Mai....

Có một ông ăn xin

Ông ăn xin có cái trán cao như trán Lê nin!

 

Hà Nội tháng 12 - 1973

 

EM ĂN XIN

 

Trong ga tàu hỏa Bắc Kinh về Nam Ninh buổi ấy

Đường xa đến vài nghìn kilomet

Người đông khủng khiếp

Vẫn không che được bóng những em bé ăn xin!

 

Có em thấp

Có em cao

Có em gây

Tất cả đều như những bé Việt Nam của ta.

 

Nhiều người làm phước cho vài tệ nhỏ

 

Trung Quốc đã có bom nguyên tử, tàu Thần Châu vào ra vũ trụ như tàu hỏa chạy trên mặt đất

Thế mà trẻ thơ hành khất

Vẫn còn!

 

Bắc Kinh tháng 6 năm 2006

Đ - H

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét