Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong

 


Nhạc sĩ Đặng Thế Phong

 Đặng Thế Phong (14 tháng 4 năm 1918 – 2 tháng 8 năm 1942) là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm: "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu".

Đặng Thế Phong sinh ngày 5 tháng 4 năm 1918 tại thành phố Nam Định. Cha anh là Đặng Hiển Thế, Thông phán Sở Trước bạ Nam Định.

 

Tiểu sử của Đặng Thế Phong in trong ấn bản Con thuyền không bến do Nhà xuất bản Tinh Hoa phát hành tại Sài Gòn vào năm 1964:

 

 

Chân dung nhạc sĩ Đặng Thế Phong

Đặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Đặng Hiển Thể, Thông phán Sở Trước bạ thành phố Nam Định, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Cha mất sớm, gia đình thiếu thốn, anh phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. Anh có lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật với tư cách bàng thính viên. Anh vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ bút là Phạm Cao Củng) như truyện bằng tranh Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Đen để lấy tiền ăn học. Mùa xuân năm 1941 anh có đi Sài Gòn rồi Nam Vang. Ở Nam Vang anh có mở một lớp dạy nhạc. Đến mùa thu 1941 anh lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thời Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của anh thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, anh còn là một ca sĩ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên anh hát bài Con thuyền không bến tại Rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da, Hà Nội năm 1940. Đến đầu 1942 thì anh từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng vì bệnh lao, hưởng dương 24 tuổi.

 

Cuộc đời

Vì cha mất sớm, gia cảnh túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure) tại trường trung học Saint Thomas d'Aquin. ông lên Hà Nội vẽ cho một số tờ báo và học với tư cách dự thính tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École supérieure des Beaux-Arts) tới năm 1939. Thời gian ông học ở đây đã để lại một giai thoại. Trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ bức tranh cảnh một thân cây cụt. Giáo sư, họa sĩ người Pháp Tardieu chấm bài, khen ngợi nhưng nói rằng: Em Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được!

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong

Cuộc đời Đặng Thế Phong rất long đong, lận đận. ông phải sống lang bạt và trải qua nhiều nghề. Tháng 2 năm 1941, Đặng Thế Phong lang thang vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Tại Nam Vang, ông có mở một lớp dạy nhạc và đến tháng 8 năm 1941 ông trở lại Hà Nội.

Sự nghiệp âm nhạc của Đặng Thế Phong chỉ có ba nhạc phẩm và đều rất nổi tiếng là: Đêm thu ca khúc viết cho lửa trại của học sinh Hà Nội 1940, Con thuyền không bến hoàn chỉnh tại Nam Vang, trình diễn lần đầu tại rạp Olympia, Hà Nội năm 1941 và Giọt mưa thu 1942. Nhạc phẩm cuối cùng Giọt mưa thu được ông viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Ban đầu bản nhạc mang tên Vạn cổ sầu, nhưng theo ý một vài người bạn, ông đặt lại là Giọt mưa thu cho bớt sầu thảm hơn.

 

Cả ba ca khúc của ông đều viết về mùa thu và hai trong số đó Con thuyền không bến và Giọt mưa thu được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Giọt mưa thu cũng là cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Dương sáng tác bài Tiếc thu nổi tiếng. Nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng bởi Giọt mưa thu khi viết ca khúc đầu tay Ướt mi.

Nhận xét của Phạm Duy, các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam, được tiếp nối xuất sắc bởi Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Theo Doãn Mẫn, Đặng Thế Phong và Lê Thương là hai nhạc sĩ tiền chiến có sáng tác sâu đậm hồn dân tộc nhất: "Đặng Thế Phong là người hết sức tài hoa. anh chơi được rất nhiều nhạc cụ. Anh sáng tác Giọt mưa thu, Con thuyền không bến từ khi còn rất trẻ. Đáng tiếc, anh mất quá sớm. Có thể nói sự ra đi của anh là một tổn thất lớn đối với bạn bè và cho cả những người yêu mến âm nhạc Việt Nam."

Đặng Thế Phong được xem như một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của thời kỳ tiền chiến. Ông mất năm 24 tuổi vì bệnh lao trên một căn gác số 9 phố Hàng Đồng, Nam Định năm 1942.

 

Những sáng tác khác

Theo Phạm Duy thì Đặng Thế Phong có sáng tác một ca khúc nữa là Sáng rừng.

Trong một bài viết của nhạc sĩ Trương Quang Lục thì Đặng Thế Phong có những sáng tác: Con thuyền không bến, Giọt mưa thu, Đêm thu, Sáng trăng, Sáng trong rừng, Sầm sơn...

Báo Tiền phong số ra ngày 11 tháng 1 năm 2006 đăng tư liệu về một nhạc phẩm mới tìm thấy của ông: Gắng bước lên chùa, lời của nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng.

 

Nhạc sĩ Đặng Thế Phong: Một tài năng đoản mệnh

16:30 21/04/2008

Chỉ với ba bài hát "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu", Đặng Thế Phong đã là nhạc sĩ có một không hai gắn liền tên tuổi bất hủ của mình với mùa thu. Xem thế đủ biết không phải cứ đẻ sòn sòn đã là hay. Vấn đề là ở chỗ ít mà tinh, mà để đời.

Văn đàn Việt Nam những năm 1930-1945 đã phải chứng kiến nhà văn Vũ Trọng Phụng ra đi ở tuổi 27 (1939) vì bệnh lao để lại sự tiếc thương vô hạn cho những người yêu thích văn học nước nhà.

 

Năm 1940, chúng ta mất nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử khi ông mới 28 tuổi vì bệnh phong.

 

Trong lĩnh vực âm nhạc, một tài năng khác cũng ra đi ở độ tuổi rất trẻ (24) cũng bởi căn bệnh thuộc hàng tứ chứng nan y như Vũ Trọng Phụng. Đó là Đặng Thế Phong.

 

Cũng như Vũ Trọng Phụng, phải mãi sau này khi làn gió đổi mới đến với đất nước ta thì các nhạc phẩm nổi đình đám một thời của Đặng Thế Phong và các nhạc sĩ tiền chiến khác mới được đánh giá một cách đúng mức trong kho tàng lịch sử âm nhạc Việt Nam mặc dầu từ rất lâu rồi nó đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.

 

Cũng giống như Nguyễn Đình Thi, chỉ với hai bài hát cách mạng "Diệt phát xít" và "Người Hà Nội", ông đã là một nhạc sĩ nổi tiếng bậc cao thủ trong giới nhạc sĩ Việt Nam đương đại.

 

Đặng Thế Phong cũng vậy. Chỉ với ba bài hát "Đêm thu", "Con thuyền không bến" và "Giọt mưa thu", ông đã là nhạc sĩ có một không hai gắn liền tên tuổi bất hủ của mình với mùa thu. Xem thế đủ biết không phải cứ đẻ sòn sòn đã là hay. Vấn đề là ở chỗ ít mà tinh, mà để đời.

 

Đặng Thế Phong là vậy đó.

 

Sinh ra trong một gia đình công chức ở thành Nam nhưng không may mắn. Cha mất sớm buộc Đặng Thế Phong phải sớm tìm con đường mưu sinh: vừa đi học, vừa vẽ thuê kiếm sống.

 

Mới hơn hai mươi tuổi đầu đã lang thang nơi đất khách quê người tận xứ Nam Vang làm đủ thứ nghề vẽ thuê, dạy nhạc để sống, để học và để sáng tác. Năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc cho phép Đặng Thế Phong có thể vừa ôm đàn, vừa sáng tác, vừa biểu diễn tác phẩm của mình với chất giọng tenor rất đặc biệt.

 

Theo các bạn bè và bà Đặng Thanh Kim, em út của Đặng Thế Phong thì ông là một thanh niên rất điển trai, hoạt bát, thích ăn diện, ăn nói rất có duyên lại giỏi đàn hát nên được rất nhiều cô gái thành Nam yêu mến. Đặc biệt Đặng Thế Phong có biệt tài sắm các vai nữ, y như thật. Nhiều cô gái mê ông vì thế.

 

Trong số đó có ba cô lọt vào mắt xanh chàng trai trẻ đa tình. Đó là cô Hà Tiên, học sinh Trường Sarcree coeur Nam Định; cô Nguyễn Thị Na, tức Lê ở khu Ga Hải Phòng; và cô Bạch Yến ở Hàng Bông, Hà Nội.

 

Trong ba cô thì Bạch Yến xem ra nặng tình hơn cả bởi cô là người chăm sóc và tiễn đưa Đặng Thế Phong đến nơi an nghỉ cuối cùng và buồn thay cuộc đời của cả ba người đều lỡ dở.

 

Đặng Thế Phong viết "Đêm thu" năm 1940. Ca khúc này ông viết và biểu diễn ở những đêm lửa trại, lời ca được nhiều bạn bè đóng góp chỉnh sửa nên rất trong trẻo hồn nhiên, thể hiện nỗi đam mê của con người trước thiên nhiên và cuộc sống. Ngay lập tức bài hát được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt. Song phải đến "Con thuyền không bến" viết vào tháng 9/1941 sau khi nhạc sĩ đi Phnom Penh trở về thì tên tuổi Đặng Thế Phong mới nổi như cồn.

 

Hôm đó tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ca sĩ Vũ Thị Hiển lần đầu tiên hát ca khúc này đã làm xôn xao dư luận. Sau đó chính tác giả đã trình bày bài hát này tại rạp Olimpia ở phố Hàng Da thì công chúng Hà Nội càng thêm mến mộ một tài năng. Không chỉ bởi chất giọng của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ mà bởi chất thơ nhuần nhuyễn trong từng giai điệu và lời ca thẫm đẫm chất thu:

 

Đêm nay thu sang cùng heo may

Đêm nay sương lam mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng

Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.

 

Có một điều rất khó lý giải là tại sao ở cái tuổi mới hơn hai mươi mà Đặng Thế Phong lại nhuần nhuyễn từ ca từ đến làn điệu thấm đẫm chất dân ca đồng bằng Bắc Bộ như vậy.

 

Lướt theo chiều gió. Một con thuyền theo trăng trong.

 

Giai điệu này lặp đi lặp lại nhiều lần như một điểm nhấn, nó nghe như một làn điệu dân ca mơ hồ, chầu văn hay chèo nào đó.

 

Cũng lạ, trong lúc âm nhạc Pháp đang tràn ngập Việt Nam, tâm lý hướng ngoại đang là "mốt" trong giới trí thức, những đĩa hát tango chinoise 78 vòng/phút đầy chất lính kèn lê dương, phong trào tân nhạc chủ yếu là đặt lời cho các bài hát tây thì nhạc phẩm của Đặng Thế Phong lại thấm đẫm tâm hồn Việt…

 

Năm 1942, Đặng Thế Phong viết "Vạn cổ sầu", sau Bùi Công Kỳ sửa lời và đặt tên mới là "Giọt mưa thu". Đây là giai phẩm thứ ba của Đặng Thế Phong và lại có chủ đề là mùa thu:

 

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi

Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi.

 

Giọt mưa thu rơi thánh thót. Thật không có hình ảnh nào sống động chính xác hơn. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, người ta vẫn ví những khúc ca lộng lẫy đó như là "hoa hậu" của ca từ âm nhạc hiện đại Việt Nam.

 

"Giọt mưa thu" là một nhạc phẩm song cũng là một mảng tâm hồn của con người. Nó như một lời ru kỳ diệu đưa hồn người hòa đồng vào các cung bậc cảm xúc đầy sắc màu của thiên nhiên, nó như giãi bày hộ nỗi buồn nhân thế đang mong được giải tỏa.

 

Một tiếng tơ lòng cất lên mỏng manh như tâm hồn người nghệ sĩ.

 

Đã bao năm rồi, đã có biết bao thế hệ người Việt Nam cất tiếng hát:

 

Ai nức nở thương đời

Châu buông mau, dương thế bao la sầu.

 

Sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ chia xa, mỗi năm được gặp nhau một lần ngắn ngủi, nước mắt của tình yêu và nỗi nhớ giội từ trên trời cao xuống hiu hắt lắng đọng từ cõi vô biên, phải chăng đó là chất xúc tác để chàng nghệ sĩ họ Đặng cảm xúc cất lên những âm thanh siêu ảo vượt lên nỗi buồn thế tục, phải chăng giọt mưa thu chính là thiên sứ của tình yêu đã được nhân cách hóa một cách tài tình.

 

Hãy thử tưởng tượng trong một ngày mưa thu rơi thánh thót ngoài hiên, tiếng vĩ cầm cất lên réo rắt những giai điệu như nức nở của giọt mưa thu của Đặng Thế Phong, người ta có cảm nhận như đâu đây tiếng lòng thổn thúc của thơ Verlain, hay tiếng nhạc buồn của Chopin, hay những cánh lá vàng trong bức tranh "Mùa thu vàng" của Levitan. Thiên nhiên và lòng người hòa quyện một cách tài tình trong bàn tay sáng tạo của người nghệ sĩ.

 

Chỉ với ba nhạc phẩm thôi, Đặng Thế Phong đã là một hiện tượng trong lịch sử nền âm nhạc Việt Nam. Từ "Đêm thu" với những kỷ niệm tươi trẻ hồi thơ bé cùng Tết Trung thu:

 

Qua lá cành ánh trăng lan dịu dàng

Ru hồn bao nhớ nhung.

 

đến "Con thuyền không bến" mộng mơ:

 

Ánh trăng mờ chiếu.

Một con thuyền trong đêm thâu

Trên sông bao la thuyền mơ bến nơi đâu?

 

đã là một bước chuyển rất lớn trong tâm hồn người nghệ sĩ.

 

Đến "Giọt mưa thu": Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ.

 

Có thể thấy Đặng Thế Phong đã hóa thân vào tiếng thu lòng thổn thức một cách tài tình như thế nào.

 

Trong số những người bạn học thân của Đặng Thế Phong hồi thiếu thời ở Nam Định có Vũ Đức Oong. Ông này sau tham gia cách mạng bị Pháp bắt giam ở nhà ngục Sơn La. Từ trong tù, nghe tin bạn bị lao mà chết, năm 1943, ông cảm thán viết bài thơ "Nhớ Thế Phong", trong đó có đoạn:

 

Đã mấy thu rồi xa cách lắm

Mấy lần thu tới mấy thu đi

Bạn ơi! Có biết thu này khác

Trăng úa bên rừng khóc biệt ly!

 

Cũng lại ý tứ mùa thu. Phải chăng hai người bạn nối khố này rất đồng cảm với nhau. Năm 1945 ra tù tham gia cướp chính quyền ở Nam Định, ông Oong đã đến ngay gia đình Đặng Thế Phong và còn giữ nhiều tấm ảnh quý về gia đình họ Đặng này. Ông nói: "Nếu tôi không bị đi tù thì tôi không để cho Phong đi Campuchia và ốm đau bệnh tật như thế!".

 

Thoắt đấy mà đã chín chục năm ngày sinh của một nhạc sĩ tài hoa nhưng đoản mệnh. Hôm qua chúng ta đã hát những ca khúc buồn của ông, hôm nay chúng ta tiếp tục hát những ca khúc của ông nhưng với một tâm thế khác. Ngày mai cũng vậy. Bởi lẽ đó là những ca khúc bất hủ của một tài năng đích thực

P/v Theo báo mạng

Những bóng hồng trong thơ nhạc - Đặng Thế Phong: “Dương thế bao la sầu...”

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc còn phôi thai, chết rất trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.

Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Đặng Thế Phong là một trường hợp đặc biệt. Ông là một trong rất ít nhạc sĩ tiên phong của thời kỳ tân nhạc còn phôi thai, chết rất trẻ nhưng kịp để lại cho đời 3 ca khúc bất hủ.

 

Người viết có may mắn được gặp gỡ hai người biết khá rõ về cuộc đời Đặng Thế Phong. Đó là nhạc sĩ Lê Hoàng Long, tác giả ca khúc Gợi giấc mơ xưa (hiện sống tại TP.HCM) và nhà văn Phạm Cao Củng (gặp cách đây khoảng 10 năm, khi ông từ Mỹ về thăm quê hương, qua sự giới thiệu của họa sĩ Mạc Chánh Hòa). Theo nhà văn Phạm Cao Củng thì Đặng Thế Phong là một chàng trai rất đẹp, đàn hay hát giỏi, thích hóa trang thành thiếu nữ trong những vở kịch ngắn. Anh diễn rất đạt nên ai cũng yêu thích, nhất là phái nữ.

 

Nhạc sĩ Lê Hoàng Long thì khẳng định người yêu của Đặng Thế Phong tên Tuyết. Tuyết không đẹp nhưng có duyên. Cô là con gái một chủ tiệm buôn bán “gối màn chăn drap” ở chợ Sắt (Nam Định). Vốn tính nhút nhát, Đặng Thế Phong nghĩ mãi cũng không biết làm cách nào để “tiếp cận” người đẹp. Cuối cùng, anh vờ làm khách hàng vô hỏi giá rồi... nhét vội vào tay nàng một lá thư. Chẳng biết nội dung bức thư đầu tiên này mùi mẫn như thế nào mà sau đó cô Tuyết đã cự tuyệt một anh thông phán trẻ làm việc ở Tòa Đốc lý Nam Định, khi anh này dạm hỏi.

 

Thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng

 

Trước khi quen và yêu Tuyết, Đặng Thế Phong đã sáng tác ca khúc đầu tay Đêm thu trong một đêm cắm trại của Hướng đạo sinh (1940). Ca từ của bản nhạc rất trong trẻo, lạc quan... Còn bản Con thuyền không bến thì được sáng tác ở Phủ Lạng Thương (Bắc Giang) khi tình yêu giữa nhạc sĩ và cô Tuyết đang độ chín mùi.

Một hôm, ông cùng một nhóm bạn văn nghệ sĩ lên Bắc Giang chơi, nhân đó họ tổ chức một đêm đi thuyền trên sông Thương. Cùng lúc đó, chàng nhận được tin Tuyết ngã bệnh nơi quê nhà. Lòng dạ bồn chồn, xót xa, Đặng Thế Phong ôm đàn bước vào khoang thuyền, bỏ mặc các bạn đang đùa vui. Khi đêm sắp tàn thì bản nhạc hoàn tất với những lời ai oán não nùng gửi về... chân mây: “Đêm nay thu sang cùng heo may. Đêm nay sương lam mờ chân mây... như nhớ thương ai chùng tơ lòng...”, rồi “... Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm lòng. Biết bao buồn thương, thuyền mơ buồn trôi xuôi dòng...”.

 

Sớm hôm sau, Đặng Thế Phong tức tốc trở về Hà Nội, người đầu tiên được nghe chính tác giả hát ca khúc này là người yêu của ông. Cô Tuyết hết sức cảm động. Chưa hết, chỉ ít lâu sau, Con thuyền không bến ra mắt khán giả thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội qua tiếng hát của nữ ca sĩ Vũ Thị Hiển. Từ Nam Định, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội, ngồi cạnh Đặng Thế Phong, ngay ở hàng ghế đầu để nghe bài hát “người ấy làm riêng cho mình”. Hạnh phúc còn nhân đôi bởi chỉ khoảng một tuần sau, tại rạp Olympia (phố Hàng Da, Hà Nội), cô Tuyết còn được chứng kiến người mình yêu tự đệm đàn, tự hát ca khúc này mà ánh mắt luôn trìu mến hướng về chỗ cô ngồi, trong tiếng hoan hô nhiệt liệt của khán giả.

 

Trời thu gieo buồn lây

 

Sau khi từ Bắc Giang về, Đặng Thế Phong đã nhuốm bệnh. Thời đó, bệnh lao là một bệnh nan y và luôn bị những người chung quanh xa lánh.

Bệnh tình ngày càng trầm trọng, ở tỉnh không đủ điều kiện chữa trị, Đặng Thế Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ Nguyễn Trường Thọ trong một căn gác ở làng hoa Ngọc Hà (ngoại ô Hà Nội). Tuy vậy, tình trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt ngã... Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở thành Nam nên vài hôm mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả quay về.

 

Tháng 7 mưa ngâu. Cảnh buồn tê tái. Đặng Thế Phong nhớ Tuyết quay quắt... Nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và viết nên khúc nhạc buồn da  diết: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi. Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi. Nghe gió thoảng mơ hồ trong hơi thu, ai khóc ai than hờ... Trời thu đến nơi đây gieo buồn lây. Lộng vắng bốn bề không liếp che gió về. Ai nức nở quên đời châu buông mau, dương thế bao la sầu...”. Bản nhạc được chàng đặt tên là Vạn cổ sầu. Bạn bè góp ý nhạc thì hay nhưng cái tựa bi thảm quá. Cuối cùng, tên bản nhạc được đổi thành Giọt mưa thu.

 

Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của Tuyết.

 

Tang lễ của chàng nhạc sĩ 24 tuổi ấy được rất nhiều thanh niên nam nữ của thành Nam tham dự. Ngoài việc đưa tiễn một người con tài hoa nổi tiếng của quê hương, họ còn muốn chia sẻ và tỏ lòng trân trọng đến với cô thiếu nữ mặc áo đại tang đi sau linh cữu của chàng (việc này được phép của cả hai gia đình).

 

Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại TP.Nam Định. Cha là Đặng Hiển Thế - thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ Đặng Thế Phong mất sớm, hoàn cảnh gia đình quá túng thiếu, Đặng Thế Phong phải bỏ dở việc học (đang học năm thứ hai bậc thành chung - tương đương lớp 7 bây giờ) để lên Hà Nội tìm kế sinh nhai.

 

Với chất nghệ sĩ thiên phú và tư chất cực kỳ thông minh, Đặng Thế Phong đã “len” vào được Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (học dự thính). Ở Hà Nội, Đặng Thế Phong vừa học vẽ vừa thực hành để nuôi thân. Ông chuyên vẽ minh họa cho tờ báo Học sinh do nhà văn chuyên viết truyện trinh thám Phạm Cao Củng làm chủ nhiệm.

Nhân 65 năm ngày mất của Đặng Thế Phong (1918-1942): NGƯỜI NHẠC SĨ TÀI HOA MỆNH YỂU CỦA MÙA THU

Chủ nhật - 30/09/2007 20:51    

(NCTG) Hình ảnh mùa thu trong nghệ thuật của Việt Nam, có lẽ mở đầu với những vần thơ trác tuyệt của Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Lưu Trọng Lư…, để rồi bàng bạc trong những sáng tác của nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam như Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Phạm Trọng Cầu…

 

 

Nhưng nếu phải nhắc đến tên một người mà cả sự nghiệp sáng tác gắn liền với mùa thu mà không một ai sau đó khi sáng tác về mùa thu không chịu ảnh hưởng, đồng thời, có thể gọi ông là nghệ sĩ tài hoa mệnh yểu nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam, thì đó là Đặng Thế Phong, nhạc sĩ tiên phong và tiêu biểu của nền Tân nhạc Việt Nam thời “Tiền chiến”, đã từ giã cõi trần 65 năm nay.

 

Sinh năm 1918 tại thành phố Nam Định, là con thứ hai trong một gia đình có sáu anh em (hai trai bốn gái), Đặng Thế Phong mất cha - ông Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định - từ khi còn nhỏ. Gia cảnh túng thiếu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc Thành Chung tại Trường Trung học Saint Thomas d'Aquin. Đặng Thế Phong lên Hà Nội làm nhiều nghề để kiếm sống và ăn học: có dạo, ông hợp tác và vẽ cho báo “Học Sinh” của chủ bút Phạm Cao Củng (1). Đặng Thế Phong còn ghi danh học trên tư cách bàng thính viên tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới năm 1939; tại đây, ông đã để lại một giai thoạt đẹp và buồn. Trong một kỳ thi, Đặng Thế Phong vẽ một bức tranh cây cụt, không có một cành nào. Lúc nộp bài, giáo sư Tardieu (2), thày dạy ông khen đẹp, nhưng đoán rằng có lẽ Đặng Thế Phong sẽ không thọ!

 

Thời gian sau, đầu năm 1941, ông lang thang vào Sài Gòn, sau đó sang Campuchea kiếm sống trong vòng nửa năm - có lúc, ông mở một lớp dạy nhạc tại đây. Sinh thời, Đặng Thế Phong sống rất nghèo khổ và cực nhọc: từ năm 1940, ông mắc bệnh lao nhưng không có tiền chữa chạy, bệnh lan vào màng óc khiến ông qua đời năm 1942 khi mới 24 tuổi tại một căn gác hẹp phố Hàng Đồng, Nam Định.

 

*

 

Đặng Thế Phong là người đa tài: ông vẽ giỏi, có giọng hát khá cao (gần ở mức tenor), đã nhiều lần đứng dưới ánh đèn sân khấu mà lần đầu tiên, có người nhớ lại, là bận ông trình diễn bản “Con thuyền không bến” tại rạp chiếu bóng Olympia, phố Hàng Da (Hà Nội) năm 1941. Nhạc sĩ Dozãn Mẫn, người cùng thời với Đặng Thế Phong, đã nhận xét rằng ông là người “hết sức tài hoa”, “chơi được rất nhiều nhạc cụ”.

 

Là một trong những nhạc sĩ đầu tiên của nền “nhạc cải cách” Việt Nam, trong 24 năm của đời mình, Đặng Thế Phong chỉ để lại vỏn vẹn 4-5 tác phẩm (3), trong đó có 3 nhạc phẩm nổi tiếng và quen biết về mùa thu là "Đêm thu" (viết cho lửa trại của học sinh Hà Nội 1940), "Con thuyền không bến" (thai nghén và hoàn chỉnh trong những ngày cực nhọc kiếm sống ở Nam Vang, năm 1941) và "Giọt mưa thu" (thoạt đầu mang tựa đề "Vạn cổ sầu" nhưng do góp ý của bạn bè, nhạc sĩ đặt lại cho bớt phần bi ai; lời của nhạc phẩm này được coi là sáng tác chung của Đặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ, một đồng hương trong nhóm các nhạc sĩ thành Nam thời bấy giờ, như Hoàng Trọng, Đan Thọ…)

 

 

 

Trong số 3 ca khúc về mùa thu thì “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa thu”, theo một số hồ tưởng, được coi là lấy từ cảm hứng mối tình giữa Đặng Thế Phong với một thiếu nữ tên là Tuyết (4). Tuy nhiên, gạt ra ngoài những yếu tố riêng tư có thể có, dễ nhận thấy âm hưởng vụ trũ rất mạnh mẽ và lãng mạn trong cả ba ca khúc: sự hòa nhịp giữa lòng người, tâm tình của một cá nhân nhỏ bé với tất cả cảnh vật và vũ trụ xung quanh. Nếu như trong ca khúc đầu tay “Đêm thu”, tác giả mới chỉ thể hiện nỗi lòng con người trong một đêm thu vắng vẻ, bên khu vườn nhỏ lặng lẽ của mình, để rồi cho con người tình tự với cỏ cây, hoa lá, trăng sao, thì đến “Con thuyền không bến”, “người nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ của mình nữa, anh dắt ta ra trước cảnh thu về trên một dòng sông” để “nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ… bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến” (Phạm Duy). Và trong “Giọt mưa thu”, nhạc phẩm cuối cùng viết trên giường bệnh, một trong những ca khúc bất tử của Tân nhạc Việt Nam, dường như cả cái buồn não nề, da diết của thời đại đã hội tụ trong từng giọt mưa ngâu mùa thu, từng giọt nước mắt của đôi trai gái Ngưu Lang - Chức Nữ trong cảnh ly biệt và nhuốm màu chết chóc ngày Thất Tịch.

 

Chùm ca khúc về mùa thu của Đặng Thế Phong có thể tựu trung vào một câu: “Dương thế bao la sầu”. “Hồn thu” là như thế, là những cảnh “gió xa xôi vẫn về”, “mưa giăng mù lê thê”, lũ “chim non chiêm chiếp kêu trên cành” để rồi vợ chồng Ngâu sẽ “mãi mãi khóc vì thu”. Bởi vì, cho dù “bến mơ dù thiết tha”, thì “thuyền ơi đừng chờ mong”, một khi “lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về”. Chịu ảnh hưỏng của Thơ Mới (và có thể, của thi ca lãng mạn Pháp), lời ca khúc của Đặng Thế Phong không chỉ là những vần thơ đẹp bậc nhất của tân nhạc Việt Nam, mà còn khiến chúng ta liên tưởng đến những họa phẩm của trường phái Ấn tượng, mà chắc chắn nhạc sĩ đã chịu ảnh hưởng trong những tháng ngày theo học Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội.

 

Sáu mươi lăm năm sau ngày qua đời, cho dù các nhạc phẩm của Đặng Thế Phong đã được “tái hồi” tại các sân khấu nhạc Việt Nam chừng hai chục nay, sau nhiều thập niên vắng bóng vì bị coi là “ủy mị”, “tiêu cực”, nhưng đến giờ, dường như ngay tại quê hương người nhạc sĩ tài ba này cũng chưa có con đường, góc phố nào được mang tên ông. Có điều, những tâm hồn yêu mùa thu, cứ mỗi độ thu về, lại nghe "Tiếng Thu như thì thầm - Trong hàng cây trầm mơ" và không quên người nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu của mùa thu.

 

Có lẽ đối với Đặng Thế Phong, điều đó cũng khiến ông ấm lòng nơi cõi cực lạc…

 

Ghi chú:

 

(1) Phạm Cao Củng (sinh năm 1913, hiện sống tại bang Florida, Hoa Kỳ) là người Việt đầu tiên thử nghiệm và thành danh với việc bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám của phương Tây. Theo tự "Tự điển Văn học" (bộ mới), mục từ Phạm Cao Củng (do cháu gái nhà văn là PGS Phạm Tú Châu chấp bút), nhà văn Phạm Cao Củng ra đời trong một gia đình giáo học, từ nhỏ đã mê đọc sách kiếm hiệp dịch của Tàu và những tác phẩm trinh thám phương Tây. Hậu bán thập kỷ 30, sách của Phạm Cao Củng được đăng dài kỳ trên "Tiểu thuyết thứ Bảy" và trong vòng chừng  6-7 năm, ông đã công bố 20 tiểu thuyết trinh thám trên các báo, đưa những cái tên "thám tử Kỳ Phát" và “Tám Huỳnh Kỳ” trở thành một khái niệm trong lòng độc giả. Ngoài sách trinh thám, Phạm Cao Củng còn là một nhà báo chuyên nghiệp và cần cù: ông viết thạo mọi thể loại văn, thơ, dịch văn và còn sản xuất báo. Tương truyền, Phạm Cao Củng từng từ chối lời gợi ý gia nhập nhóm "Tự lực Văn đoàn" vì sợ nếu về đó, ông không còn được viết cho các báo và các nhà xuất bản bên ngoài.

 

(2) Giáo sư, họa sĩ Victor Tardieu (1870-1937), người sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (cùng họa sĩ Nguyễn Nam Sơn) vào năm 1924 và là hiệu trưởng đầu tiên của trường này.

 

(3) Ngoài 3 tác phẩm về mùa thu, đầu năm 2006, báo chí trong nước có đăng bài về việc tìm thêm được một ca khúc khác của Đặng Thế Phong: bản “Gắng bước lên chùa” (nhạc Đặng Thế Phong, lời Phạm Cao Củng), đã được in trên báo “Tin Mới” ra ngày 27-2-1940. Xin xem "Vừa tìm thấy một nhạc phẩm của Đặng Thế Phong" ("Tiền Phong" ngày 11-1-2006).

 

(4) Xem "Đặng Thế Phong - Tài hoa bạc mệnh" (hồi tưởng của nhạc sĩ Lê Hoàng Long về Đặng Thế Phong).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét